Tinh giản biên chế ngành giáo dục là cụm từ không mới, và hiện nay đang được thực hiện một cách nghiêm túc. Thẳng thắn nhìn nhận, công tác tinh giản sau rà soát, sắp xếp đội ngũ cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt thì mới thực sự hiệu quả.
Trong kế hoạch sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024-2025 và định hướng sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2026-2030, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ, đến năm 2025, ngành giáo dục TP đặt mục tiêu: Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao.
Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Ngành giáo dục cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, xây dựng Đề án vị trí việc làm gắn với công tác tinh giản biên chế. Xác định vai trò, tính cần thiết, cấp bách của việc tinh giản biên chế đối với chất lượng giáo dục, các nhà trường đã nghiên cứu kỹ càng, rà soát lại đội ngũ để xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp.
Tuy nhiên, có một thực tế, sau khi rà soát, xây dựng lại đề án vị trí việc làm của đơn vị, số giáo viên, nhân viên dôi dư của nhà trường sau khi sắp xếp lại rất khó để có thể tinh giản.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho biết, để thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp và xây dựng đội ngũ có chuyên môn, trình độ đáp ứng với đòi hỏi của vị trí việc làm, yêu cầu khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã rà soát lại đội ngũ hiện có. Kết quả là dôi dư 2 nhân viên do trước đó đã bị bố trí những vị trí việc làm chưa phù hợp.
“Người có trình độ chuyên môn về thư viện thì lại hợp đồng để bố trí vào vị trí giám thị, và ngược lại, người không có trình độ thì lại được tuyển dụng làm vị trí này. Ngay sau khi rà soát và nhận thấy những bất cập trước đó của trường, nhà trường đã tiến hành sắp xếp lại theo đúng vị trí việc làm, yêu cầu chuyên môn của từng vị trí việc làm. Vì vậy, số lượng nhân viên thực tế dôi dư là 2 người”.
Dù vậy, hiệu trưởng này thừa nhận, hiện nay số nhân viên dôi dư này nhà trường không biết phải giải quyết ra sao vì không tinh giản được, cũng không thể chuyển sang đơn vị trường còn thiếu được do cá nhân họ không chủ động đề xuất dù nhà trường đã rất nhiều lần trao đổi, gợi ý.
“Hiện nay nhà trường đang bố trí tạm vị trí hỗ trợ quản lý học sinh cho các nhân viên dôi dư này, song rõ ràng có ảnh hưởng đến nguồn chi của trường. Từ thực tế của trường, tôi cho rằng đi cùng với việc rà soát đội ngũ, xây dựng đề án vị trí việc làm thì việc sắp xếp lại đội ngũ dôi dư phải được thực hiện quyết liệt hơn, có thể luân chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, tránh thực trạng nơi thừa thì không thể tinh giản, không thể luân chuyển còn nơi thiếu thì vẫn tuyển dụng, gây lãng phí và bất hợp lý” – hiệu trưởng này kiến nghị.
Tương tự, tại một trường THPT khác, bất cập lại ở chỗ nhân viên y tế song lại không hề có trình độ chuyên môn về y tế còn nhân viên có trình độ chuyên môn y tế lại được bố trí vị trí giám thị.
Nhìn nhận về thực tế này, hiệu trưởng một trường THPT khác thẳng thắn: Trong Đề án vị trí việc làm, Bộ GD-ĐT quy định có vị trí nhân viên y tế nhưng không có vị trí giám thị. Do vậy, vị trí giám thị chỉ được tổ chức theo diện hợp đồng trường. Chính điều này gây ra bất cập trong phân công chuyên môn như thực tế nhà trường nói trên.
“Tinh giản biên chế trước hết là sắp xếp lại vị trí việc làm phù hợp theo đúng chuyên môn. Sau mới tính đến việc giảm chi từ ngân sách Nhà nước trong chi trả lương như kế hoạch, yêu cầu của tinh giản biên chế. Chỉ có thể rà soát và nghiêm túc sắp xếp vị trí việc làm theo đúng chuyên môn nghiệp vụ sau rà soát thì mới có thể đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn và thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả ngành giáo dục” – hiệu trưởng này nhìn nhận.
Một trong những phương án giải bài toán tinh giản biên chế ngành giáo dục đang được nhiều địa phương tại TP.HCM thực hiện đó là gộp các điểm trường nhỏ lẻ. Về cơ bản, khi gộp các điểm trường nhỏ lẻ, bộ máy hành chính, nhân viên các trường sẽ giảm đáng kể. Kế đó là giảm về bộ máy quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó. Còn về giáo viên sẽ ít ảnh hưởng.
Trong vài năm nay, quận 7 là địa phương đã thực hiện rất tốt việc gộp các điểm trường nhỏ lẻ, số đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên dôi dư được luân chuyển, điều chuyển sang vị trí phù hợp. Tuy vậy, một cán bộ quản lý tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 7 sau khi được gộp bày tỏ, có tình trạng cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó sau khi gộp các điểm trường, được luân chuyển sang phụ trách công tác khác đã… chán nản bỏ nghề.
“Điều quan trọng nhất khi giải bài toán tinh giản biên chế của ngành giáo dục là làm sao phải ổn định được tâm lý đội ngũ, đánh giá đúng năng lực để sắp xếp, bố trí công việc phù hợp, tránh gây tâm lý bất an, chán nản cho đội ngũ” – vị này đánh giá.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)