Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rầm rộ thu mua sổ bảo hiểm xã hội trong mùa dịch COVID-19

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lợi dụng tình trạng nhiều người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, một số đối tượng quảng cáo mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội để trục lợi.

Lập địa chỉ “ma” để mua sổ bảo hiểm xã hội

Chị T.T.H. (phường 13, quận 6, TPHCM) cho biết, cách đây hơn một tuần, chị trao đổi qua điện thoại với một người tự xưng tên Liên, làm ở “đơn vị thu mua sổ bảo hiểm của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam”. Người này hỏi thông tin về việc đóng BHXH và hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị H. rồi cho biết: “Chị đã nghỉ việc trên sáu tháng rồi, giờ muốn bán sổ BHXH nhanh thì bên em sẽ thu mua với giá 10 triệu đồng”.

Lần đầu nghe đến việc mua bán nói trên nên chị H. lưỡng lự. Người tên Liên liền nói thêm rằng, phía BHXH đang có chương trình ưu đãi, nếu chị đồng ý giao dịch nhanh, sẽ được hỗ trợ thêm hai triệu đồng, chi trả trực tiếp; nếu có thắc mắc hay cần tư vấn thêm, có thể gọi đến “tổng đài” số 077xxx1990.

Trang “Mua sổ bảo hiểm” ghi văn phòng giao dịch ở số 51 Lê Hồng Phong, quận 11, TPHCM

Từ số điện thoại do chị H. cung cấp, chúng tôi lần ra, đây là số điện thoại được cập nhật trên trang “Mua sổ bảo hiểm”, trong đó giới thiệu trụ sở đơn vị ở số 51 Lê Hồng Phong, quận 11, TPHCM. Trên trang Facebook, nhóm này quảng cáo rằng, những người có sổ BHXH đã nghỉ việc trên sáu tháng, có sổ hộ khẩu có thể bán lại sổ và “giao dịch ngay tại phòng công chứng”.

Ngày 6/4, chúng tôi liên lạc đến số điện thoại ghi trên quảng cáo, đề nghị được đến “trụ sở” để bán sổ BHXH thì một giọng nữ cho biết: “Đang là mùa dịch nên nếu anh cần, nhân viên của em sẽ liên hệ mua bán trực tiếp chứ không đến văn phòng, để tránh tụ tập đông người”. Trên trang mạng này, chúng tôi thấy có rất nhiều người lao động liên hệ để bán sổ BHXH.

Thực chất, số 51 Lê Hồng Phong, quận 11 là địa chỉ "ma", vì đường Lê Hồng Phong nằm ở quận 10 và trên đường này, chỉ có hẻm số 51 chứ không có nhà hay văn phòng mang số 51. Khi tìm theo bản đồ chỉ đường trên trang “Mua sổ bảo hiểm” thì số 51 Lê Hồng Phong là trụ sở Công ty TNHH V.S., nằm gần giao lộ Lê Hồng Phong – Nguyễn Trãi, còn khi đến vị trí được ghim trên bản đồ thì thực tế đó là trụ sở Bưu điện Lê Hồng Phong.

Một người dân sống gần Bưu điện Lê Hồng Phong cho biết: “Lâu lâu, có người tới đây hỏi thăm về công ty mua bảo hiểm. Điểm cuối đường Lê Hồng Phong giáp Trần Hưng Đạo là số nhà 59, ở đây cũng không có Công ty V.S. nào cả. Hồi trước tết, có nhóm ba công nhân nói bị lừa bán sổ BHXH, đến công ty đòi lại; khi đến đây, thấy trụ sở là bưu điện, họ buồn bã ra về”.

Do nhóm mua sổ BHXH sử dụng địa chỉ “ma” nên những người bị lừa bán sổ bảo hiểm giá rẻ  không biết cách nào để đòi lại sổ của mình.

Lần theo bản đồ ghim trên trang “Mua sổ bảo hiểm”, chúng tôi đến nơi thì thấy đây là trụ sở Bưu điện Lê Hồng Phong

Trong mùa dịch COVID-19, trên mạng xã hội xuất hiện trang Facebook tự xưng là của BHXH tỉnh Bình Dương, rao mua, thanh lý sổ BHXH trước thời hạn. Thông qua số điện thoại đăng trên tài khoản Facebook này, khi người lao động kẹt tiền hoặc ngại tới cơ quan BHXH để làm thủ tục và nhận tiền thì liên hệ để bán sổ. Với thủ tục đơn giản, người bán chỉ cần đến cơ quan công chứng làm giấy ủy quyền cho người mua nhận BHXH một lần, sẽ được nhận tiền ngay. Tuy nhiên, số tiền mà người lao động nhận được sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền thực lãnh từ cơ quan BHXH.

