Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi họp giao ban lần 1 năm học 2016-2017 khối giáo dục chuyên nghiệp. Tại đây, đại diện nhiều trường trung cấp (TC) ngoài công lập cho biết hàng loạt học viên (HV) nghỉ học vì vướng… học phí, tuyển sinh trong những tháng cuối năm khá bi đát trước việc đổi cơ quan chủ quản…
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi họp |
HV dắt tay nhau nghỉ học
Đó là thực trạng mà đại diện Trường TC Phương Nam nêu ra tại buổi họp. “HV sau THCS đến học trường chúng tôi đã tự nhiên rút lui gần phân nửa trong năm học này. Chúng tôi đi tới tận nhà HV tìm hiểu thì gia đình cho biết trường TC hệ công lập không mất một đồng học phí nào nên cho các em nghỉ học ở trường tư để về trường công học”, bà Đào Thị Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trao đổi bên lề với phóng viên Giáo dục TP.HCM, bà Ngọc chia sẻ cụ thể hơn: “Đầu năm học, nhà trường nhận được hơn 140 hồ sơ. Thế nhưng vào học khoảng 2 tháng, HV lan truyền thông tin học trường công không mất học phí nên nhiều em rút lui, hiện còn khoảng 70 em ở lại”. Bà Ngọc phân tích tiếp: Theo quy định hiện hành, HV sau THCS học nghề ở trường công hay trường tư đều được miễn học phí. Tuy nhiên, HV các tỉnh, thành khác đến Trường TC Phương Nam học đều đã được địa phương chi trả, riêng HV ở TP.HCM thì chưa thực hiện.
Cùng nói về học phí cho HV các trường TC ngoài công lập, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM thông tin, năm nay trường tuyển được 100 em tốt nghiệp THCS vào học nhưng một số đã rơi rụng. “Hiện nay, các tỉnh khác đã hoàn tiền lại cho HV, trong khi TP.HCM các em ứng tiền học trước nhưng về quận, huyện lại chưa được giải quyết. HV học tại các trường TC công lập thì mặc nhiên không đóng học phí. Còn trường tư thục rất thiệt thòi, các em phải ứng tiền đóng học phí trước nhưng chờ mãi vẫn chưa được hoàn lại theo quy định. Từ thực tế này, các em chỉ học trường tư khi trường công không có những ngành mà HV muốn học”, ông Sáng tâm tư.
Ngoài ra, việc áp dụng mức trần học phí cũng khiến trường tư… lao đao. Bà Ngọc phân trần: “Học phí ở hệ công lập được miễn học phí 100% ngay tại trường, trong khi trường tư được áp dụng mức trần và phải đóng tiền trước, sau đó về địa phương chi trả. Nghĩa là ở trường công thu khoảng 2 triệu đồng thì trường tư thu khoảng 4 triệu đồng nhưng khi về địa phương chi trả lại theo mức trần, có thể chỉ trả bằng mức học phí trường công, nên HV phải bù thêm khoản chênh lệch”.
Về những vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng thừa nhận: “Thủ tục miễn học phí khi HV THCS tham gia học nghề vẫn chưa làm các trường tư hài lòng, các em phải lấy giấy xác nhận ở trường về phòng LĐ-TB&XH quận, huyện nhận lại tiền nên rất phiền cho HV”. Từ khó khăn này, ông Thanh cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị để việc chi trả học phí thuận lợi nhất cho HV, đồng thời những trường nào gặp khó khăn về vấn đề này cần liên hệ sớm với Sở GD-ĐT để có cách giải quyết kịp thời…
Phòng tuyển sinh “trùm mền”
Theo hướng dẫn 3841 giữa Sở GD-ĐT, Sở Tài chính và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HS-HV từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021, học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và ĐH được thực hiện mức trần học phí tương ứng từng ngành, nghề đào tạo tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP, cụ thể nếu mức học phí thực tế thấp hơn hoặc bằng mức trần quy định này thì áp dụng mức học phí thực tế; còn nếu mức học phí cao hơn hoặc bằng mức trần quy định tại nghị định này thì áp dụng mức trần quy định học phí. |
Cùng với các trường TC công lập, hệ thống trường TC ngoài công lập cũng lao đao trong công tác tuyển sinh trước những thay đổi về cơ quan chủ quản cũng như dự thảo quy chế tuyển sinh của các bộ.
“Các trường TC thường tuyển sinh 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Hiện chúng tôi đang tuyển sinh nhưng phòng tuyển sinh cứ như… trùm mền vì vắng bóng người đến đăng ký. Cùng thời điểm này năm ngoái chúng tôi nhận được hơn 100 hồ sơ thì năm nay chỉ được vài chục hồ sơ”, bà Ngọc, Trường TC Phương Nam, thông tin.
Nói về nguyên do, bà Ngọc cho rằng: “Hệ TC tuyển sinh đã khó nay lại càng khó hơn. Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức là trường của mình do cơ quan nào quản lý nên đăng ký thông tin tuyển sinh không biết ghi hệ gì. Hơn nữa, nếu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn ĐH thì điều này đúng là quá lo ngại cho các trường TC, CĐ”.
Đại diện Trường TC Bách khoa Sài Gòn cũng băn khoăn: “Đáng lẽ chúng tôi phải chủ động tuyển sinh thì giờ này chúng tôi lại bị động khi thực hiện tuyển sinh như phát tờ rơi, lên chương trình… vì chưa có hướng dẫn cụ thể nào từ các bộ, ngành từ khi Bộ GD-ĐT chuyển giao chức năng quản lý các trường TCCN về cho Bộ LĐ-TB&XH”.
Nói về việc chuyển giao cơ quan chủ quản của các trường TC, CĐ ở địa phương, ông Phạm Ngọc Thanh cho rằng để thực hiện chuyển giao ở cấp dưới là cả một quá trình, có thể kéo dài tới 1 năm vì vướng phải bộ máy quản lý, nguồn nhân sự… “Điều lệ các trường TCCN vẫn chưa thay đổi, trong khi chờ văn bản mới chúng ta phải thực hiện theo văn bản cũ nhưng không được làm trái với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Dù thay đổi như thế nào thì quan trọng nhất vẫn là công tác tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Có làm tốt công tác này thì các trường mới tồn tại được”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật – Nghiệp vụ Nam Sài Gòn đề xuất: “Nếu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn ĐH, các trường TC và CĐ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng và giải quyết đầu ra, chúng ta cần phải đề xuất những tác động khác để mùa tuyển sinh năm 2017 ổn định”.
Dương Bình
Bình luận (0)