Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rắn hổ mang cắn, xin ra viện chờ chết!

Tạp Chí Giáo Dục

"Ai lại không muốn cứu chồng. Ai lại muốn con mới 5 tuổi đã mồ côi bố. Nhưng nhà chúng em nghèo lắm, một triệu vay còn khó, nói chi đến trăm triệu", chị Dung giãi bày lý do 2 lần ký cam đoan xin cho chồng bị rắn độc cắn ra viện, dù biết anh có thể chết dọc đường". 

Trưa 18-9, anh Nguyễn Hữu Thắng, 25 tuổi (Ba Vì, Hà Nội), đang đi làm đồng thì gặp một con rắn hổ mang khá to. Anh định bắt đem bán nhưng không may bị rắn cắn vào đúng mạch máu ở bàn tay phải. Người làng đi qua nhìn thấy đã gọi cho vợ anh ra đón rồi đưa anh thẳng tới nhà một thày lang trong vùng đắp thuốc nam.
Tuy nhiên, khi về nhà, càng lúc anh Thắng càng sốt cao, rơi vào trạng thái hôn mê, co giật nhưng mãi đến chiều tối hôm sau, gia đình mới đưa anh vào Bệnh viện 105 (Sơn Tây, Hà Nội). Tại đây, anh được sơ cứu rồi chuyển thẳng tới Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân Thắng đã bị tụt huyết áp, suy hô hấp, sốc nhiễm độc, cả cánh tay và nửa người bên bị rắn cắn sưng phù, hoại tử, tím đen. Các bác sĩ đã tiến hành chống sốc, truyền dịch, cho anh thở máy đồng thời lọc máu để đào thải chất độc.

Lần đầu ký vào bản cam kết xin cho chồng về dù có xảy ra bất cứ chuyện gì, chị Dung đã khóc rồi tự xé mảnh giấy. Ảnh: MT.

Theo bác sĩ Duệ, đây là trường hợp bị nhiễm độc nọc rắn rất nặng, lại đến viện muộn nên quá trình điều trị khá phức tạp. Mặc dầu vậy, hiện nay, nhờ áp dụng công nghệ lọc máu, khả năng cứu sống những ca như vậy vẫn rất cao.
Tuy nhiên, ngay sau khi anh Thắng nhập viện, gia đình đã nằng nặc xin được đưa bệnh nhân về, dù bác sĩ đã giải thích với tình trạng này nếu không điều trị tiếp anh Thắng sẽ tử vong.
Chị Dung cho biết, vợ chồng chị đã có một bé trai 5 tuổi. Anh chị đều là con nhà khó. Anh vốn hiền lành, chịu khó nhưng vì sức khỏe không tốt nên không làm được việc nặng nhọc. Cuộc sống của cả nhà trông vào mấy sào ruộng, chồng đi câu thêm cá, bắt trạch bán cho dân xung quanh, vợ đi cắt cỏ thuê.
"Nếu có vay mượn chỗ nào hay bán được thứ gì trong nhà thì em đã làm rồi. Nhưng đất ở thì không có sổ đỏ, bán chẳng ai mua, trong nhà cũng không có đồ gì đáng giá. Anh em hai bên nội ngoại thì đều nghèo, các bác ấy chỉ có vài trăm, xuống thăm chồng em được một hai hôm rồi về, tiền đâu mà giúp. Nói thật, giờ không có người ở quê xuống, em cũng chẳng có tiền ăn nữa là… Ở đây bát cháo 20.000 đồng chỉ bằng bát cháo 2.000 ở quê em", chị Dung sụt sùi.
Tuy nhiên, biết chắc bệnh nhân chỉ cần bỏ máy thở và ngừng lọc máu là sẽ chết nên các bác sĩ không đành lòng chấp nhận yêu cầu đó. Họ đã cho chị ký nợ số tiền đang điều trị để tiếp tục chữa cho anh Thắng.
"Nói thật, nói là ký nợ đấy rồi chữa được rồi chúng em sẽ cố gắng làm lụng để trả dần, nhưng em thật sự cũng không biết làm gì, làm thế nào để trả nổi số tiền ấy", người vợ trẻ thổn thức.
Theo Minh Thùy (VNExpress)


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)