TT – Các loại rác sinh hoạt từ hữu cơ đến vô cơ hằng ngày bị người dân huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) vô tư đổ xuống biển khiến hòn đảo này ngày một ô nhiễm, chưa kể tình trạng phóng uế xuống bãi.
Một người dân vô tư đổ rác thải xuống bãi kè đoạn qua xã An Hải, huyện Lý Sơn – Ảnh: Phan Thành |
Dọc các bờ kè chắn sóng xã An Vĩnh và An Hải vào mỗi buổi chiều, du khách có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân vô tư đổ rác thải từ vỏ hành tỏi, thức ăn thừa cho đến chai nhựa, bao nilông, áo quần, đồ sành sứ… tống thẳng xuống biển.
Nhiều đống rác quá lớn, người dân tiêu hủy bằng cách đốt cháy, gây mùi khét nồng nặc. Ông Bùi Minh Khánh (xã An Hải) cho hay mỗi lần đạp xe tập thể dục dọc biển phải một tay bịt mũi, thậm chí khi gió to còn thổi rác bay vào mặt. “Mỗi lần nghe du khách phàn nàn nghĩ mà buồn, cũng vì ý thức người dân hết” – ông Khánh nói.
Tương tự, tại các điểm tham quan nổi tiếng ở Lý Sơn như cột cờ trên đỉnh Thới Lới, chùa Hang, ngọn hải đăng… cũng không thấy một thùng rác công cộng nào. Không ít du khách đã xả các loại bao nilông, chai nước và khăn ướt ngay tại các điểm tham quan với lý do không tìm ra thùng rác.
Bãi tắm thuộc xã An Hải cũng ngập chìm trong rác từ trên bờ đến dưới nước, nhiều du khách chuẩn bị áo phao để tắm biển nhưng khi ra đến nơi thì thất vọng khi bãi tắm đã thành bãi rác. Anh Nguyễn Hoài Long (du khách TP.HCM) cho biết rất bất ngờ bởi rác quá nhiều, đầy túi nilông trong khi trước đây bãi biển này hoang sơ và sạch sẽ.
Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, mỗi ngày lượng rác thải ra của hơn 22.000 cư dân trên đảo và du khách là 20-30 tấn.
Trong khi đó, bãi rác hiện tại ở Lý Sơn chỉ có 1.000m2 và đang quá tải nghiêm trọng. Bà Lê Thị Tuân, trưởng thôn Tây (xã An Hải), cho hay nhiều lần các tổ chức trong thôn đã ra quân dọn dẹp rác nhưng đâu lại vào đấy, ý thức người dân quá kém.
“Người dân đổ tràn lan, không phân loại rác. Dọn hôm nay thì ngày mai người ta lại đổ rác, đau đầu lắm” – bà Tuân nói.
Ông Trần Ngọc Nguyên, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết một nhà máy xử lý rác thải rắn với công suất xử lý rác mỗi ngày là 15 tấn trên địa bàn, do Bộ TN-MT hỗ trợ, đã đưa vào vận hành thử nghiệm thành công vào tháng 1-2015 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động vì thiếu kinh phí vận hành. “Toàn huyện chỉ có một đội thu gom rác ở xã An Vĩnh nên không thể thu gom hết lượng rác khổng lồ thải ra trong một ngày” – ông Nguyên nói. |
Theo P.THÀNH – NG.HIỂN – TR.MAI/ TTO
Bình luận (0)