Bên cạnh việc tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã chú ý hỗ trợ chỗ ăn ở, đi lại cho những thí sinh vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn…
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm mới mà trong nghiệp vụ coi thi cần hết sức chú trọng, nhất là khâu phát đề thi, thu bài thi tổ hợp… Trong ảnh: Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: M.Tâm |
Các cụm thi năm nay do các sở GD-ĐT địa phương chủ trì, phối hợp với nhiều trường ĐH-CĐ.
Yên Bái: Quan tâm các điểm thi tại trường PT dân tộc nội trú
Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh dẫn đầu vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Yên Bái. Theo báo cáo, kỳ thi năm nay Yên Bái có hơn 7.000 thí sinh dự thi tại 30 điểm, với 308 phòng thi. Để chuẩn bị cho kỳ thi, tỉnh Yên Bái đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh và 9 ban chỉ đạo cấp huyện. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn có thí sinh dự thi đều đã bố trí các phương án hỗ trợ thí sinh dưới nhiều hình thức khác nhau: hỗ trợ ôn tập bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ gạo, hỗ trợ nơi ăn – nghỉ, hỗ trợ tư vấn… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em dự thi.
Đoàn công tác Bộ GD-ĐT khuyến cáo tỉnh Yên Bái lưu ý về tình hình thời tiết những ngày diễn ra kỳ thi để có thể chủ động ứng phó; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông cho các thí sinh. Ngoài ra, do địa hình đi lại khá vất vả, có những điểm thi cách thành phố Yên Bái tới 200km, vì vậy công tác bảo mật, an toàn đề thi, bài thi cần được đặc biệt chú ý. Tỉnh cần quan tâm hơn tới các điểm thi tại trường PT dân tộc nội trú để không một thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Đắk Lắk: Hỗ trợ thí sinh khó khăn, di chuyển xa
Công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi, thanh tra thi THPT quốc gia năm nay của tỉnh Đắk Lắk vừa được diễn ra. Ông Phạm Đăng Khoa (Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk) cho hay, so với năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm mới, vì vậy các cơ quan, đơn vị nhất là lãnh đạo 36 đơn vị được địa phương chọn bố trí điểm thi cần chủ động phối hợp với chặt chẽ với Ban chỉ đạo kỳ thi trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí phòng thi, niêm yết các biểu mẫu văn bản, nội quy phòng thi, lịch thi, hiệu lệnh cho từng môn thi, bài thi… tại điểm thi một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ. Đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa thí sinh phải di chuyển xa đến các trung tâm huyện, Ban chỉ đạo cấp huyện cần có kế hoạch hướng dẫn nơi ăn ở, đi lại; hỗ trợ chỗ ở, suất ăn cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ, giáo viên được điều động làm nhiệm vụ tại kỳ thi cần nghiên cứu kỹ quy chế thi; nắm vững nghiệp vụ coi thi để thực hiện tốt nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót.
Được biết, cụm thi THPT quốc gia tại Đắk Lắk năm nay có 4 đơn vị được phân công phối hợp với Sở GD-ĐT làm nhiệm vụ tổ chức, gồm: Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Buôn Ma Thuột và Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk. Có gần 2.430 cán bộ, giảng viên, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, trong đó 1.381 cán bộ, giáo viên thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh và 1.048 cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH-CĐ. Ngoài ra, Hội đồng coi thi còn điều động 381 nhân viên làm nhiệm vụ chăm sóc y tế, bảo vệ phục vụ kỳ thi. Năm nay, Hội đồng thi Đắk Lắk có 36 điểm thi với 934 phòng thi, 22.188 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT năm nay đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ, TC là 1.352 em. Có 5.315 thí sinh đăng ký dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 23%).
Quảng Nam: 18/18 huyện, thị xã, TP đều có điểm thi
Việc tập huấn công tác thi THPT quốc gia của tỉnh Quảng Nam cũng vừa được tổ chức. Cụm thi Quảng Nam do Sở GD-ĐT tỉnh này chủ trì, phối hợp với 6 trường ĐH tổ chức, gồm: ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng); ĐH Kiến trúc Đà Nẵng; ĐH Quảng Nam; ĐH Đông Á; ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng); ĐH Nội vụ (Cơ sở tại Quảng Nam). Tổng số 17.635 thí sinh đăng ký sẽ được bố trí thi ở 52 điểm với 760 phòng. Như vậy, 18/18 huyện, thị xã, TP của tỉnh đều có điểm thi. Phần lớn thí sinh được dự thi tại địa phương; việc bố trí điểm thi này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các em.
