Thời điểm này, cả giáo viên lẫn học sinh các trường THPT đã lên kế hoạch chạy theo những kỳ thi cuối cùng của 12 năm học.
Bộ GD-ĐT đã có thông báo về cơ bản, kỳ thi năm nay vẫn thực hiện như năm 2010 nên các trường không bị chi phối bởi tâm lý chờ đợi chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT như các năm trước mà lẳng lặng chuẩn bị lên kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh (HS).
Chủ động tăng tiết
Ở Hà Nội, ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường dân lập Lương Thế Vinh, cho biết: “Đến hết tháng 4.2011 là kết thúc chương trình. Nhưng với một số môn trọng điểm ở khối A (Toán, Lý, Hóa), khối D (Văn, Toán, Ngoại ngữ)… thì kết thúc sớm hơn để dành thời gian cho HS ôn thi, củng cố lại kiến thức đã học”. Tương tự như vậy, HS của trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng cũng cho hay, theo thông báo thì các môn như Văn, Toán, Ngoại ngữ sẽ kết thúc sớm hơn so với kế hoạch năm học để có thời gian ôn tập.
Cô Trần Thị Hồng Vân hướng dẫn ôn tập môn Sinh cho học sinh trường Trung học thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) – Ảnh: Đ.N.T
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngay cả những trường công lập cũng có những động thái tăng tiết đối với các môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Để không bị “nhắc nhở”, các trường vẫn không giảm số tiết của những môn khác nên HS thay vì đi học một buổi sẽ phải học các “môn phụ” (như Thể dục) vào buổi thứ hai.
Ông Nguyễn Hoài Vĩnh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: “Các trường cần nghiêm túc dạy đủ các môn và dạy hết chương trình, không dồn giờ, cắt tiết. Rà soát, tập trung bồi dưỡng HS yếu kém, tạo điều kiện để HS lớp 12 có đủ kiến thức tham gia thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ”.
Tại TP.HCM, ngay sau tết, nhiều trường đã bắt đầu tăng tiết có hệ thống đối với cả 8 môn có khả năng thi. Tại trường THPT Marie Curie (Q.3), môn Văn theo phân phối chương trình là 3 tiết đối với Ban cơ bản và 4 tiết đối với Ban nâng cao thì từ đầu năm học, tùy theo lớp mà nhà trường đã tăng từ 1 – 2 tiết mỗi tuần, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
Tại trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú), tất cả các môn có thể thi cũng đã tăng tiết từ lâu như Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh… Ông Nguyễn Phạm Đại, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Thay vì các em học thêm ở ngoài, thì nhà trường phối hợp với Hội phụ huynh tổ chức các tiết phụ đạo để giúp các em có nhiều thời gian vừa học vừa ôn, tránh gây áp lực trong thời gian cuối”.
Trong khi đó, trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi) đã tách hẳn các HS có điểm thi học kỳ 1 của 8 môn dưới 5 điểm thành các lớp riêng để phụ đạo. Những HS này sẽ được các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy với đích nhắm cuối cùng là vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thi thử ĐH
Những trường THPT có chất lượng tốt lại quan tâm hơn đến việc chuẩn bị cho HS thi tuyển sinh ĐH-CĐ.
Ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Chưa tới một tháng nữa, HS của trường sẽ được thi thử ĐH lần thứ nhất”.
Còn trường THPT Trần Phú (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm nay cũng quyết định tổ chức thi thử ĐH cho HS của mình. Theo bà Bùi Thị Minh Nga, Phó hiệu trưởng, kỳ thi thử này không chỉ có ý nghĩa tập dượt mà điều quan trọng hơn là giúp HS chọn khối thi, trường thi vừa sức mình trước khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. “Kỳ thi thử sẽ bắt đầu từ đầu tháng 3 tới, nhà trường sẽ tổ chức cho HS thi theo các khối dự định đăng ký. Kết quả của kỳ thi sẽ là một thông tin để HS cân nhắc trước khi chính thức lựa chọn khối thi phù hợp”, bà Nga nói.
Ôn mọi nơi Trong khi các trường sẵn sàng cho một mùa ôn thi tốt nghiệp thì các phụ huynh cũng đã tìm chỗ cho con mình học thêm với đích nhắm là trúng tuyển vào một trường ĐH. Chị Thùy Trang – một phụ huynh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, chị vẫn chưa yên tâm với lớp luyện thi ở trung tâm do có quá đông người học nên đã quyết định thuê một gia sư chuyên về giải các bài tập khó để luyện thi khối A cho con gái mình. “Ở trường chỉ là ôn thi tốt nghiệp, còn buổi tối và cuối tuần vẫn phải đi luyện thi ĐH và học kèm ở nhà với gia sư”, chị Trang cho hay. T.H, HS lớp 12 trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) kể: “Sau tết, lịch học của em dày đặc. Ba mẹ em muốn em thi vào trường ĐH Ngân hàng nên đã đăng ký cho em luyện thi. Bài tập ở trường, ở trung tâm cứ dồn ứ lại do không đủ thời gian để làm”. |
Tuệ Nguyễn – Phi Loan / TNO
Bình luận (0)