Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Ra sức… bảo vệ ước mơ!

Tạp Chí Giáo Dục

Thay cho những câu hỏi em nên học ngành nào, sau này ra sẽ làm gì, cơ hội việc làm ra sao… thì ngược lại, các học sinh đã mạnh dạn tư vấn cho mọi người về những nét hay, nét đẹp và đặc trưng của ngành nghề họ sẽ chọn theo đuổi.

Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh đoạt giải cao tại cuộc thi

Hơn 200.000 lượt học sinh THPT thuộc 30 tỉnh/thành, từ Đà Nẵng đến Cà Mau đã tham dự cuộc thi “Thực hiện ước mơ” năm 2016 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM và Viện Đào tạo quốc tế (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) tổ chức. Trong số này, không phải em nào cũng quả quyết đến cùng với ngành nghề mơ ước, tuy nhiên các em đã có điều kiện tìm hiểu bản thân và thế giới ngành nghề rộng lớn từ đó xóa dần những suy nghĩ mơ hồ, thay bằng một tâm thế đầy chủ động.

“Xin cho con được theo ngành yêu thích”

Em Trần Nguyên Ngọc (học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền, Quảng Nam) đã khẩn thiết đề nghị như vậy trong tình huống người cha nhất quyết phản đối con theo đuổi công việc nghiên cứu Hán – Nôm. Thay vào đó, người cha muốn con đổi sang làm một công việc khác phù hợp điều kiện, mức thu nhập cao hơn và thuận tiện cho việc lập gia đình sau này.

Trên thực tế, đây là tình huống có thể gặp phải của rất nhiều học sinh cuối cấp khi lựa chọn ngưỡng cửa vào đời. Trong tình huống đó, nếu thiếu bước tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng, bạn trẻ sẽ dễ bị đuối lí không thuyết phục được cha mẹ hoặc thậm chí dao động trước sức hút của nhiều lĩnh vực ngành nghề hấp dẫn khác mà bỏ qua niềm mơ ước. Ngọc chọn cách thuyết phục cha bằng những suy nghĩ cứng cáp về nghề, về ý nghĩa của lĩnh vực công việc mình mong muốn theo đuổi. Ngoài ra, em còn thể hiện những tình cảm đặc biệt đối với công việc, ngay cả phải chấp nhận hy sinh những niềm vui của tuổi trẻ. Ngọc cho rằng, lĩnh vực em sẽ theo đuổi không đồng nghĩa đưa em… lùi về “thế giới cổ xưa” như nhiều người vẫn nghĩ, mà thực ra là nền tảng vững mạnh để phát triển tương lai. Bởi những công trình, văn bản Hán – Nôm cổ xưa là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khi chúng ta tiếp cận, tìm hiểu luôn nên gợi cảm hứng lớn.

Em Đỗ Nguyễn Thị Tú Minh (học lớp 11A1 Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM) tại cuộc thi cũng xử lý tình huống tương tự khi người cha không ủng hộ lĩnh vực công nghệ sinh học mà em mong ước theo đuổi. Đặt trường hợp lựa chọn làm việc tại viện sinh học với lĩnh vực yêu thích nhưng mức thu nhập không cao và theo ý nguyện của cha, làm việc trong một công ty nước ngoài với mức lương hậu hĩnh, Tú Minh nhất quyết theo con đường mà em có thể giữ chặt được niềm đam mê. Ngay cả khi được một thành viên Ban giám khảo gợi ý đi theo những ngành nghề thuộc các lĩnh vực như quan hệ công chúng, bán hàng, dẫn chương trình… để được thuận lợi và phát huy tốt thế mạnh giao tiếp của bản thân, Tú Minh vẫn một mực đeo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư sinh học với quan điểm, nếu lựa chọn một ngành chỉ dựa vào thế mạnh của bản thân mà bỏ qua đam mê, đến giữa chừng có thể bị “gãy gánh” vì mất cảm hứng, không đủ động lực vượt qua khó khăn thử thách. Đối với em, việc theo đuổi ngành học mình đam mê hết sức quan trọng.

