Y tế - Văn hóaThư giãn

Rà soát toàn bộ di tích ở Hà Nội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau hàng loạt vụ việc xâm hại di tích đáng tiếc xảy ra, hôm qua 21.3, tại cuộc họp giao ban với cán bộ của 29 quận huyện, Sở VH-TT-DL Hà Nội đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ các di tích trên địa bàn.

 
Đình Cựu Quán bị xâm hại – Ảnh: Đan Hạ

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở điểm lại những vụ việc xâm hại di tích đáng tiếc như tùy tiện đặt tượng dược sư tại chùa Bà Đá (Q.Hoàn Kiếm), tiếp nhận ngựa đồng ở đền Phù Đổng (H.Gia Lâm), đắp hình thú lạ trên bình phong ở lăng Ngô Quyền (TX.Sơn Tây), tự ý tháo dỡ mái vẩy ở đình Cựu Quán (H.Hoài Đức)… do báo chí lên tiếng khiến dư luận bức xúc, theo ông không phải là hiện tượng phổ biến tại Hà Nội nhưng đều là những sai phạm rất nghiêm trọng. Ông Tiến cũng cho rằng bấy nhiêu vụ việc trên đều do báo chí lên tiếng trước chứ không phải do cán bộ văn hóa cơ sở phát hiện. Điều đó cho thấy công tác quản lý văn hóa đang có vấn đề, phải chấn chỉnh, tăng cường hoạt động này.

Cụ thể, theo ông Tiến, trong thời gian tới, để tránh tình trạng xuất hiện “dị vật” trong các di tích như ở đền Gióng, chùa Bá Đá… vừa qua, Sở VH-TT-DL Hà Nội sẽ ra văn bản cấm ban quản lý các di tích tiếp nhận đồ thờ. Cùng với đó, sẽ rà soát lại toàn bộ di tích trên địa bàn Hà Nội, nếu phát hiện đồ thờ không phù hợp, sẽ buộc di dời.

Về lâu dài, để bảo vệ các di tích khỏi nguy cơ xâm hại, nhiều ý kiến cho rằng cần phổ biến luật Di sản đến từng người trông coi di tích. Đồng quan điểm, ông Tiến cho hay Sở VH-TT-DL đang triển khai soạn thảo bộ quy chế quản lý di tích văn hóa theo mẫu chung để các địa phương dựa vào đó xây dựng bộ quy chế quản lý cho từng di tích. Dự kiến, trong quý 2 năm nay sẽ xong. Song song đó, thời gian tới Sở sẽ tổ chức tập huấn luật Di sản, nghị định, thông tư kèm theo đến lãnh đạo phụ trách khối văn hóa các địa phương. Cán bộ trực tiếp quản lý ngành văn hóa, ban quản lý di tích, nhà sư cũng phải được tập huấn luật Di sản. “Nội dung tập huấn, chắc chắn không thể toàn bộ luật được mà tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ của các cấp, ngành địa phương. Trong đó, phải làm sao cho người quản lý di tích ở địa phương hiểu được trách nhiệm của mình là gì”, ông Tiến nói.
Ông Tiến còn đề xuất sẽ tổ chức hội thảo, mời những nhà khoa học, nhà quản lý di tích đến chia sẻ ý kiến rồi soạn thành tài liệu ngắn gọn nhất để chuyển đến từng di tích tuyên truyền công tác bảo vệ.
Theo TNO

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)