Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rắc rối tên ngành trên bằng tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trên bằng tốt nghiệp chỉ ghi tên ngành học theo danh mục mã ngành cấp 4, nhưng trên thực tế các trường thực hiện khác nhau, doanh nghiệp lại đòi hỏi phải có tên chuyên ngành… 

Sinh viên tốt nghiệp ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sinh viên tốt nghiệp ĐH Quốc gia TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chính điều trên đã gây khó khăn cho sinh viên khi tìm việc làm.
Khó khăn từ phía nhà tuyển dụng
Đa số bằng tốt nghiệp của các trường đều mua phôi từ Bộ, chỉ một số trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM mới tự in phôi bằng riêng. Theo quy định của Bộ, tên ngành ghi trên bằng là tên ngành theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ CĐ, ĐH. Giấy chứng nhận tốt nghiệp và bảng kết quả học tập toàn khóa ghi tên ngành và chuyên ngành đào tạo tương ứng.
Chẳng hạn SV Bùi Thị Hòa tốt nghiệp chuyên ngành kế toán thuộc ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Trên bằng tốt nghiệp, trường này thực hiện đúng quy định của Bộ, thế nhưng khi xin việc sinh viên này đã gặp khó khăn. Hòa kể: “Em đi xin làm kế toán cho một doanh nghiệp nhưng xem bằng thì thấy ngành học của em là quản trị kinh doanh chứ không phải kế toán, nên từ chối không nhận dù em đã cung cấp bảng điểm. Họ yêu cầu phải ghi trên bằng tốt nghiệp đúng ngành học kế toán”. Nhiều sinh viên khác cũng phản ánh gặp khó khăn khi đi xin việc, nguyên nhân là trên bằng tốt nghiệp không ghi tên chuyên ngành.
Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, có một số sinh viên đã tốt nghiệp quay lại trường đề nghị… bỏ tên chuyên ngành trên bảng điểm. Lý do là những sinh viên này học chuyên ngành ngân hàng thuộc ngành tài chính – ngân hàng, trong khi nhà tuyển dụng lại không tuyển chuyên ngành ngân hàng. Vì vậy, trường đã cấp lại bảng điểm cho sinh viên không ghi tên chuyên ngành.
Để dung hòa, một số trường ghi thêm tên chuyên ngành phía dưới tên ngành. Chẳng hạn Trường ĐH Giao thông vận tải ghi phía trên là “kỹ sư công trình giao thông thành phố” là tên ngành, phía dưới lại ghi chuyên ngành đào tạo “Xây dựng cầu – đường”. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ghi phía trên là tên ngành “Điện – điện tử”, ngay dưới dòng này là tên chuyên ngành “Tự động hóa”…
Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhìn nhận việc không ghi tên chuyên ngành hẹp trên bằng tạo thuận lợi hơn trong xin việc vì sinh viên có thể nộp đơn ở phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, việc khó khăn hay thuận lợi thường đến từ các nhà tuyển dụng. “Có doanh nghiệp yêu cầu phải ghi tên chuyên ngành hẹp trên bằng, trong khi bảng điểm đã thể hiện rõ điều đó. Thực ra khi sau này các trường được tự chủ thì có thể linh động ghi thêm tên chuyên ngành phía sau, nhưng hiện tại nếu ghi như vậy là chưa đúng quy định. Các nhà tuyển dụng nên căn cứ cả vào bảng điểm chứ không nên chỉ nhìn thông tin trên bằng”.
Khó mở ngành nên mở… chuyên ngành
Rắc rối tên ngành trên bằng tốt nghiệp còn do một nguyên nhân đến từ phía nhà trường. Một số trường chưa đủ điều kiện để xin phép Bộ được mở ngành nên đã tự lấy tên ngành mở các chuyên ngành.
Đơn cử, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn mở các chuyên ngành trong ngành quản trị kinh doanh gồm quản trị kinh doanh tổng hợp, kế toán, quản trị kế toán, quản trị marketing. Ngành thiết kế công nghiệp gồm: thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, tạo dáng công nghiệp. Trên thực tế, những tên gọi trên đều là tên ngành. Kết quả sinh viên học kế toán nhưng bằng tốt nghiệp lại ghi là quản trị kinh doanh. Tương tự, học thiết kế nội thất, thiết kế thời trang nhưng lại nhận bằng thiết kế công nghiệp. Điều này khiến cho sinh viên đi xin việc rất khó lý giải với nhà tuyển dụng vì sao học ngành này nhưng lại nhận bằng tốt nghiệp ngành khác.
Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM đánh giá: “Do xin mở ngành mới phải đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, giảng viên, rất khó khăn và nhiêu khê, lại phải chờ đợi Bộ thẩm định khá lâu… Vì vậy một số trường lách bằng cách tự mở chuyên ngành nằm trong một ngành nào đó của trường để tuyển sinh cho dễ. Một ví dụ, ngành quản trị nhà hàng rất khó có đủ tiến sĩ, thạc sĩ để mở ngành, nên tại một số trường, nó trở thành chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Minh cho rằng ngay từ đầu khi công bố thông tin tuyển sinh, nhà trường phải có trách nhiệm thông tin rõ ràng cho thí sinh và đến khi tốt nghiệp phải cấp bằng đúng với tên ngành đã học, tránh mập mờ, nhập nhằng và lẫn lộn giữa chuyên ngành với ngành, ảnh hưởng tới quá trình xin việc của người học.

Mỹ Quyên/TNO

Bình luận (0)