Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Rao bán lại cả sổ tiết kiệm lãi suất cao

Tạp Chí Giáo Dục

Để tránh bị tính lãi không kỳ hạn, nhiều người dân có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng đang rao bán lại cả sổ.

Với cách làm này, hai bên đều có lợi nhờ được hưởng lãi suất cao.
Trên một diễn đàn mạng có thành viên đang rao bán lại sổ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của mình để hưởng mức lãi suất thực đã gửi. Theo đó, chủ nhân của sổ tiết kiệm sẽ được nhận lại tiền mặt bao gồm gốc và lãi tính từ ngày gửi tới nay. Còn người mua được chuyển tên sổ tiết kiệm và tiếp tục hưởng lãi suất.
Theo lời quảng cáo, thành viên này đang có tới 4 sổ tiết kiệm ngân hàng, mỗi sổ 500 triệu đồng và gửi với thời gian 12 tháng, lãi suất 11%và 12%/năm. Giao dịch sẽ được thực hiện tại ngân hàng, người bán sẽ chịu mọi chi phí chuyển nhượng, sang tên sổ tiết kiệm.
Chủ tin rao vặt này cho hay với sổ tiết kiệm ở mức lãi suất 11-12%/năm – mức tương đối hấp dẫn, tuy nhiên, thời điểm tất toán sổ sang tận năm 2014 mà họ lại đang cần tiền mặt nên sẽ rất phù hợp với những đối tượng có tài chính ổn định và chưa có nhu cầu sử dụng.
Cách đây ít lâu, một thành viên khác cũng đã rao bán lại sổ tiết kiệm theo hình thức này. Tuy nhiên, mức lãi suất và thời gian gửi cũng thấp hơn, sổ 500 triệu gửi kỳ hạn một năm, lãi suất 9,8%/năm, sổ 60 triệu cũng gửi một năm, lãi suất 8%/năm.
Ngay sau khi đăng rao vặt, chủ đề này đã nhận được nhiều phản hồi từ phía các thành viên diễn đàn. Nhiều người cho rằng đây là một cách để “vớt vát” được chút lãi suất rút trước hạn, nếu không chỉ nhận được lãi suất không kỳ hạn rất thấp, chỉ dưới 2%/năm. Tuy nhiên, không ít thành viên khác lại tỏ ra hờ hững bởi được thêm có mấy triệu đồng mà lằng nhằng thủ tục.
Trên một diễn đàn dành cho cha mẹ còn có hẳn một hội mua bán sổ tiết kiệm. Chủ topic cho hay: “Em thấy bây giờ chuyện chúng ta gửi tiết kiệm nhưng có việc phải rút ra sớm, hoặc có số tiền rỗi rãi trong thời gian ngắn không muốn đầu tư vì sợ rủi ro là rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta không lập một mục riêng cho khoản này nhỉ?”.
Thành viên này phân tích cô có sổ tiết kiệm 100 triệu đồng, thời hạn 1 năm, lãi suất là 11%/năm. Giờ chỉ còn 3 tuần nữa là hết hạn nhưng cô lại cần tiền ngay. Dù rút trước hạn hay cầm cố để vay, đều bị thiệt một phần lãi. Trong khi đó, người khác có 100 triệu đồng, khoảng 3 tuần nữa phải dùng tới, nếu gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp. Tham gia hội này, mọi người có thể tìm đến nhau và trao đổi. Cô chuyển sổ để lấy tiền mặt, hưởng lãi suất vẫn 11%/năm, còn người kia được lãi suất cao hơn gửi tuần thông thường.
Thành viên khác cho biết, hình thức này sẽ hấp dẫn hơn với những trường hợp số tiền trao đổi lớn hơn, hoặc người có tiền có nhu cầu gửi tiết kiệm dài hạn hơn, hoặc người cần tiền (người có sổ) chịu hy sinh một phần lãi ngân hàng mình được hưởng (tính đến thời điểm bán sổ) cho người mua sổ.
Từ đó, một thành viên còn đề nghị nên nhân rộng ra các hình thức khác như thế chấp nhà cửa. “Trong trường hợp những ngôi nhà thế chấp mà không có khả năng trả nợ, ngân hàng tịch thu thì coi như mất trắng. Nếu có người trả nợ mua luôn căn nhà đó, người bán có thể được giá cao, người mua có lợi thấp hơn giá thị trường”, thành viên này tính toán.