Em Nguyễn Thị Xuân Tâm (học lớp 12C10 Trường THPT Long Khánh, Đồng Nai) thi hùng biện về giá trị xã hội nghề nghiệp mà em có nguyện vọng theo đuổi

Giải nhất trị giá 75.000 đô la Úc

Với ước mơ trở thành bác sĩ ngoại khoa, em Nguyễn Thị Xuân Tâm (học lớp 12C10 Trường THPT Long Khánh, Đồng Nai) đã đoạt giải nhất cuộc thi, nhận suất học bổng tại ĐH Western Sydney (Úc) trị giá tối thiểu 75.000 đô la Úc (tùy theo chương trình học mà học viên lựa chọn). Hai giải nhì gồm 1 suất học bổng tiếng Anh 4 tuần tại ĐH Western Sydney (Úc) trị giá 200 triệu đồng được trao cho em Lê Ngọc Minh Châu (học lớp 12 Trường THPT Gia Định, TP.HCM) với ước mơ trở thành doanh nhân và em Trần Nguyên Ngọc (học lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Hiền, Quảng Nam) với ước mơ trở thành nhà nghiên cứu Hán – Nôm. Em Phạm Hoàng Ân (học lớp 10A1 Trường THPT Long Thới, TP.HCM) với ước mơ trở thành nhà thiết kế đồ họa và em Đỗ Nguyễn Thị Tú Minh (học lớp 11A1 Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM) với ước mơ trở thành kỹ sư sinh học cùng đoạt giải ba.

“Không bỏ cuộc” là quyết tâm mà chàng trai Ngô Thanh Trí (học viên Trung tâm GDTX Q.Tân Phú, TP.HCM) thể hiện qua câu chuyện đầy nghị lực của chính bản thân. 4 năm trước em từng là một cậu học trò gầy rộc, thiếu sức sống vì ngày đêm lún sâu trong… game. Không chỉ gây phiền muộn cho gia đình, chính em còn bị dở dang chuyện học bởi nguyên do này. “Em chỉ thực sự bừng tỉnh và thay đổi khi chuyển sang đam mê thể hình, thay đổi cả thể lực, mục tiêu, lối sống…”, Trí khẳng định. Đi cùng với sự thay đổi này, em đã làm lại từ đầu bằng con đường học hệ GDTX và quyết tâm đậu vào Trường ĐH Thể dục thể thao trong năm 2016. Chàng trai trẻ cho rằng, chỉ cần không bỏ cuộc sẽ tìm thấy lối đi dưới chân, không theo cách này thì theo cách khác…

Đừng để học sinh gánh vác ước mơ của… người khác

Nhiều câu chuyện về ước mơ đẹp đã quy tụ và truyền cảm hứng đến người xung quanh, theo Ban tổ chức, điều đáng khích lệ là các em không chỉ biết cách thể hiện mà còn thuyết phục người khác để được theo đuổi ước mơ riêng, thậm chí bảo vệ đến cùng ước mơ đó.

Ông Dương Thành Truyền (Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Trẻ – Trưởng ban giám khảo) xúc động cho biết, cuộc thi năm nay vẫn còn có những… giọt nước mắt. Đó là nước mắt buồn và dồn nén khi học sinh chịu sức ép gia đình phải gánh vác ước mơ không của chính bản thân. Tuy nhiên tín hiệu vui là năm nay nước mắt đó đã ít hơn. “Chúng tôi không hướng học sinh đi ngược lại gửi gắm của cha mẹ dành cho các em. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian để cùng con em khám phá bản thân, chia sẻ, gợi mở ước mơ cho con thì điều này hết sức ý nghĩa”, ông Truyền nói.

Cũng theo ông Truyền, điều thú vị là năm nay, bên cạnh những ngành nghề vẫn tiếp tục ở thế thượng phong như kinh doanh, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, giáo viên… thì có sự lên ngôi thú vị của nghề thiết kế (từ thiết kế đồ họa đến thời trang, tư vấn ăn mặc), chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục. Nhiều bạn trẻ đã chọn con đường chẳng mấy ai đi như làm bác sĩ chuyển giới, bác sĩ pháp y, chủ cửa hàng bán sách ở một huyện ngoại thành, nhà sản xuất phim hoạt hình, nhà nghiên cứu Hán – Nôm, nhà hoạt động xã hội về môi trường… Đây là điều rất đáng khích lệ.

Bài, ảnh: Mê Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)