Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Rắc rối vì biểu diễn ca khúc không xin phép

Tạp Chí Giáo Dục

Một ca khúc được biểu diễn tại chương trình có bán vé thu tiền nhưng không xin phép tác giả và người giữ tác quyền, từ đó rắc rối xảy ra

Sáng 26-10, ông Lê Văn Thuận (ngụ quận 1, TP HCM) xác nhận vừa tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lý hành chính đối với khách sạn Hải Âu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Theo ông, khách sạn này tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền, không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả ca khúc "Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ" theo quy định.

Phản ứng và… bị mắng

Ông Thuận cho biết ca khúc "Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ" do nhạc sĩ Ngô Tín (tên thật là Ngô Văn Tín, SN 1954, định cư ở Mỹ) sáng tác dựa trên ý thơ Xuân Thi.

Ngày 1-4-2023, ông Thuận ký hợp đồng mua tác quyền bài hát này từ nhạc sĩ Ngô Tín với thời hạn 3 năm. Ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực, ông Thuận đã thông báo trên tài khoản mạng xã hội về việc mình đã mua và giữ tác quyền ca khúc này.

Rắc rối vì biểu diễn ca khúc không xin phép - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Thuận lập vi bằng về việc ca sĩ Kiều Lệ biểu diễn ca khúc “Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ” trong chương trình có bán vé thu tiền tại khách sạn Hải Âu nhưng không xin phép tác giả và người giữ tác quyền. Ảnh: Lê Tuyết

Đêm 30-4-2023, thông qua mạng xã hội, ông Thuận tình cờ phát hiện ca sĩ Kiều Lệ (tên thật là Nguyễn Thị Kiều Lệ, ngụ TP Quy Nhơn) biểu diễn ca khúc "Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ" tại chương trình "Buffet Dinner – Về miền biển nhớ" ở khách sạn Hải Âu. Cho rằng ca khúc được biểu diễn tại chương trình có bán vé thu tiền nhưng không xin phép tác giả, ông Thuận gọi điện thoại đến khách sạn Hải Âu phản ứng.

Ông Thuận nhớ lại: "Khi phát hiện sự việc, tôi gọi điện thoại cho ông Huỳnh Thanh Hòa, phụ trách chương trình "Buffet Dinner – Về miền biển nhớ" của khách sạn Hải Âu, để chất vấn. Mục đích của tôi là chỉ để nhắc nhở về việc biểu diễn ca khúc trong chương trình có bán vé thu tiền nhưng không xin phép tác giả là trái quy định. Tuy nhiên, ông Hòa lại mắng ngược, vu khống tôi là "lừa đảo tống tiền" nên tôi rất bức xúc, quyết tâm làm sáng tỏ vấn đề".

Trong khi đó, theo đại diện khách sạn Hải Âu, tối 30-4-2023, khách sạn này tổ chức chương trình "Buffet Dinner – Về miền biển nhớ" với mục đích tôn vinh, tri ân khách hàng. Tại chương trình, khách sạn mời ca sĩ Kiều Lệ tham gia và hát giao lưu theo đề nghị của thực khách. Khách sạn Hải Âu không tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật nên không có danh mục bài hát cụ thể.

Qua đó, đại diện khách sạn Hải Âu thừa nhận thiếu sót trong quá trình tổ chức chương trình ẩm thực, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Về việc ông Huỳnh Thanh Hòa mắng ông Lê Văn Thuận là "lừa đảo", đại diện khách sạn Hải Âu giải thích là do… hiểu nhầm cuộc gọi, chứ không nghĩ rằng đó là người giữ tác quyền ca khúc "Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ"!

Chỉ xử phạt hành chính ca sĩ?

Theo đó, Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho rằng các tổ chức, cá nhân chưa cung cấp đủ tài liệu, chứng cứ nên Thanh tra sở chưa đủ cơ sở để xử lý vi phạm hành chính đối với khách sạn Hải Âu. Sở VH-TT tiếp tục chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ thời điểm phát sinh quyền tác giả, tác phẩm (đối với ca khúc "Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ" để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật.

Cho rằng Sở VH-TT tỉnh Bình Định giải quyết vụ việc chưa thỏa đáng, mới đây, ông Thuận tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc khách sạn Hải Âu tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền, không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả ca khúc theo quy định.

Liên quan vụ việc trên, ông Lê Văn Thuận cùng nhạc sĩ Ngô Tín cũng đã gửi đơn đến Công an tỉnh Bình Định, kiến nghị xem xét điều tra, xử lý hình sự ca sĩ Kiều Lệ và những người liên quan về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với họ.

Cụ thể, tác giả và người giữ tác quyền ca khúc "Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ" cho rằng tài khoản Facebook của ca sĩ Kiều Lệ cùng một số người thân trong gia đình bà đưa nhiều thông tin sai sự thật, vu khống, làm ảnh hưởng nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của 2 người.

