Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rao bán thuốc gây mê tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

Thuốc gây mê chỉ được sử dụng trong bệnh viện chứ không được bán ở ngoài

Thuốc gây mê là loại thuốc chỉ được sử dụng trong ngành y tế và nó bị cấm bán ngoài thị trường. Nhưng hiện nay, nhiều loại thuốc gây mê được rao bán tràn lan trên các trang mạng dưới các hình thức và mục đích sử dụng khác nhau…

Mua mọi lúc mọi nơi

Chỉ cần gõ cụm từ “mua thuốc gây mê” trên trang google là có thể thu được khoảng 861.000 kết quả chỉ trong vòng 0,35 giây với nhiều trang web rao bán công khai. Thử click vào trang webmua… thấy hiện ra hàng loạt các loại thuốc gây mê dạng khí, viên, xịt… kèm theo đó là số điện thoại liên lạc đặt hàng. Các loại thuốc này được giới thiệu là hàng nhập đảm bảo chất lượng tốt, hiệu quả 100% và nó phát huy tác dụng chỉ trong vài phút. Việc mua hàng qua mạng trong thời buổi hiện nay vốn được coi là đơn giản, dễ dàng và thuận tiện. Điều đáng nói thuốc gây mê là mặt hàng cấm kinh doanh nhưng vẫn được bán tràn lan ở ngoài thị trường. Trong vai một người đi mua thuốc gây mê, chúng tôi thử vào một tiệm thuốc tây ở quận 5 TP.HCM để hỏi mua loại thuốc này thì nhân viên bán hàng nói: “Để mua thuốc này thì cần phải có mối quan hệ, tiệm em không bán nhưng một số tiệm thì có nhưng những người bán thường rất e dè…”. Trong khi đó, tại các quán bar thì việc sử dụng thuốc gây mê trở nên khá phổ biến. Anh N.Đ.P (ngụ quận Gò Vấp) là người thường xuyên ghé các quán bar vào những ngày cuối tuần để giải khuây chia sẻ: “Trong quán bar thuốc gây mê không được sử dụng công khai nhưng chỉ cần bỏ 1 viên vào ly rượu, cốc nước hay giả dạng là một lọ nước hoa xịt cho thơm thì người bị gây mê dễ dàng rơi vào trạng thái mê man, mất kiểm soát bản thân chỉ trong vài phút…”. Người ta thường sử dụng thuốc gây mê dưới nhiều mục đích khác nhau như dùng để cướp của, kích dục còn trong y tế thì sử dụng phổ biến là để phẫu thuật…

Chỉ sử dụng trong y tế

Đã có rất nhiều lời cảnh báo về việc dùng thuốc mê để cướp tài sản, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Người bị hại thường rơi vào trạng thái mê man trong một vài phút nhưng khi tỉnh dậy thì đã mất hết tiền bạc. Cũng có nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử công khai về việc sử dụng thuốc mê để cướp tài sản. Mới đây, TAND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã tuyên phạt Khưu Thị Bích (SN 1980, ngụ tỉnh Quảng Nam) 9 năm tù về tội cướp tài sản. Bị cáo đã dùng thuốc mê để lừa 8 cụ già 70 tuổi sống đơn thân ở Quảng Nam để cướp tài sản, tổng số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Kỹ thuật viên gây mê Nguyễn Văn Bé Ba (Phòng gây mê, Khoa Phẫu thuật phalcon, Bệnh viện Mắt TP.HCM) cho biết: “Thuốc gây mê chỉ được sử dụng trong bệnh viện chứ không được bán ở ngoài. Các thuốc gây mê được dùng hiện nay đều độc và có thể gây tác dụng phụ. Bởi vậy, người ta không gây mê bằng một loại thuốc duy nhất mà được thay thế bằng gây mê cân đối, tức là sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để tạo ra trạng thái mê cân đối. Chẳng hạn, bên cạnh thuốc gây mê người ta dùng thuốc tiền mê là thuốc an thần, chống co thắt, thuốc giảm đau…”. Anh Bé Ba cũng cho biết thêm: “Khi thuốc gây mê được sử dụng vào các mục đích xấu thì người bị gây mê sẽ rơi vào trạng thái hoa mắt, chóng mặt, cả người mệt mỏi, không làm chủ được hành vi, nhận thức…. Chính vì vậy các đối tượng mới dễ ra tay hành động”. BS Nguyễn Ngọc Châu Trang (Trưởng khoa Mắt nhi, Bệnh viện Mắt TP.HCM) cho biết: “Ở nước ngoài thì người ta rất thận trọng trong việc sử dụng thuốc gây mê kể cả trong phẫu thuật. Bệnh nhân chỉ được gây mê khi có sự đồng ý của gia đình người bệnh vì thuốc dễ gây tác dụng phụ. Đã có rất nhiều bệnh nhân phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị người khác gây mê. Đây là việc làm đáng báo động trong xã hội hiện nay”.

Bài, ảnh: Nghiêm Quế

Kỹ thuật viên gây mê Nguyễn Văn Bé Ba cho biết: “Mỗi loại thuốc có liều lượng khác nhau, do đó thời gian để gây mê cũng khác nhau, nếu dùng quá liều rất dễ dẫn đến tử vong”.

 

Bình luận (0)