Tại thủ đô Hà Nội, các khu vực chợ lao động quen thuộc như: chợ hoa Quảng An, đầu đường Hoàng Quốc Việt, phố Kim Ngưu, đường Giảng Võ… lại đông đúc, tấp nập những người lao động đứng, ngồi chờ việc.
Tấp nập người chờ việc
Có mặt tại khu vực chợ lao động ở ngã ba đường Âu Cơ, gần chợ hoa Quảng An, Q.Tây Hồ vào buổi sáng, chỉ một đoạn đường có tới gần 50 người chờ việc. Chợ lao động này được hình thành tự phát hàng chục năm nay, chủ yếu phục vụ nhu cầu chăm sóc và tưới hoa, cây cảnh của những làng hoa truyền thống ở quanh đây. Chị Lê Thị Nga, ở (Đông Anh), đứng đợi việc ở đây kể: “Hôm nào cũng đông người đứng đợi việc. Có người ở Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm; cũng có nhiều người đến từ Hưng Yên, Bắc Ninh, thậm chí cả Thanh Hóa, Nam Định… Không chỉ khu vực gần chợ hoa này, mà suốt dọc đường đê lên tới Nhật Tân, xuống cả Tứ Liên cũng có khá nhiều người đứng đợi việc ở vỉa hè”.
Người lao động chờ việc luôn trong tình trạng lo lắng: “Không biết có ai tới thuê mướn mình hay không” – Ảnh: Ng.H.N |
Dạo qua khu chợ lao động ở đầu đường Hoàng Quốc Việt, chỗ tiếp giáp với đường Bưởi, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh tượng hàng trăm người lao động đang đứng, ngồi vạ vật quanh quất nơi vỉa hè, gốc cây, khu đất trống… để đợi việc. Khi thấy chúng tôi tà tà xe máy tiến lại gần sát vỉa hè, một nhóm người nhao nhao chạy tới hỏi han bởi họ nhầm tưởng chúng tôi là những người tới thuê mướn nhân công làm việc.
Chị Lê Thu Huyền, quê Nam Định, người thường xuyên đứng đợi việc làm tại khu vực đầu đường Láng cho hay, ở làng chị hầu như gia đình nào cũng có một vài người lên Hà Nội, ra Hải Phòng để làm thuê làm mướn, buôn bán. Có nhà cả hai vợ chồng đi hết, chỉ vài bữa làm mùa là về, xong lại đi ngay.
Đến khu chợ lao động mà người lao động ngoại tỉnh đứng đợi việc đông đúc có tiếng ở Hà Nội là khu Kim Ngưu – cầu Mai Động. Dù là buổi trưa nên một số người đã tản về các khu trọ, hay đi ăn cơm trưa đâu đó nhưng số lượng người nán lại đợi việc vẫn rất đông, khi số lượng lên tới cả trăm người. Anh Nguyễn Văn Tuấn, quê Thanh Hóa, người đứng chờ việc ở đây nói rằng mới đầu năm nhiều người còn chưa lên, chứ vài bữa nữa khu chợ người này còn đông hơn nhiều.
Ít người đến thuê mướn
Nếu dịp cận tết các khu chợ lao động là nơi có rất nhiều người tìm tới để thuê mướn lao động phổ thông về làm các công việc lặt vặt như: sơn sửa nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc, lau chùi nhà, thì trái ngược hẳn, tháng giêng chẳng có mấy ông bà chủ tới kiếm người lao động. Người lao động luôn trong tình trạng lo lắng: “Không biết có ai tới thuê mướn mình hay không”. Chị Lê Thị Kim (quê ở Kim Động, Hưng Yên), người đứng đợi việc ở khu cả tuần nay, kể: “Hôm có việc, hôm không có ai thuê mướn nên đồng tiền kiếm được rất bấp bênh”. Chị Kim thuê trọ cùng với hai người phụ nữ đồng hương khác và họ cũng là lao động tự do ở chợ lao động. Chị nói: “Từ hôm lên Hà Nội đến nay đã gần chục hôm rồi vậy mà mới kiếm được hơn 500.000 đồng, vừa đủ tiền đóng tiền nhà trọ”. Cảnh ế ẩm như vậy nên hễ thấy một chiếc xe máy hay chiếc ô tô tạt vào như có ý tìm kiếm lao động là những người đợi việc lại bừng tỉnh và lao tới, ai cũng muốn giành lấy phần việc cho mình.
Anh Hân, nhà ở Bắc Ninh đã có “thâm niên” 7 năm ở chợ lao động Mai Động – Kim Ngưu, cho biết: “Đứng đợi việc cả hàng trăm người nhưng có khi cả ngày chỉ khoảng một vài chục người may mắn có việc làm, còn toàn về không. Có ông chủ chỉ đến tìm 1 người tới phụ việc sửa sang nhà tắm, vậy mà cả chục người xúm lại tranh nhau đòi được người ta thuê mình. Những lúc như vậy ông chủ chỉ có cách là chọn người nào có thân hình to khỏe và đòi mức tiền công khoán thấp nhất mà thôi…”.
Ở khu vực gần chợ hoa Quản An, bình thường những phụ nữ tại đây được các nhà vườn thuê mướn đi cuốc đất, chăm bón và tưới hoa, cây cảnh rất nhiều. Thế nhưng do hoa, cây cảnh đã vừa bán hết dịp tết nên việc các nhà vườn thuê nhân công là rất hãn hữu. Thỉnh thoảng có một vài nhà vườn ra kiếm người vào cuốc, xới đất để chuẩn bị cho một vụ trồng hoa mới với tiền công rẻ mạt. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công khoán (bao gồm nuôi ăn một bữa trưa cho việc cuốc, xới đất chủ vườn chỉ trả từ 100.000 – 120.000 đồng/buổi; còn gánh nước tưới hoa, hay nhặt cỏ thì tiền công chưa tới 100.000 đồng/buổi.
Nguyễn Hà Nam
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)