Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rau củ, thịt cá ở TP.HCM vẫn giá cao

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, giá các loại thực phẩm tại TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thực phẩm trong siêu thị ổn định, nhưng nhiều người dùng không mua được nên chấp nhận mua qua mạng giá cao hơn nhiều  /// ẢNH: M.P
Thực phẩm trong siêu thị ổn định, nhưng nhiều người dùng không mua được nên chấp nhận mua qua mạng giá cao hơn nhiều. ẢNH: M.P
Heo, gà ta, bò… giá tăng vọt
Những ngày chợ truyền thống chưa bị ngừng hoạt động, chị Ngọc (Q.7, TP.HCM) vẫn đi chợ hay cửa hàng thực phẩm nhỏ gần nhà với giá thịt heo tươi như cốt lết khoảng 130.000 đồng/kg, thịt xay 120.000 đồng/kg, nạc dăm, đùi… cũng chưa bao giờ quá 150.000 đồng/kg.
Cuối tháng 7 và những ngày đầu tháng 8, chị vẫn xếp hàng chờ vào siêu thị Lotte Mart Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) và mua được thịt heo xay giá 150.000 đồng/kg, cốt lết cũng 136.000 đồng/kg, cánh gà CP vẫn 49.000 đồng/vỉ 500 gr, cá diêu hồng làm sạch 89.000 đồng/kg, cá bạc má 139.000 đồng/kg… Hầu hết giá ở các siêu thị lớn vẫn ổn định. Nhưng đến khi Lotte Mart Nguyễn Hữu Thọ tạm ngừng hoạt động tuần qua, lượng khách hàng dồn sang siêu thị Go! (cũng ở Q.7) quá đông, nên chị không dễ chen vào siêu thị được. Sang một số cửa hàng khác cùng khu vực như Bách Hóa Xanh, Co.op Foods, Satra Food thì thường không có hàng để mua. Vì vậy, chị đành tìm mua qua mạng với giá sườn non 300.000 đồng/kg, nạc dăm 220.000 đồng/kg, nạc xay 210.000 đồng/kg… Dù giá cao hơn rất nhiều nhưng chị vẫn phải bấm bụng đặt mua.
Theo chị Ngọc, chỗ bán này bắt đầu tăng giá ba rọi rút xương từ 250.000 đồng/kg trước đó lên 280.000 đồng/kg kể từ ngày 9.7 khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Đến cuối tháng 7, người bán tiếp tục tăng giá 2 loại này lên 300.000 đồng/kg. Hay như gà ta trọng lượng 2,2 kg giá lên gần 500.000 đồng/kg, chưa kể tiền ship túi thực phẩm do khác quận phải trả là 76.000 đồng.
“Chưa bao giờ mua con gà ta lên gần 500.000 đồng, ngày thường mua gà ta cũng chỉ khoảng 150.000 – 160.000 đồng/kg thì nay đơn giá là 230.000 đồng/kg. Nhưng không mua thì lấy gì ăn? Kéo dài hoài vậy mình vẫn còn công việc có thu nhập mà còn đuối nói gì công nhân, người thu nhập thấp thật sự không chịu nổi”, chị Ngọc lo lắng.
Chưa hết, chị Hạnh (Q.10) cho biết chóng mặt nhất là mặt hàng thịt bò nóng. Cửa hàng bán thịt bò gần khu vực chị thông báo tăng giá bò 100.000 đồng/kg như thịt phi lê lên 380.000 đồng/kg, thăn bò 360.000 đồng/kg, bắp bò 300.000 đồng/kg, nạm bò 280.000 đồng/kg…
Chủ tiệm bán bò cho hay đây là loại thịt bò được vận chuyển từ miền Trung vào nên chi phí vận chuyển cũng tăng gấp đôi, đó là chưa kể lò mổ bò có lúc hoạt động có lúc ngưng nên lượng thịt về cũng bị đứt liên tục mà nhu cầu người mua lại cao. Nhiều ngày mới có một đợt thịt bò vào nên cũng không đủ hàng để trả đơn cho khách.
Hành, ớt là hàng xa xỉ
Tuần đầu tiên khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều người dân ở TP.HCM phải mua các loại rau xanh với giá cao gấp 2 – 3 lần so với trước đó. Sau 1 tháng, một số loại rau có hạ nhiệt nhưng vẫn mắc hơn gấp đôi. Riêng hành lá, ớt cao gấp 4 – 5 lần so với bình thường. Chị Thanh Hà (ngụ Q.3) đặt hàng ở một cửa hàng trên Facebook có nick C.C.C (được cho là ngụ Q.3) tối hôm trước thì sáng hôm sau đã được giao hàng, nhưng giá rất đắt. Các loại rau như cải thìa, cải ngọt, cải xanh, rau dền, mồng tơi đồng giá 40.000 đồng/kg; khổ qua 45.000 đồng/kg; đậu bắp 40.000 đồng/kg; rau muống 20.000 đồng/kg; xà lách mỡ 40.000 đồng/kg; bắp cải thảo 35.000 đồng/kg… Riêng hành lá, ớt vẫn là món hàng xa xỉ nên có giá trên trời với 80.000 đồng/kg hành lá và 100.000 đồng/kg ớt. Tính ra ký hành lá hay ký ớt đã mắc hơn cả nhiều loại cá.
