Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rắc rối mang tên… điểm ưu tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Các thí sinh đang nộp hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: V.S

Trong lịch sử tuyển sinh ĐH, CĐ của Việt Nam có lẽ chưa năm nào, vấn đề điểm ưu tiên lại nóng như năm nay. Khi vào xét tuyển nguyện vọng (NV) 1, cả xã hội nóng vì điểm ưu tiên nhiều ít, cao thấp. Xét xong, nhập học, xã hội lại được phen náo loạn vì sai điểm ưu tiên, sai khu vực, sai đối tượng. Vậy tại sao có sự rắc rối này?

90% thí sinh trúng tuyển có điểm ưu tiên

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết trong số 1.032 thí sinh (TS) trúng tuyển vào trường năm 2015 thì chỉ có 133 TS không có điểm ưu tiên (TS thuộc khu vực 3 và không thuộc đối tượng ưu tiên nào), còn lại 90% TS trúng tuyển đều có điểm ưu tiên. Trong đó TS được cộng nhiều nhất 5,5 điểm. Con số này quả thật sẽ làm rất nhiều người giật mình. Bởi từ trước tới nay, chưa có trường nào đưa ra con số thống kê cụ thể về con số TS được cộng điểm ưu tiên trong tổng số TS trúng tuyển ĐH, CĐ. Và rất có thể, ở các trường ĐH như Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên thì tỷ lệ này sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Theo một chuyên gia giáo dục, sở dĩ năm nay điểm ưu tiên nóng vì liên quan đến đề thi của Bộ GD-ĐT. Những năm trước, vì có hai kỳ thi nên mức độ đề khó dễ của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Năm nay, chỉ còn một kỳ thi nên đề thi có hai mục đích. Do đó, trong đề thi năm nay, chỉ có 40% câu hỏi nâng cao để dành xét tuyển ĐH. Mọi năm, tỷ lệ này là 100%. Như vậy, nếu tính 3 bài thi, thì tỷ trọng điểm ưu tiên năm nay sẽ chiếm phần lớn trong số điểm xét tuyển vào ĐH. Ví dụ, đối với TS ở ĐH Y Hà Nội, năm nay được cộng điểm ưu tiên là 5,5 điểm. Nếu năm ngoái tổng điểm dự thi ĐH 3 môn sẽ là 3 điểm (vì đề thi ĐH riêng) thì tỷ lệ điểm ưu tiên chỉ chiếm khoảng trên 18%. Nhưng năm nay, đề thi 2 trong 1, nên tổng điểm để đánh giá vào ĐH 3 môn là 12 (40% mỗi đề) thì tỷ trọng này đã chiếm gần 50%.

Chính vì vậy mà điểm ưu tiên năm nay đã tạo nên “cơn sốt” đối với xã hội. Đề xuất về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hinh cho rằng 90% TS trúng tuyển có điểm ưu tiên, nó không còn nhiều ý nghĩa và nên xem xét lại các khu vực ưu tiên, trường hợp đặc biệt mới được ưu tiên. Đối với vùng núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc…, việc ưu tiên là cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực.

Sai điểm ưu tiên: TS có trượt oan?

Từ việc cộng nhiều, cộng ít điểm ưu tiên sẽ kéo theo nhiều vấn đề. Vấn đề mà TS gặp phải đầu tiên đó là sai đối tượng ưu tiên, sai khu vực ưu tiên. ĐH Huế có 33 trường hợp từ đỗ thành trượt vì điểm ưu tiên. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết trong khoảng 12.000 chỉ tiêu của ĐH Huế, có hơn 30 trường hợp bị nhầm về đối tượng và khu vực ưu tiên. Nhầm lẫn này rất đáng tiếc, nhất là đối với TS và gia đình. Theo bà Phụng, bộ đang yêu cầu ĐH Huế báo cáo và cho kiểm tra đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy chưa có kết quả cuối cùng nhưng trong quá trình xử lý một số trường hợp tương tự, Vụ Giáo dục ĐH nhận thấy chủ yếu do các nguyên nhân sau: Hầu hết sai sót là do TS chưa nghiên cứu kỹ quy chế và quy định liên quan để đăng ký dự thi với thông tin chính xác. Chính sách ưu tiên được quy định khá chi tiết vì phải xác định đúng đối tượng thực sự cần thiết, tránh việc lạm dụng và đảm bảo công bằng trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, một số em đã nhầm lẫn đáng tiếc. Khi tập trung tại các cụm thi và đăng ký xét tuyển tại các trường, TS đều được hướng dẫn kiểm tra thông tin, đề nghị chỉnh lý sai sót, nếu có. Quy trình này đã hạn chế khá nhiều sai sót nhưng đáng tiếc vẫn chưa thể loại bỏ hẳn. Thứ hai, một vài trường ở địa phương chưa hướng dẫn chi tiết để các em hiểu chính xác về trường hợp cá biệt của mình hoặc nếu cần thiết thì liên hệ với ai, ở đâu để được giải đáp… Cá biệt cũng có những cán bộ của trường CĐ, ĐH chưa đánh giá đúng hồ sơ thực của TS khi kiểm tra hồ sơ nhập học…

