Một thực trạng đáng ngại trên mạng xã hội (facebook) hiện nay là có nhiều giáo viên đang dạy hoặc đã về hưu, cán bộ giảng dạy thường tham gia những lời bình luận không khách quan, có ác ý; những câu chuyện tiếu lâm với nội dung thiếu lành mạnh, không mang tính xây dựng; có thể gây ảnh hưởng tiêu cực với nhiều người, nhất là các em học sinh, sinh viên (HS, SV).
Người thầy từ xưa tới nay luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng. Dù xã hội có nhiều thay đổi, nhưng vẫn không làm mất đi tinh thần “tôn sư trọng đạo” của đa số nhân dân. Vì vậy, không những trên bục giảng mà cả trong cuộc sống thường ngày, người thầy phải ăn nói (viết) chuẩn mực, đúng đắn; làm tròn phận sự của “kỹ sư tâm hồn”, dẫn dắt đàn em hướng tới những điều thiện, điều tốt đẹp…
Tôi cũng thường xuyên lên mạng xã hội, chủ yếu tìm bạn bè với tinh thần “vui là chính”. Tôi bắt gặp nhiều người thầy, kể cả quý thầy là tiến sĩ ở các trường đại học, cao đẳng thường bình luận thiếu khách quan; mỉa mai, nói xấu xã hội, kể cả nói những điều không mấy tốt đẹp về ngành mình.
Người đọc tin tức trên mạng là ai? Là đủ thành phần trong xã hội, trong đó có rất nhiều HS, SV và các bậc phụ huynh. Các em đọc và sẽ nghĩ như thế nào về những lời bình luận của thầy mình? Các bậc phụ huynh sẽ nghĩ như thế nào khi thầy của con em mình nói như vậy. Chưa kể những giờ lên lớp, thường có “mươi phút dạo đầu” nói về tình hình xã hội, đất nước… Bao nhiêu lời tích cực? Bao nhiêu lời tiêu cực, bi quan? Tất cả các em, đa số vốn là những HS, SV từ nông thôn, từ mọi miền sẽ nghe những lời ấy, sẽ có những suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống…
Thiết nghĩ cấp chủ quản ở trên cần có sự nghiên cứu, xem xét, đánh giá tác động của những lời bình luận thiếu trách nhiệm này trên mạng xã hội của người thầy trong cả nước. Từ đó đưa ra những chấn chỉnh, những quy định kịp thời và đề ra biện pháp xử lý, tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Lời nói (viết) của người thầy luôn đúng chuẩn, có văn hóa, có tác động nhiều đến HS, SV… Nếu đó là lời nói tốt đẹp, có sự nhìn nhận xã hội một cách khách quan, biện chứng thì sẽ có tác dụng tốt trong việc định hướng tư tưởng của HS, SV. Ngược lại, lời nói (viết) chỉ theo cảm tính, nhìn nhận một vài hiện tượng bên ngoài rồi vội vàng đánh giá bản chất thì sẽ có tác động không tốt tới các em.
Có lẽ nghề giáo là nghề khắt khe nhất từ lời ăn, tiếng nói, phong cách… Một lời nói hay, nói đẹp thì các em hào hứng, phấn khởi; một lời nói chưa đẹp, bi quan thì các em dần dần đánh mất niềm tin vào bản thân mình, vào cuộc sống…
Cần thận trọng, cân nhắc khi bình luận trên mạng; hãy biết kiềm chế bản thân, không vì quá bức xúc giây lát mà “mỗi lời là một vận vào khó nghe” thì tội nghiệp cho các em quá!
Trường Sa Đông (Sóc Trăng)
Bình luận (0)