Bên cạnh đó, một số loại cá, tôm giữ ổn định ở mức cao như đầu mùa dịch là cá thu giá 270.000 đồng/kg, cá bớp 280.000 đồng/kg, đầu cá thu 70.000 đồng/kg, tôm thẻ 280.000 đồng/kg, cá lóc làm sạch 140.000 đồng/kg, bạc má 150.000 đồng/kg, cá nục chuối 140.000 đồng/kg, cá cơm than 160.000 đồng/kg, cá diêu hồng làm sẵn 150.000 đồng/kg… Giá thịt gà các loại cũng ở mức cao như gà ta Bình Định nguyên con 190.000/kg, gà thả vườn nguyên con 120.000/kg, cánh gà phần giữa 120.000/kg, đùi tỏi gà 130.000/kg… Riêng trứng gà công nghiệp có giá 50.000 đồng/10 quả (cao hơn các nơi khác từ 10.000 – 15.000 đồng/10 quả)…
Đáng nói, trong khi người tiêu dùng ở TP.HCM vẫn phải ăn rau, gà với giá đắt thì ở thủ phủ rau, gia cầm người nuôi đang khổ sở vì giá rớt thảm hại. Câu chuyện một bó rau đổi 2 ký thịt gà (lông trắng) mà Bộ NN-PTNT tuần trước phải vào cuộc kết nối tiêu thụ vẫn đang thời sự cho đến lúc này.
Chờ giá giảm
Trong khi các loại rau củ, thịt cá có giá trên trời thì ngược lại, trái cây có giá khá rẻ như cóc, sơ ri giá 30.000 đồng/kg, ổi nữ hoàng từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 35.000 – 40.000 đồng/kg, chuối sứ 30.000 đồng/kg, chuối laba 20.000 – 25.000 đồng/kg, bưởi da xanh 42.000 – 45.000 đồng/kg…
Chính vì thực hiện giãn cách xã hội nên một số nhà vườn từ các tỉnh, thương lái không vào mua gom hàng dẫn đến trái cây đến vụ mà không bán được. Chị Thảo (ngụ Q.10) cho biết một số nhà vườn ở Tiền Giang trồng thanh long cực khổ mà không tiêu thụ được. Đây là loại thanh long hai da, sau khi chín lượt một, nhà vườn để lại trên cây cho chín tiếp lượt thứ hai họ mới thu hoạch. Vì vậy, để trồng được thanh long hai da sẽ mất thời gian và giá thành cao, nên ngoài thị trường hầu hết không bán loại thanh long này. Nhưng nay đến kỳ thu hoạch mà không có nơi tiêu thụ, nên chị Thảo đã gom đơn hàng những người cần mua với giá 90.000 đồng/5 kg hay 120.000 đồng/10 kg. Chỉ trong một ngày đã tiêu thụ hết 700 kg thanh long hai da. Không những thanh long, một số điểm còn giải cứu nhãn da bò Tây Ninh với giá 165.000 đồng/thùng 10 kg, mức giá này khá rẻ so với 50.000 – 60.000 đồng/kg…
Thông tin công bố ngày 4.8 của Bộ NN-PTNT cho biết sản xuất nông lâm thủy sản đã đảm bảo lương thực – thực phẩm phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn về tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với sản phẩm vào chính vụ thu hoạch tại những địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng chậm do sức mua tiêu dùng hạn chế. Đặc biệt, giá trái cây, củ quả tại một số tỉnh như Cần Thơ (dâu, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt), Khánh Hòa (xoài), Vĩnh Long (khoai lang), Long An (thanh long, chanh)… giảm mạnh do xuất khẩu gặp khó khăn, tác động và gây áp lực cho tiêu thụ trong nước.
Đáng lo ngại khi sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Riêng về rau củ quả, trong tháng 8, ước tính sản lượng ở các tỉnh phía nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500.000 tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: xoài 40.000 tấn, chuối 109.000 tấn, sầu riêng 75.000 tấn, cam 40.000 tấn, nhãn 405.000 tấn, khóm (dứa) 30.000 tấn, mít 10.000 tấn…
TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính, cho rằng để giá hàng hóa hạ nhiệt chỉ có cách duy nhất hiện nay là cho lưu thông vận chuyển giữa các tỉnh thành được dễ dàng hơn. Một số tỉnh thành hiện nay dư nguồn cung, nhưng không vận chuyển tiêu thụ được, chẳng hạn như thịt gà nơi thì phải bỏ, nơi thì giá cao vì không có hàng. Một trái bắp được vận chuyển từ Đồng Tháp lên TP.HCM bán với giá còn rẻ hơn việc vận chuyển trong nội thành chỉ vài ki lô mét là điều khó có thể chấp nhận được. Ở đây, cơ quan chính quyền cần đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho đội ngũ vận chuyển hàng trong và ngoài tỉnh để đường vận chuyển hàng hóa được lưu thông thì giá hàng mới có thể giảm được.
Theo Mai Phương – Thanh Xuân/TNO

 

Bình luận (0)