Theo khảo sát, hiện nay, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến với không kỳ hạn từ 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5-6,8%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-8%/năm. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất phổ biến không kỳ hạn từ 1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 6,5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7-8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 8,5-9%/năm.
Đại diện ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, theo quy định thì sổ tiết kiệm được chuyển quyền sở hữu dưới các hình thức cho, tặng hoặc chuyển nhượng theo yêu cầu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Số tiền chuyển quyền sở hữu của một sổ tiết kiệm là toàn bộ số dư gốc và lãi chưa lĩnh tính đến ngày chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm đó.
Việc chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm được thực hiện tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền. Các bên phải lập giấy chuyển quyền sở hữu thẻ tiết kiệm theo mẫu quy định của ngân hàng. Chữ ký của người chuyển quyền sở hữu phải đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu tài khoản tiền gửi, người nhận chuyển nhượng chỉ được thực hiện giao dịch tại nơi đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
Chuyên gia ngân hàng, ông Trương Thanh Đức (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) đánh giá, hiện chưa có quy định pháp lý liên quan đến việc mua bán loại giấy tờ và tài sản này, tuy nhiên lại có quy định cho phép chuyển quyền sở hữu thẻ tiết kiệm nên các bên có thể thực hiện việc mua bán thông qua thủ tục chuyển quyền sở hữu tại ngân hàng.
Để tránh rủi ro, ông Đức khuyến cáo người “mua” lại thẻ tiết kiệm chỉ nên nhận nhận chuyển nhượng sổ tiết kiệm trong trường hợp được ngân hàng chấp nhận sang tên chính thức, không nên chấp nhận việc chuyển nhượng bên ngoài ngân hàng, dù có lập hợp đồng có công chứng.
Ngoài ra, còn nên cân nhắc việc nhận chuyển nhượng trong trường hợp thời gian đáo hạn còn dài, thì việc duy trì thẻ tiết kiệm đến hết kỳ hạn để hưởng mức lãi suất cao cũng không có lợi nhiều. Nếu thời hạn gửi còn dài, mà sau đó nếu như có nhu cầu sử dụng vốn trước khi thẻ tiết kiệm đến hạn, thì lại phải tìm người khác để chuyển nhượng lại hoặc phải vay ngân hàng và dùng thẻ tiết kiệm đó để cầm cố.
Cuối cùng, về phía người gửi tiết kiệm cần tiền trước khi đến hạn, thì có thể lựa chọn một cách thức khác, đó là cầm cố chính thẻ tiết kiệm đó để vay vốn ngân hàng. Cũng giống như việc chuyển nhượng thẻ tiết kiệm, chỉ nên thực hiện việc này nếu như tính toán số tiền lãi vay phải trả thấp hơn số tiền lãi gửi tiết kiệm, tương tự với số tiền dùng để “mua” thẻ tiết kiệm phải nhỏ hơn số tiền sẽ nhận được khi thẻ tiết kiệm đáo hạn.
Để tránh rủi ro, chuyên gia ngân hàng khuyến cáo người “mua” lại thẻ tiết kiệm chỉ nên nhận nhận chuyển nhượng sổ tiết kiệm trong trường hợp được ngân hàng chấp nhận sang tên chính thức, không nên chấp nhận việc chuyển nhượng bên ngoài ngân hàng, dù có lập hợp đồng có công chứng.
Theo vtc.vn

Bình luận (0)