Hai bạn Phạm Thị Thương Thương (bìa phải) và Trương Quỳnh Trang (HS Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM) đang xem danh sách thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Sài Gòn tối 25-8. Ảnh: A.Khôi

Do đó, theo bà Phụng nếu sai sót địa phương hướng dẫn sai, dẫn đến thông tin đăng ký dự thi của TS sai, bộ sẽ xem xét để đưa ra cơ chế giải quyết phù hợp; nếu trường hiểu sai quy chế, bộ sẽ chỉ đạo trường thực hiện theo đúng quy chế… Cơ chế thời gian qua bộ đã áp dụng với một số trường hợp là xác định điểm thực cho các em, nếu không trúng tuyển sẽ cho phép lựa chọn lại trường/ngành học phù hợp với điểm thực đó. Nghĩa là, TS không bị trượt oan nhưng cũng không hạ điểm trúng tuyển để giải quyết những sai sót này, nếu có. Nếu nhầm lẫn do TS thì các em vẫn phải tự chịu trách nhiệm. Thực tế là các em đã có ít nhất 3 lần để rà soát điều chỉnh thông tin, nếu chưa hiểu rõ thì có các kênh tư vấn, trợ giúp… được cấp tài khoản để kiểm tra trên hệ thống bất cứ lúc nào… Tuy nhiên, bộ cũng khuyến khích các trường nếu tính lại điểm thực của TS vẫn đủ điều kiện trúng tuyển một ngành nào đó của trường và các em cũng có NV thì trường quyết định cho theo học.

Chiều 15-9, Đại học Huế đã họp bàn phương án giải quyết về việc có nhiều TS đến Trường ĐH Sư phạm (thuộc ĐH Huế) làm thủ tục nhập học theo giấy báo trúng tuyển nhưng lại được thông báo trượt đại học vì hạnh kiểm 3 năm học THPT không đạt loại khá trở lên. PGS.TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, việc Trường ĐH Sư phạm Huế không tiếp nhận những TS này là đúng quy định bởi nguyên nhân là do TS khi làm hồ sơ đăng ký NV1 không nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, ĐH Huế sẽ giải quyết vụ việc mang tính nhân văn: “Ngành nào của các trường và khoa thành viên ngoài Trường ĐH Sư phạm còn thiếu chỉ tiêu thì sẽ tư vấn cho những TS này đăng ký vào học”.

Ngoài ra, trường hợp 34 TS có giấy báo trúng tuyển của ĐH Huế đến làm thủ tục nhập học vào ngày 10 và 11-9 nhưng bị thông báo trượt do sai sót trong quá trình cộng điểm ưu tiên cũng sẽ được ĐH Huế tạo điều kiện giúp đỡ. Cụ thể, có 20 TS đến nhập học bị thông báo trượt do làm hồ sơ sai đối tượng ưu tiên sẽ được tạo điều kiện cho đăng ký vào học tại các trường, khoa thành viên thuộc ĐH Huế. Còn 14 TS đăng ký sai khu vực ưu tiên sẽ giải quyết căn cứ theo phần mềm của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, những TS này được cộng điểm ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú như TS đã khai trong hồ sơ đăng ký xét tuyển.

N.Huê – V.Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)