Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Rao bán thương hiệu Pierre Cardin

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn sáu thập kỷ tạo được dấu ấn trong làng thời trang thế giới, nhà thiết kế người Pháp Pierre Cardin rao bán tập đoàn với giá 1 tỉ euro. Quyết định này được cho là khôn ngoan khi thương hiệu thời trang Pierre Cardin còn đang có giá, trong lúc tình hình kinh tế đang đi xuống.
Ông Cardin đưa ra một lý do “danh chính ngôn thuận”: ở tuổi 88 và không có người nối dõi, ông muốn bán thương hiệu thời trang của mình trước lúc gần đất xa trời, để đảm bảo nó được tiếp tục lớn mạnh.
Bốn lần doanh thu là hợp lý?

Về việc định giá thương hiệu ở mức 1 tỉ euro, ông giải thích: chỉ cần tính sơ sơ 10 triệu euro/sản phẩm/quốc gia nhân cho 1.000 (loại sản phẩm) là ra được con số cuối cùng. Con số này cao gấp đôi so với mức giá 500 triệu euro được ông Cardin đưa ra vài năm trước. Do chưa nắm rõ chi tiết về tình hình tài chính của công ty, giới ngân hàng ước tính thương hiệu thời trang này bây giờ trị giá cỡ 200 triệu euro. Pierre Mallevays, cựu giám đốc điều hành LVMH (Moet Hennessy Louis Vuitton) ước lượng giá trị thương hiệu Pierre Cardin tương đương bốn lần doanh số bán hàng.

Cardin đã tạo ra thương hiệu mang tên mình từ năm 1949. Ảnh: TL

Thời điểm ông Cardin ra giá khá hợp lý khi làng kinh doanh thời trang chứng kiến những vụ mua bán tiền tỉ. Mới đây, LVMH đồng ý bỏ ra 5,2 tỉ USD để mua Bulgari SpA, công ty nữ trang lớn thứ ba thế giới. Cổ phiếu của hãng Jean Paul Gaultier đang được các nhà đầu tư săn đón.

Hiện có một số nhà đầu tư Anh, Mỹ và cả Trung Quốc tiếp xúc với ông Cardin về việc mua lại hãng thời trang này. Nhà thiết kế lão làng không đề cập về doanh thu hàng năm của tập đoàn mà nhấn mạnh đến 400 bằng sáng chế có trong tay. Theo ông, đó là “giá trị không thể đong đếm của một thương hiệu”.

Khai phá thị trường châu Á

Cardin đã tạo ra thương hiệu mang tên mình từ năm 1949. Trong nhiều năm, ông và các cộng sự đã nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng thương hiệu bằng phương thức nhượng quyền thương mại. Sau 60 năm, Cardin có hệ thống 600 cửa hàng nhượng quyền trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Pierre Cardin nhượng quyền cho công ty An Phước. Tên tuổi của ông được sử dụng cho 1.000 sản phẩm khác nhau, có mặt tại hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được đánh giá là một trong những cái tên đắt giá nhất.
Trong sự nghiệp, Pierre Cardin đề cao phong cách thời trang unisex (thích hợp với cả hai phái nam, nữ). Ông được xem là nhà thiết kế tiên phong với các mẫu thiết kế có môtíp, kiểu dáng hình học, sử dụng chất liệu ít thấy trong thời trang như nhựa. Ông đã tạo ảnh hưởng nơi các nhà thiết kế trẻ như Alexander Wang và Nicolas Ghesquière của Balenciaga.
Ông còn là người khai phá, biến nước Nhật thành thị trường thời trang cao cấp khi ông đến Nhật năm 1959. Hai mươi năm sau, ông thâm nhập thị trường Trung Quốc và đưa thương hiệu của mình trở thành một trong những biểu tượng sang trọng nhất tại Trung Quốc thế kỷ 20.
Trong khi các hãng thời trang, sản xuất hàng cao cấp có nhiều thương hiệu con, thì Pierre Cardin chỉ sử dụng chung thương hiệu cho cả ngàn sản phẩm trên toàn thế giới.
Nhà thiết kế kỳ cựu tiết lộ ông sở hữu 5 – 10% cổ phần trong mỗi công ty mà ông nhượng quyền thương hiệu, như một phần của tiền bản quyền. Ông trưng cho phóng viên Wall Street Journal bản hợp đồng trị giá 8 triệu euro để làm hàng cho thị trường Iran và Iraq. Ông tự hào rằng mình có thể tự quản lý tài chính mà không cần đến hội đồng quản trị. Khoản lợi nhuận kếch xù từ nhiều năm hoạt động trong ngành thời trang được Cardin đổ vào một loạt bất động sản cao cấp tại khu trung tâm Paris và miền nam nước Pháp.
Ngoài một tỉ euro, điều kiện cần và đủ để mua lại hãng Pierre Cardin là vị chủ nhân thương hiệu này tiếp tục ở lại làm giám đốc sáng tạo, để “tạo lợi ích cộng thêm cho hình ảnh thương hiệu”.
Theo Bá Nha (WSJ)
SGTT

Bình luận (0)