SV vừa lên giảng đường vừa trồng rau sạch mang ra chợ! Đó lại là chuyện có thật về 6 bạn SV gồm: Nguyễn Bình Tâm, Lê Đức Tuấn, Nguyễn Thanh Chung (ĐHBK Đà Nẵng) và Nguyễn Trọng Tín, Trần Văn Đức (Trường ĐHSP Đà Nẵng), Trần Thị Thùy Trang (ĐHKT Đà Nẵng).
Rau sạch của SV ra chợ |
SV ra đồng
Cứ đều đặn mỗi tuần từ 3 đến 4 buổi, các bạn SV lại vượt hơn chục cây số đến vườn rau của gia đình anh Mạc Trang ở xã Hòa Nhơn (Hòa Vang) cùng chăm sóc vườn rau. Trên mảnh đất rộng, những chàng SV thư sinh trở thành những người nông dân chân chất hăng say với ruộng đồng. Gạt những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm nắng gió, Thanh Chung cười tươi cho biết: “Đi làm đồng ban đầu không quen lắm, mấy tuần lăn lộn với bà con mới quen dần. Công việc giúp em hiểu hơn về sự nhọc nhằn của người nông dân làm ra thực phẩm”.
Nói về ý tưởng của mình, Tâm cho biết: “Nhận thấy thực phẩm không an toàn ngập tràn thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đa số thực phẩm bày bán đều có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Các loại nông sản xảy ra hiện tượng được mùa mất giá… nên nhóm em xây dựng kế hoạch “Nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản”. Nhóm đã tìm hiểu, liên hệ với anh Mạc Trang xây dựng trang trại mẫu rau “5 không” (không thuốc trừ sâu, không thuốc trừ bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng hạt giống biến đổi gen)”. “Nhờ có sự giúp đỡ của các bạn SV mà vườn rau của tôi phát triển rất ổn định. Trước đây một luống bị sâu rầy là tôi phải bỏ cả vườn. Nay vấn đề sâu bệnh được giải quyết. Sau 6 tháng thử nghiệm, tôi đã quyết định nâng diện tích lên 5.000m2!”, anh Trang phấn khởi nói.
SV xuống chợ
Xây dựng được mô hình thôi chưa đủ, để đem lại hiệu quả, nhóm lại bắt tay tìm đầu ra cho rau. Sáng chủ nhật mỗi tuần, nhóm mang rau ra chợ để bán. Gian hàng nhỏ với đủ các mặt hàng rau quả xanh tươi được bày bên tấm bảng mang tên “Rau sạch, rau 5 không!”. Những chàng trai ngày thường khô khan trở thành những chuyên viên bán hàng nhanh nhẹn. Với nụ cười tươi, các bạn giới thiệu đến người đi chợ rau đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe. Chung nói: “Cũng có những cái lắc đầu vì giá cả không rẻ so với các mặt hàng thực phẩm khác đang bày bán. Nhưng sau khi nghe tụi em tư vấn, bà con đi chợ vui vẻ mua hàng”.
Báo cáo của Sở NN&PTNT Đà Nẵng, năm 2015, toàn TP tiêu thụ gần 140.000 tấn rau, củ, quả. Số lượng này chủ yếu được nhập về từ các địa phương khác, không kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, có hơn 2.200 tấn rau quả nhập từ Trung Quốc (chiếm 3,6%). Trong khi đó, các vựa rau tại địa phương chỉ đáp ứng được 9.000 tấn, đáp ứng 6,4% mức tiêu thụ của người dân. |
Điểm đặc biệt, khác với lời chào mời đon đả đầy “chất xúc tác” về rau tươi, ngon, các bạn SV lại thuyết phục khách bằng việc kể những câu chuyện về canh tác nông nghiệp, đưa ra bức hình chụp tại vườn, mời khách hàng tham quan vườn nếu có dịp… Tâm cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã tổ chức được 40 phiên chợ rau sạch tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn TP. Việc di chuyển địa điểm bán ngoài mục đích tiêu thụ được rau sạch hiệu quả còn hướng đến tầm quan trọng trong sử dụng rau sạch cho bà con”.
Vì sức khỏe người tiêu dùng
Nhằm giới thiệu rộng hơn đến người dân, đồng thời tìm cơ hội lắng nghe tư vấn, hỗ trợ từ các giảng viên, nhà nghiên cứu, nhóm đã mang dự án tham gia cuộc thi “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”. Hiện đề tài đứng thứ 21 cuộc thi “Startup Run Way” do ĐH Kinh tế Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu Việt – Anh tổ chức.
Thống kê của Sở NN&PTNT Đà Nẵng, đến nay, Đà Nẵng có 3 vùng rau được chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, việc trồng rau sạch của người dân chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Các cửa hàng rau sạch ở TP không nhiều. Người trồng rau sạch còn gặp khó khăn ở đầu ra do giá cả cao hơn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Tâm lý của người tiêu dùng thường chọn lựa những loại rau bắt mắt. Tâm cho biết: “Nhóm lên kế hoạch đi từng bước, chậm mà chắc, lấy chất lượng sản phẩm, niềm tin khách hàng làm tiêu chí hàng đầu. Nhóm đang tạo dựng hệ thống khách hàng. Khi ổn định, sẽ mở một cửa hàng đầu mối cung cấp rau quả sạch chủ động phân phối ra các chợ; kết hợp với bán hàng online, nhận giao hàng cho khách có nhu cầu. Mục tiêu hướng đến người tiêu dùng không phải dùng rau quả bẩn nữa!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)