Có 2.632 người được điều động phục vụ kỳ thi, trong đó 52 trưởng điểm, 104 phó trưởng điểm, 228 thư ký, 1.520 cán bộ coi thi, 208 cán bộ giám sát, 208 công an, 52 cán bộ y tế, 260 nhân viên phục vụ. Ông Lê Văn Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) yêu cầu Sở GD-ĐT tham mưu tổ chức tốt kỳ thi từ việc thành lập và chỉ đạo hoạt động của hội đồng thi, coi thi, chấm thi; công bố kết quả. Trong đó, chú ý đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc sao in, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi; phối hợp tốt với các trường ĐH để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các trường ĐH cần điều động đủ số lượng cán bộ làm công tác thi theo đúng quy định; thực hiện đúng quy chế thi. Các trưởng điểm, phó trưởng điểm và thư ký các điểm thi phải tập trung rà soát toàn bộ khâu chuẩn bị ở điểm thi của mình trong ngày 23-6, kịp thời báo cáo những vướng mắc với Ban chỉ đạo để được hướng dẫn giải quyết…
Ông Thanh lưu ý thêm, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới mà trong nghiệp vụ coi thi cần phải hết sức chú trọng; nhất là khâu phát đề thi, thu bài thi tổ hợp, cần được tập huấn kỹ lưỡng.
An Giang: Tăng 2.400 thí sinh, thêm 8 phòng thi
Theo kế hoạch, dự kiến Sở GD-ĐT tỉnh An Giang sẽ tập huấn nghiệp vụ coi thi vào ngày 15-6 cho lãnh đạo các điểm thi; sau đó các trường ĐH và phổ thông phối hợp tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi. Năm nay, toàn tỉnh tổ chức 40 điểm thi với 699 phòng (tăng 8 điểm thi so với 2017). Trong đó, 37 điểm thi đặt tại các trường THPT dành cho thí sinh hệ giáo dục THPT và 2 điểm thi dành cho thí sinh hệ GDTX, thí sinh tự do chưa tốt nghiệp (đặt tại TP.Long Xuyên và TP.Châu Đốc), 1 điểm thi dành cho thí sinh tự do đã tốt nghiệp thi để xét ĐH-CĐ (dự kiến đặt tại Trường ĐH An Giang).
Năm nay, An Giang có 16.414 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 2.400 em so với năm trước. Trong đó, số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 1.851 em; số đã tốt nghiệp thi để xét ĐH-CĐ là 746 em và 13.817 thí sinh thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH-CĐ.
Đà Nẵng: Đảm bảo ATGT trong kỳ thi THPT quốc gia
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản về việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, UBND TP giao Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở/ban/ngành và UBND các quận/huyện chủ động phối hợp với Công an thành phố, Cảnh sát PCCC lập kế hoạch liên ngành bảo đảm an ninh trật tự, ATGT, phòng chống cháy nổ tại các điểm in sao đề thi, coi thi và chấm thi.
Đối với công tác vận chuyển đề thi và bài thi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, có phương án dự phòng, đề phòng tai nạn giao thông, cháy nổ. Sở GD-ĐT chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất tại các trường được chọn làm điểm coi thi, chấm thi, rà soát kỹ giấy báo dự thi và các thông tin của thí sinh, tránh nhầm lẫn, chỉnh sửa bảo đảm đúng thông tin hộ tịch của thí sinh trước ngày dự thi; đồng thời chỉ đạo các trường học gần điểm thi linh động mở cổng trường và bố trí nước uống, chỗ nghỉ thích hợp cho phụ huynh. Công an thành phố phải lưu ý bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường đến điểm thi để tránh kẹt xe; yêu cầu phụ huynh đưa đón thí sinh đứng cách điểm thi theo quy định, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người ở khu vực xung quanh điểm thi; chỉ đạo công an địa phương có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở photocopy cam kết không in sao tài liệu (phao thi) cho thí sinh. Công an các quận/huyện điều tiết giao thông vào các buổi thi, cho dừng xe tải chở đất cát, vật liệu xây dựng trong thời gian thí sinh và cán bộ coi thi đến các điểm thi và ngược lại. Cụ thể, thời gian dừng lưu thông từ ngày 24 đến 27-6: buổi sáng từ 5 giờ đến 7 giờ 30, buổi trưa từ 10 giờ đến 13 giờ 30, buổi chiều từ 15 giờ 30 đến 17 giờ 30 tại các tuyến đường có đặt điểm thi.
Mê Tâm – Vĩnh Yên
(tổng hợp)
Bình luận (0)