Giờ đây sinh viên rất ngại “ở chung” với “sống thử” |
“Sống thử” không còn là chuyện hiếm thấy ở các khu trọ sinh viên hiện nay. Thay vì tìm cách né tránh thì nhiều sinh viên lại chọn cách ở chung với những lứa đôi “sống thử”. Thế nhưng điều đó thật không dễ khi các bạn phải chứng kiến nhiều chuyện “tế nhị” dở khóc dở cười ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Từ những chuyện tế nhị
Dãy trọ của Tuấn – sinh viên ĐH Giao thông Vận tải thuê ở nằm sâu trong con hẻm 40 thuộc phường Tăng Nhơn Phú (Q.9), do chủ trọ ở xa lại dễ tính nên toàn dãy trọ có 16 phòng thì có đến 5 phòng là sinh viên sống theo kiểu “gia đình riêng”. Thoạt đầu, những sinh viên trọ ở đây cũng cho là bình thường với quan niệm người ta có “sống thử” cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Nhưng sống được một thời gian thì nhiều vấn đề “khó nói” nảy sinh khiến không ít người không chịu được đành phải chuyển chỗ trọ. Tuấn cho biết: “Lúc họ mới chuyển đến, họ cũng tỏ vẻ ngại ngần và giữ ý tứ lắm, có đôi còn giới thiệu là anh em họ ở chung cho đỡ tiền, thế nhưng khi đã quen rồi thì họ sinh hoạt một cách hết sức tự nhiên, rất buông thả. Nhiều lúc làm mọi người trong dãy trọ chết ngượng vì “phải chứng kiến” những cảnh rất tế nhị. Mình và mấy cậu bạn ở phòng bên đang tìm chỗ để chuyển đi, chứ cứ ở như thế này, vì “tò mò” mà mình… hư mất thôi”. Theo Tuấn kể, những cặp “vợ chồng sinh viên” ở khu trọ của Tuấn nhiều lúc thể hiện yêu thương nhau một cách quá táo bạo, mặc nhiên ôm nhau, hôn nhau ngay giữa ban ngày khiến không ít bạn sinh viên cùng dãy trọ nhiều lần phải đỏ cả mặt. Chưa hết, theo Tuấn thì có đôi vợ chồng sinh viên học năm cuối của Trường Sư phạm kỹ thuật còn thường có trò tắm chung. Mà mỗi lần như thế, họ thản nhiên chiếm nhà tắm cả tiếng đồng hồ, khiến không sinh viên nào dám ra khu vực gần bể nước cạnh nhà tắm: họ còn đùa giỡn, chọc ghẹo nhau thấy mà… đỏ cả mặt.
Từ khi “vợ chồng” Toàn (CĐ Công nghiệp Dệt may thời trang TP) và Trang (CĐ Công thương) chuyển đến, sinh hoạt của sinh viên xóm trọ ở khu vực chợ Thủ Đức cũng bị xáo trộn. Phòng trọ của đôi “vợ chồng” này nằm cuối dãy, mỗi khi muốn đi ra khu vực bể nước và nhà vệ sinh, sinh viên xóm trọ đều phải “lượn” qua phòng này và vô tình phải chứng kiến nhiều cảnh thấy mà “ngượng chín cả mặt”. Hà (ĐH Ngân hàng) kể lại mà mặt vẫn “đỏ như gấc”: “Hôm đó, mình qua chỗ chị Trang lấy chiếc USB mà chị mượn để cóp tài liệu. Cửa phòng mở toang, nên mình không biết cứ hồn nhiên bước vào. Thế là đập ngay vào mắt mình cảnh tượng… không nên thấy. Đã vậy, mình còn bị chị chửi cho một trận tơi bời vì… vô ý”. Hà giãi bày: “Biết là mình vô ý, nhưng họ càng vô ý hơn, sao không chốt cửa phòng lại. Chuyện sinh viên trong xóm xả rác, làm ồn còn có thể nhắc nhở, chứ chuyện này thì ai mà dám góp ý chứ”.
Và sống chung với “chiến tranh”
Chuyện sinh viên sống thử đã không còn là chuyện lạ ở các khu trọ hiện nay, tuy nhiên những sinh viên đang “thử nghiệm” tình cảm trong môi trường tập thể cũng cần phải hiểu và giữ gìn, không nên làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. |
“Vợ chồng” sinh viên có lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” đã thành chuyện thường ngày ở huyện. Lúc đó người trong cuộc thì hùng hồn như “chó với mèo” nào có biết trời đất xung quanh là gì, chỉ những người hàng xóm mới đâm ra khó xử. “Lúc bình thường thì đứng đâu cũng ôm ấp được, nhưng hễ có chuyện gì là đồ đạc cứ “bay” đi hết” – Linh (CĐ Công nghiệp Dệt may thời trang TP) mách nhỏ về đôi vợ chồng sinh viên phòng bên cạnh. “Mới hôm trước, lúc cả xóm đang ăn trưa thì… loảng xoảng, nồi cơm điện, bếp ga cứ lần lượt văng ra ngoài. Rồi chửi nhau, khóc lóc ầm ĩ. Dù tuần nào cũng chứng kiến vài trận thế này nhưng không ai quen nổi. Đứng ngoài nhìn thì ngại, mà vào can thì chẳng ai dám. Có lần họ đánh nhau, cậu bạn phòng bên vào can bị mắng té tát: “Việc của nhà anh, mày không phải “xía” vào”. Linh giải thích, nguyên nhân dẫn đến “chiến tranh” nhiều lúc cũng rất lãng xẹt. Cô nàng được nghỉ học, ở nhà hì hục đi chợ nấu cơm đợi “anh chồng” về ăn, còn “anh chồng” thì học xong rồi cà kê với bạn bè đến chiều mới về, khiến cô nàng ngồi đợi cơm suốt buổi. Nàng thì bảo “chồng” không tôn trọng, không thèm nhắn tin về, còn chàng thì cho là “vợ” không nhất thiết phải chờ. Lời qua tiếng lại, lúc đầu thì tiếng cãi cọ còn nhỏ, dần dần khiến cả dãy trọ phải “chạy ra ngoài” để chứng kiến.
Còn ở khu trọ của Tuấn, nhiều hôm giữa đêm, mọi người còn giật thót mình vì tiếng “vợ chồng” hàng xóm cãi nhau. Lúc đó cũng đành phải làm ngơ nhưng chói tai lắm, không ai ngủ được. Rồi Tuấn lắc đầu nói tiếp, “Cứ mỗi người mỗi nhà yêu nhau có phải thích hơn không, muốn gặp nhau thì đi đâu đó, chứ sống với nhau như kiểu này chỉ làm khổ mình và khổ cho nhiều sinh viên khác trong dãy trọ”.n
Nguyên Hải
Bình luận (0)