Phần mềm tin nhắn nhanh Yahoo Messenger đang được mọi người tận dụng làm nơi gửi thông tin như rơi giấy tờ, rao bán máy tính, điện thoại di động nhanh chóng, miễn phí và hiệu quả hơn cả đăng trên truyền hình.
Sau một hồi online than thở chuyện mất ví, Ngọc, sinh viên Đại học Thương mại (Hà Nội), nảy ra sáng kiến spam bạn bè trong danh sách chat và trên blog cá nhân với thông điệp: “Trưa ngày 24/9, tôi đánh rơi một ví màu nâu, bên trong gồm chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe, thẻ sinh viên và thẻ thư viện mang tên… tại đoạn đường Kim Mã – Nguyễn Thái Học. Ai nhặt được cho mình chuộc lại hoặc gửi tin này đến bạn bè giúp mình nhé. Số điện thoại liên hệ: 0122…”. Qua một vài tin nhắn trung gian, chiếc ví đã quay về với chủ ngay hôm sau dù toàn bộ số tiền đóng học phí đã biến mất. Nhưng với Ngọc, không phải tốn thời gian làm lại giấy tờ đã là may mắn lắm rồi.
Còn Thu đã quá chán ngán với việc chuyển nhà và săm soi những website rao vặt để tìm chỗ ở mới trong suốt 4 năm học đại học và 2 năm đi dạy tại các trung tâm ngoại ngữ. Lần này, cô quyết định soạn thông điệp “cần thuê nhà gấp” và gửi cho tất cả những ai xuất hiện trong friendlist của mình rồi phó mặc cho số phận. “Nhiều thông tin trên site mua bán là do các trung tâm môi giới đăng lên với ngôn ngữ mỹ miều, khiến lần nào đi xem nhà về mình cũng có cảm giác bị lừa”, Thu kể. “Sau khi gửi lời kêu cứu qua Yahoo Messenger, lượng tin nhắn phản hồi cũng không nhiều nhưng đều mô tả khá thật tình trạng nhà cho thuê nên hơn một tuần sau, mình đã chọn được một căn phòng khép kín ưng ý”.
Là nhân viên của một công ty chuyên kinh doanh đồ điện tử gia dụng tại Hà Nội, Trung đăng ký thành viên trên khá nhiều trang thương mại trực tuyến để bán hàng. Tuy vậy, chỉ một giờ không truy cập là chủ đề (topic) anh lập ra bị đẩy sang trang sau. Giải pháp đặt link trên status với những chú thích giật gân như “girl xinh”, “lần đầu làm chuyện ấy”… cũng không thành công vì khi nhìn thấy các tên miền muare, vatgia, 123mua… mọi người sẽ đoán ra và không bấm vào đường dẫn nữa. Do đó, bây giờ Trung chọn cách “tấn công” bạn bè hoặc năn nỉ họ phát tán hộ những đoạn chat như: “Dọn nhà, cần bán màn hình LCD HP 1730 kiểu dáng và hình ảnh đẹp khỏi nghĩ, giá 2 triệu. Liên hệ qua YM (online cả ngày) hoặc số ĐT…”.
Tuy nhiên, việc “khoan cắt bê tông” trên Yahoo Messenger cũng ẩn chứa tác dụng phụ. Sau khi đăng số điện thoại của mình lên, Ngọc liên tục bị hai kẻ gọi điện quấy rầy. Rất may, đó chỉ là SIM khuyến mại của Mobifone nên cô bỏ luôn để tránh rắc rối.
Phần mềm chat của Yahoo còn bị lợi dụng để trả thù cá nhân. Đang đau khổ vì bị phụ tình và nhân vụ bê bối sữa nhiễm melamine, Khánh liền tìm cách gây khó dễ cho cô bồ mới của người yêu. Mẩu tin: “Để biết danh mục sản phẩm sữa mới nhất của Trung Quốc vừa bị thu hồi tại Việt Nam, hãy gọi đến số hỗ trợ 24/7 của Bộ Y tế: 090.352… Vì sức khoẻ của gia đình bạn và chung tay loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, hãy forward tin này cho mọi người” được truyền đi nhanh chóng qua dịch vụ chat còn cô gái kia không thể hiểu vì sao điện thoại của mình đổ chuông dồn dập bất kể ngày đêm với những câu hỏi: “Chị ơi sữa S26 đảm bảo không?”, “Dumex vẫn an toàn chứ?”…
Một số người sử dụng Yahoo Messenger cũng đành phải thoát ra khỏi phần mềm tin nhắn nhanh này mỗi khi cần tập trung làm việc, vì dù có để ẩn nick, Busy (đang bận) hay Do not disturb (đừng làm phiền) thì họ vẫn nhận được hàng chục thông điệp tạp nham từ truyện cười, rao vặt cho đến cả lời cảnh cáo: “Nếu tin nhắn này làm bạn khó chịu thì bạn đã hiểu cảm giác của tôi khi phải nhận những thông điệp như thế. Đừng spam nữa nhé”.
Hải Nguyên (Theo VNE)
Bình luận (0)