Trong trường mầm non, hiệu trưởng phải phân công, phân nhiệm rõ công việc cho từng cá nhân. Ảnh: T.Tri
|
Truyền thông có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý của hiệu trưởng một trường học, đặc biệt là trường mầm non. Nó là công cụ, phương tiện để mỗi “đầu tàu” thực hiện các chức năng quản lý nhà trường.
Một cơ sở giáo dục bao giờ cũng tồn tại và thực hiện mối liên hệ giữa ba hệ thống: hệ thống quản lý (chủ thể quản lý: đưa ra các quyết định quản lý), hệ thống bị quản lý (đối tượng quản lý: thực hiện các quyết định quản lý), hệ thống thông tin (làm cầu nối giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý). Truyền thông là quá trình trao đổi những thông tin và chia sẻ những ý tưởng, cảm giác, thái độ với người khác từ đó làm nảy sinh ra những mức độ thông hiểu giữa hai hay nhiều người. Nói cách khác, truyền thông là sự di chuyển thông tin từ người này sang người khác bằng cách sử dụng các ký hiệu ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ.
1. Truyền thông phụ thuộc vào sự kết hợp các yếu tố ngữ cảnh, văn hóa, môi trường. Trong quá trình truyền thông có rất nhiều trở ngại làm cho thông tin bị sai lạc, mất mát, giảm hiệu quả, thậm chí gây phản tác dụng. Những trở ngại này được gọi là rào cản. Trong công tác quản lý trường học cũng xuất hiện những rào cản đòi hỏi người lãnh đạo phải nhận biết và tìm cách khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý toàn diện. Thực tế hiện nay tại các trường mầm non ở một số tỉnh, thành phía Nam (qua trao đổi với 59 học viên lớp Cán bộ quản lý GD mầm non khóa 11 tại Trường Cán bộ quản lý GD TP.HCM), việc truyền đạt thông tin trong công tác quản lý gặp những rào cản như sau: Nhận thức khác nhau giữa người truyền và người nhận tin. Quá tải thông tin (thông tin đến cùng lúc quá nhiều khiến cho người hiệu trưởng lúng túng trong quá trình xử lý). Thao túng thông tin (che giấu, ém nhẹm, thêm bớt thông tin để gây nhiễu). Trường có nhiều điểm lẻ (khó khăn trong việc trao đổi thông tin chung của nhà trường). Thông tin đến không kịp thời, thiếu chính xác, chưa đầy đủ (nhà quản lý khó tìm ra những thông tin đáng tin cậy để làm căn cứ ra quyết định cụ thể). Dư luận, tin đồn (gây hoang mang, mất đoàn kết nội bộ). Văn bản đến có những từ, ngữ, câu văn khó hiểu (gây trở ngại cho việc triển khai các công việc cần thực hiện). Đường truyền internet (chậm, ách tắc, hư hao, khó thu thập thông tin). Thiếu sự phân cấp xử lý thông tin (làm cho nhà quản lý sa vào giải quyết công việc mang tính sự vụ, lặt vặt, thiếu tầm tổng quát, mất tính chủ động). Thiếu sự chú ý lắng nghe, vội vàng đánh giá lẫn nhau (nên không hiểu nhau). Thiếu sự tin cậy, thiếu tín nhiệm, còn thành kiến nhau (nên khó hợp tác cùng nhau vì sự nghiệp chung của nhà trường). Hội họp quá nhiều, thời gian hội họp kéo dài quá lâu (làm cho mọi người chán ngán, mất tập trung). Phân công, phân nhiệm không rõ ràng (chồng chéo lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ). Chế độ thông tin, báo cáo thiếu nhất quán từ đầu năm học (dẫn đến báo cáo không kịp thời, không chính xác, không đầy đủ)…
2. Trên cơ sở những tồn tại, bất cập nêu trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số việc làm cần thiết để cải tiến công tác truyền thông, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý trường mầm non: Một là, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ hiểu biết và ứng dụng CNTT, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ CB-GV-CNV nhà trường để họ cùng nhau đồng thuận nhận thức, cùng nhau làm việc; cùng nhau thu thập, xử lý, sử dụng thông tin vì các công việc của nhà trường. Hai là, xây dựng lề lối làm việc nghiêm túc, cẩn thận; nếp sống thẳng thắn, trung thực. Xây dựng niềm tin cho cả tập thể sư phạm để thông tin được truyền đạt và tiếp nhận, thực hiện mà không gặp phải sự thao túng, sự thiếu hợp tác nào. Ba là, làm rõ những chỗ khó hiểu trong các văn bản của cấp trên để tập thể sư phạm cùng có cách hiểu chung, thống nhất hành động theo chỉ đạo. Bốn là, xây dựng chế độ thông tin báo cáo rõ ràng, khoa học, thống nhất, xuyên suốt, định kỳ cho các tổ, bộ phận, cá nhân trong trường ngay từ đầu năm học. Chế độ hội họp phải thực hiện theo quy định của ngành. Tránh hội họp quá nhiều lần, kéo dài quá nhiều thời gian mà không đảm bảo chất lượng thông tin cần có để thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm là, người hiệu trưởng phải có sự phân công, phân nhiệm kịp thời, rõ ràng, công bằng, dân chủ, công khai cho các cá nhân, các tổ, các bộ phận trong nhà trường. Ai, bộ phận nào, làm việc gì, chịu trách nhiệm trước ai, báo cáo đến ai, bao giờ làm báo cáo, báo cáo về nội dung gì,… đâu đó phải rõ ràng, chặt chẽ, thống nhất. Có như vậy mới tránh được sự chồng chéo, tị nạnh nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ. Cuối cùng, trường học phải được xây dựng tập trung ở một điểm, không nên có nhiều điểm lẻ. Nếu trường có nhiều điểm lẻ (thực tế đang tồn tại ở các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long) thì cần được trang bị các phương tiện liên lạc thông suốt như điện thoại để bàn, điện thoại di động, máy vi tính có nối mạng internet để thuận lợi trong việc truyền đạt và tiếp nhận thông tin.
Tóm lại, thông tin và truyền thông là yếu tố cơ bản và quan trọng đối với người hiệu trưởng trong công tác quản lý trường học. Muốn nhận thức đúng và sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin và truyền thông trong quản lý nhà trường, đòi hỏi người hiệu trưởng phải có năng lực, nghệ thuật và tư duy nhạy bén. Từ đó, người hiệu trưởng có thể cùng tập thể sư phạm nhà trường tìm ra cách khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động giáo dục đào tạo của nhà trường, thực hiện tốt chủ trương “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.
ThS. Lê Bá Lộc
(Khoa Quản lý GD, Trường Cán bộ quản lý GD TP.HCM)
Bình luận (0)