Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Rất cần tinh thần trách nhiệm của người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết của một bạn đọc đề cập đến một khía cạnh khác của vấn đề “Sống có trách nhiệm”, đó là vai trò giáo dục tinh thần trách nhiệm của người thầy đối với người học.

Khi nói đến việc dạy trẻ tinh thần trách nhiệm, bản thân các giáo viên (GV) phải luôn gương mẫu. Tức là trong mỗi hành động, biểu lộ thái độ, người thầy đều phải vừa thể hiện trách nhiệm của một GV trong việc giáo dục vừa thể hiện trách nhiệm trong vai trò là một công dân, người lớn trong việc định hình lối sống cho trẻ. Tuy nhiên, vừa qua có nhiều câu chuyện không hay xảy ra trong ngành giáo dục khiến không ít người băn khoăn về vai trò giáo dục tinh thần trách nhiệm của GV và nhà trường đối với người học.

Trên thực tế, trách nhiệm của GV không chỉ đối với người học mà còn đối với nhiều chủ thể khác trong nhà trường và trong cuộc sống. Người thầy thấy rác không nhặt mà bảo học sinh (HS) nhặt là chưa khẳng định được tính làm gương của bản thân và xây dựng ý thức tự giác cho HS trong những điều cần phải làm (như tinh thần bảo vệ môi trường, thấy chuyện đúng biết bảo vệ, chuyện sai biết đấu tranh…). Hay trong ứng xử với đồng nghiệp, người thầy phải thể hiện sự thân ái, gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau…, tuyệt đối tránh sự so bì, tị nạnh, nói xấu nhau…; những điều đó không chỉ góp phần xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tích cực mà còn tạo ra hình mẫu cho HS noi theo trong quan hệ với bạn bè và người thân. Do đó, từng cử chỉ, hành vi, thái độ của GV đều có thể là một biểu hiện về tinh thần trách nhiệm sống và đều có thể được HS ghi nhận để noi theo, bắt chước.

Xã hội hiện nay đang có nhiều thử thách về trách nhiệm sống của một bộ phận không nhỏ người dân. Ai cũng biết rằng xả rác là mất mỹ quan đô thị nhưng rất nhiều người vô tư xả rác và không mấy quan tâm đến việc dọn rác; ai cũng thấy nếu vô cảm trước cái xấu, cái ác thì có lúc mình sẽ là nạn nhân của điều đó nhưng không nhiều người dám đấu tranh chống cái xấu, thậm chí còn a dua nó, kiếm niềm vui từ nó; ai cũng biết xâm phạm đến tài sản của người khác là không đúng nhưng nhiều người hễ có cơ hội là chiếm đoạt ngay, không chỉ khi người ta lơ đễnh mà ngay cả lúc họ bị rủi ro… Những biểu hiện đó là sự vô trách nhiệm.

Phải chăng đó là hậu quả của một giai đoạn chúng ta không chú trọng giáo dục tinh thần trách nhiệm cho HS ngay trên ghế nhà trường, hay chúng ta đã không chú trọng việc xây dựng đội ngũ GV thực sự có tinh thần trách nhiệm và luôn làm gương với HS? Nếu hậu quả hôm nay là do từ hôm qua thì những biểu hiện ở hiện tại chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy vào ngày mai. Liệu rồi đây sẽ có những thế hệ người chỉ biết đến mình mà bất chấp người khác, không thèm quan tâm đến người khác, những thế hệ người dửng dưng, vô cảm trước khó khăn, hoạn nạn của những người xung quanh? Điều đó có lẽ là một dự báo chứ không phải là một suy đoán, khi mà cái tôi cá nhân của trẻ hiện nay được đề ra khá nhiều, khi gia đình quá chiều chuộng còn nhà trường thì thiếu quan tâm đến giáo dục tinh thần trách nhiệm.

Do đó, hơn bao giờ hết, người thầy phải thực sự sống có trách nhiệm, để học đường nảy nở những điều tốt đẹp và từ đó làm gương, lan tỏa đến HS. Có như vậy, “sống có trách nhiệm” không phải là khẩu hiệu suông mà là một định hướng thiết thực!

Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)