Về đơn này của ông Lê Văn Thuận, ngày 9-8, Công an tỉnh Bình Định đã thông báo kết quả giải quyết vụ việc. Theo đó, Công an tỉnh Bình Định nhận định một số thông tin trên Facebook của ca sĩ Kiều Lệ đưa ra chưa đủ cơ sở xác định là sai sự thật, vu khống ông Thuận và xúi giục, cổ xúy cho việc vi phạm tác quyền.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Bình Định cho biết chưa đủ cơ sở kết luận ca sĩ Kiều Lệ vi phạm pháp luật hình sự. Từ đó, Công an tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính ca sĩ Kiều Lệ về hành vi "cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân" với số tiền 7,5 triệu đồng.

Cho rằng quyết định xử phạt hành chính trên chưa thỏa đáng, ông Lê Văn Thuận tiếp tục gửi đơn tố cáo ca sĩ Kiều Lệ đến các cơ quan có thẩm quyền. Riêng đơn tố cáo của nhạc sĩ Ngô Tín đối với ca sĩ Kiều Lệ vẫn đang được Công an tỉnh Bình Định giải quyết.

Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng

Hội thảo "Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng" do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả tổ chức ngày 26-10 tại TP HCM đã nêu lên nhiều vấn đề đáng báo động về bản quyền hiện nay.

Trong thời đại số hóa và sự lan rộng của internet, khai thác bản quyền âm nhạc trên không gian mạng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho những người tạo ra âm nhạc được bảo vệ, được hưởng xứng đáng về công sức sáng tạo. Với sự phát triển của các nền tảng streaming âm nhạc và trang web chia sẻ video trực tuyến, việc quản lý bản quyền âm nhạc trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

8-chan

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo “ Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng” tại TP HCM ngày 26-10

Với lĩnh vực điện ảnh, thời gian gần đây, trên không gian mạng cũng xuất hiện rất nhiều hành vi vi phạm bản quyền. Trong đó, một vài hành vi điển hình gồm: Sử dụng tác phẩm điện ảnh để đăng tải, truyền đạt đến công chúng mà không được phép của chủ sở hữu; sao chép toàn bộ hoặc một phần, cắt xén, sửa đổi tác phẩm; lạm dụng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua cơ chế xóa, gỡ nội dung vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho các chủ thể quyền và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh…

Vì vậy, ứng dụng công nghệ số để theo dõi, khai thác, quản lý việc sử dụng các tác phẩm sáng tạo trên không gian mạng nhằm tối ưu hóa và đem lại hiệu quả trong vấn đề quản lý quyền tác giả trên môi trường internet là cần thiết. Trong bối cảnh ngành công nghiệp âm nhạc, các nền tảng trực tuyến và dịch vụ streaming ngày càng phát triển, việc áp dụng công nghệ số là cách để bảo đảm rằng quyền tác giả được bảo vệ, thu nhập từ bản quyền được tối ưu hóa và sự sáng tạo được khuyến khích. Các giải pháp công nghệ số giúp tạo ra sự minh bạch, tin cậy và hiệu quả trong việc quản lý bản quyền âm nhạc.

Hiện nay, việc ứng dụng công cụ tự động hóa để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng vẫn gặp những khó khăn nhất định. "Áp dụng công nghệ số đem lại thuận tiện, ứng dụng được những công nghệ hiện đại nhất, song cũng đồng nghĩa với việc phải bỏ ra chi phí rất lớn nhằm khai thác, quản lý và bảo vệ quyền tác giả. Ứng dụng công nghệ số cũng khó bảo đảm các vấn đề về an ninh mạng như bảo vệ bản quyền, không bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng" – đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam băn khoăn.

Theo các chuyên gia, giải pháp cho bài toán "khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng" là hoàn thiện hành lang pháp lý đối với trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; có cơ chế hoặc hệ thống chung trong việc xử lý vi phạm bản quyền trên nền tảng thuộc sở hữu của những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Với doanh nghiệp có ý định thực hiện các hành vi nhằm trốn tránh nghĩa vụ hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc, đủ tính răn đe. Các chủ thể quyền cũng cần phải chủ động tìm biện pháp tự bảo vệ mình. Trong đó, có thể áp dụng những giải pháp công nghệ có sẵn của các nền tảng như Contend ID của YouTube, Right manager của Facebook…; áp dụng hoặc phát triển các nền tảng khác để tracking (truy dấu) hành vi xâm phạm. Nếu tìm ra được hành vi xâm phạm ở đâu thì sẽ vô hiệu hóa ở đó. Để làm được điều này, đòi hỏi chủ thể quyền phải cá nhân hóa thông tin, nội dung trước khi đăng tải, đưa lên môi trường số.

Thùy Trang

Theo Lê Tuyết/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)