Hiện nay, chỉ cần gõ từ khóa “mua sổ BHXH”,  trên mạng sẽ hiện ngay hàng loạt trang như Thu mua sổ BHXH, Mua sổ BHXH, Thu mua sổ BHXH giá cao… Tại các khu có đông công nhân, cũng xuất hiện nhiều đối tượng nhận cầm cố, thế chấp hoặc thu mua sổ BHXH. 

Đáng nói, dù bán hay thế chấp sổ BHXH, người lao động cũng đều ủy quyền thông qua hợp đồng công chứng cho bên nhận. Việc ủy quyền này sẽ giúp các đối tượng mua hoặc nhận cầm cố rút được khoản tiền mà lẽ ra người lao động sẽ được hưởng từ BHXH.

Anh H.M.T. (quận Bình Tân, TPHCM) nhẩm tính: “Nếu nghỉ việc sau sáu tháng, làm thủ tục chốt sổ, tôi sẽ được hưởng hơn 30 triệu đồng, còn nếu bán cho đầu nậu, tôi chỉ được 10 triệu đồng”.

Đề nghị công an vào cuộc

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), ngoài thiệt hại về tiền, người lao động còn gặp rắc rối về hành vi cầm cố, bán sổ BHXH. Nếu đã bán, cầm cố sổ BHXH thì khi đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ, sẽ không được cấp,  theo quy định tại Quyết định số 1035/2015/QĐ-BHXH và Quyết định số 595/2017/QĐ-BHXH. Cầm, bán sổ BHXH rồi sau khai mất sổ để xin cấp lại sổ là hành vi gian dối, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điều 27, Nghị định 95/2013 với mức phạt tiền từ 500.000 – một triệu đồng.

Liên quan đến trang tự xưng là BHXH tỉnh Bình Dương công khai mua sổ BHXH, bà Lê Minh Lý – Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương – khẳng định, cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương không sử dụng tài khoản Facebook nào, chỉ sử dụng cổng thông tin điện tử. Hiện tại, BHXH tỉnh Bình Dương đã gửi công văn đến Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, đề nghị xác minh, ngăn chặn các hành vi giả mạo nói trên.

BHXH Việt Nam cũng vừa ra thông báo về việc nhiều đối tượng lợi dụng dịch COVID-19 thu mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi. BHXH Việt Nam khẳng định, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH là bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm. BHXH Việt Nam đã gửi đến Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thông tin về các trang Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của người lao động, đồng thời yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo đến người dân và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. 

Lừa đảo “xử lý vi phạm giao thông”

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, gần đây, xuất hiện tình trạng mạo danh cơ quan nhà nước đề nghị xử lý vi phạm giao thông. Cụ thể, các đối tượng gửi email lấy danh nghĩa Cục CSGT, Cổng thông tin Tra cứu vi phạm giao thông quốc gia thông báo các lỗi vi phạm giao thông của công dân. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân truy cập vào trang https://tracuu.viphamgiaothong.vn để cung cấp thông tin phương tiện giao thông, đóng tiền phạt. Cục CSGT khẳng định, hành vi trên là lừa đảo. 

Các cơ quan chức năng trong ngành chỉ gửi thông báo bằng văn bản về các lỗi vi phạm giao thông trực tiếp đến địa chỉ người vi phạm chứ không gửi qua thư điện tử. Đồng thời, Cục CSGT cập nhật thông tin về phương tiện vi phạm (được hệ thống giám sát ghi nhận) trên trang thông tin điện tử Cục CSGT, địa chỉ: http://csgt.vn. Người dân có thể truy cập và làm theo hướng dẫn để tham khảo xem phương tiện của mình (ô tô, mô tô) có vi phạm hay không và đơn vị nào xử lý.

Bên cạnh đó, từ ngày 12/3/2020, người vi phạm giao thông đường bộ tại năm tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận sẽ có thêm hình thức nộp tiền phạt qua cổng dịch vụ công quốc gia, thay vì trực tiếp đến trụ sở đơn vị phụ trách địa bàn mà công dân vi phạm để đóng tiền phạt.

Theo Hoàng Lâm/PNO

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)