Đó là khẳng định của Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá với Lao Động sáng 8.1, về việc rác thải y tế độc hại của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) được "sơ chế" rồi tuồn ra những cơ sở tái chế nhựa ở làng Khoai, thôn Minh Khai (Hưng Yên).
Bà Nguyễn Thị Khá cho biết: Tôi rất bức xúc khi biết thông tin về sự việc Lao Động phản ánh trong Bệnh viện Bạch Mai, một Bệnh viện hàng đầu quốc gia, họ mua cả máy móc về, thuê nhân công, có “người trong cuộc” đứng ra quản lý, tổ chức cắt rửa dây và ống truyền dịch đỏ máu người bệnh, cắt và nghiền xilanh nhuốm máu và các mẫu bệnh phẩm có sức lây lan bệnh tật khủng khiếp. Sơ chế xong, họ bỏ vào bao tải, và xe tải của doanh nghiệp ở làng tái chế nhựa ra vào công khai “cẩu” hàng đi. Và theo như nhân công đang tái chế rác thải y tế độc hại kể lại, thì thứ hàng kinh hãi và nguy hiểm kia đã và đang được tái chế thành ống hút, thìa nhựa, hộp sữa chua… và hàng nghìn sản phẩm quen thuộc, có sức đầu độc đông đảo người tiêu dùng.
“Tôi đề nghị phải làm rõ việc rác thải y tế độc hại lọt từ bệnh viện ra cơ sở tái chế nhựa có phải là do chủ trương của bệnh viện hay do một nhóm người để xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc này do nhóm người nào đó thì lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cũng phải chịu trách nhiệm, vì việc vận chuyển rác thải này nó diễn ra ban ngày và như báo phản ánh là 4 xe ô tô rồng rắn nối đuôi nhau chứ có phải là cái kim để trong bọc đâu mà không biết. Và nếu vì hám lợi mà bất chấp đạo đức nghề nghiệp như vậy là không thể chấp nhận được” – bà Khá nói.
Theo bà Khá, vấn đề quản lý rác thải y tế đã được quy định rất rõ trong luật rồi, loại nào phải tiêu hủy ra sao, quy trình thế nào, bảo quản cẩn thận, phân loại…đều đã có quy định rõ, tuy nhiên, vì lý do nào đó bệnh viện để rác thải lọt ra thị trường thì phải xử lý nghiêm, không có chuyện để xảy ra như vậy những lãnh đạo bệnh viện lại bảo “tôi không biết” được.
Bà Khá cũng đề nghị, cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc rác thải y tế độc hại từ bệnh viện ra thị trường và cũng xử lý ngay cả những cơ sở tái chế nhựa thu mua loại rác thải y tế độc hại này, vì hám lợi mà bất chấp, đưa mầm bệnh đến người tiêu dùng.
Theo Lao Động
Bình luận (0)