Sự kiện giáo dụcTin tức

Rà soát, chỉnh sửa những văn bản liên quan thi đua, khen thưởng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trước hết, Bộ GD-ĐT cần rà soát, chỉnh sửa những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thi đua, khen thưởng và bệnh thành tích để loại bỏ lỗ hổng và quy định còn mang tính hình thức…

Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay” của Viện Khoa học giáo dục VN nêu: “Biểu hiện trầm trọng nhất của bệnh thành tích lại là ở đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông”.

Điều này được thể hiện qua báo cáo kết quả giáo dục thiếu trung thực, chỉ đạo/tổ chức xếp loại học lực và hạnh kiểm cuối kỳ, cuối năm không đúng với thực lực học sinh (HS) mà theo chỉ tiêu thi đua ấn định từ trước.

Rà soát, chỉnh sửa những văn bản liên quan thi đua, khen thưởng - ảnh 1

Gánh nặng thi cử, áp lực học tập của học sinh có một phần nguyên nhân do sức ép từ các tiêu chí thi đua. ĐÀO NGỌC THẠCH

Kết quả tọa đàm của đề tài nghiên cứu với giáo viên (GV) cho thấy, nhà trường giao chỉ tiêu đánh giá cuối năm học cho từng lớp, từng GV nên đã gây sức ép đối với GV (về chỉ tiêu xếp loại HS; về làm sáng kiến kinh nghiệm, về thi GV dạy giỏi cấp trường, cấp huyện…).

Từ sức ép của nhà trường, đã có nhiều GV đánh giá HS không đúng thực lực như nâng điểm, xếp lại hạnh kiểm để đạt lại chỉ tiêu chất lượng HS cuối năm học, phải đạt được theo chỉ đạo của hiệu trưởng về tỷ lệ HS giỏi, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp dẫn đến chất lượng thực sự của một cơ sở giáo dục không như thực tế.

Như vậy, bằng việc ấn định chỉ tiêu thi đua từ cấp quản lý xuống cơ sở giáo dục và các cơ sở để chạy theo những chỉ tiêu thi đua đã được ấn định từ trước đó sẽ lại giao chỉ tiêu xuống tới các tổ chuyên môn, các GV, dẫn đến tình trạng chung là các GV phải “tìm mọi cách” để đạt và vượt chỉ tiêu thi đua được giao. Một chuỗi những hành động không trung thực gây nên tình trạng thành tích ảo, không phản ánh được đúng khả năng và trình độ, chất lượng giáo dục. Kết quả khảo sát cũng cho thấy: 46,2% đối tượng khảo sát cho rằng chính quyền địa phương gây áp lực cho ngành giáo dục bằng mọi cách đạt chỉ tiêu thi đua do địa phương đặt ra.

Theo nghiên cứu này, háo danh, sính thành tích là nguyên nhân gây bệnh thành tích trong giáo dục được 83,9% đối tượng khảo sát thừa nhận, cao nhất trong số các nguyên nhân được hỏi ý kiến. Nhà trường thì háo danh trường xuất sắc, trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ HS khá giỏi, lên lớp, tốt nghiệp cao…

Theo báo cáo, hầu hết các đối tượng khảo sát đều khẳng định những tác hại mà bệnh thành tích trong giáo dục gây ra, trong đó tác hại lớn nhất là tạo ra chất lượng giáo dục ảo. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hình thành nhân cách của người học.

Trong phần kiến nghị, nhóm tác giả của đề tài nghiên cứu này cho rằng: Để từng bước hạn chế bệnh thành tích, cần có những giải pháp đồng bộ. Trước hết, Bộ GD-ĐT cần rà soát, chỉnh sửa những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thi đua, khen thưởng và bệnh thành tích để loại bỏ lỗ hổng và quy định còn mang tính hình thức, đôi khi vô tình là nguyên nhân dẫn đến các hành động tiêu cực trong giáo dục để đạt được khen thưởng. Bộ GD-ĐT cũng cần giảm thiểu các cuộc thi không cần thiết…

Các sở GD-ĐT cần bỏ áp đặt các chỉ tiêu thi đua với từng khối lớp, từng GV. Chỉ tiêu thi đua phải thiết thực, phù hợp với thực tiễn của nhà trường và HS mà không bị chi phối bởi áp lực thành tích. Không đặt ra những chỉ tiêu quá cao, xa rời thực tế…

Vi phạm đạo đức nhà giáo và quyền được học tập của học sinh

Báo cáo kết quả nghiên cứu theo đặt hàng của Bộ GD-ĐT với Viện Khoa học giáo dục VN từ cuối năm 2017 với đề tài “Bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay” cũng chỉ ra: “Một hiện tượng vô cùng nghiêm trọng đang xảy ra ở các trường, đó là: Các trường THCS do muốn được xếp hạng cao trong tỉnh nên rất nhiều trường đã cấm/ép buộc hoặc gợi ý để những HS yếu chuyển trường hoặc không dự kỳ thi vào THPT. Nhiều trường mời cả cha mẹ của những HS này đến nói chuyện khuyên không nên cho con dự thi”.

“Đây là việc làm vi phạm đạo đức nhà giáo và vi phạm quyền được học tập của các em…”, báo cáo này nhấn mạnh.

Việc làm này được cho xuất phát từ nguyên nhân mong muốn có được hình ảnh tốt, thương hiệu tốt mà ban giám hiệu các trường đã không ngần ngại bằng mọi giá, mọi cách, dù là gian dối để thổi phồng thành tích, chạy đua giành các danh hiệu như “trường điểm”, “trường chuẩn”….

Theo Tuyết Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)