Rau củ quả chưa đạt chuẩn VietGAP vẫn chiếm đại đa số tại các chợ truyền thống |
Được sản xuất theo quy trình, trải qua kiểm soát chặt về an toàn vệ sinh, sơ chế, đóng gói… rau quả VietGAP được đánh giá là sạch, đảm bảo an toàn bữa ăn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt hàng vẫn chưa thể chen chân vào chợ truyền thống – chiếm số đông các bà nội trợ lui tới mỗi ngày.
Người mua chưa mặn mà
Tân Định (Q.1, TP.HCM) là một trong các chợ loại 1 được lựa chọn đưa các loại rau VietGAP vào bán. Nhưng thời điểm hiện tại, mặt hàng này chỉ lác đác ở một số sạp, còn lại vẫn là rau bình thường chiếm chủ đạo. Các tiểu thương tại đây cho rằng, sức mua rau bình thường của người tiêu dùng vẫn mạnh hơn rau VietGAP gấp nhiều lần.
Bà Hai, tiểu thương bán rau lâu năm tại đây, mỗi ngày chỉ lấy khoảng chục ký cải ngọt, đậu cô ve, nấm VietGAP, còn lại là rau bình thường, ấy vậy mà vẫn ế. Nguyên nhân do rau củ quả đạt chuẩn đắt hơn gấp đôi. 1kg cải ngọt bình thường là 14 ngàn đồng, còn VietGAP gần 20 ngàn đồng. Tương tự các loại rau khác. “Người dân lâu nay vốn quen với giá bình dân, nhìn vào giá cao vút, họ rất e dè chọn mua”, bà Hai cho biết.
Theo chị Phương, tiểu thương bên cạnh thì, tâm lý người mua thấy giá đắt hơn thường ít ngó tới. Nói ngay chỉ cần giữa các sạp rau bình thường có sự chênh lệch vài giá đã khác rồi chứ chưa nói đến hàng VietGAP hơn cả một trời một vực. Một số sạp bán không những rẻ mà còn khuyến mãi hành, ngò vì khiến người mua rất chuộng.
Chị Phương khẳng định: “Nếu người tiêu dùng chịu mua thì tôi cũng lấy về bán nhưng rất ít. Lấy về ế rồi không biết bán cho ai. Tại chợ này lúc trước đã có người lấy về bán nhưng được thời gian ngắn rồi ngưng vì ế đành quay về hàng bình thường”.
Vòng quanh chợ Vườn Chuối (Q.3), Thái Bình (Q.1)… để tìm mua mặt hàng này chẳng dễ chút nào. Anh T. tiểu thương chợ Thái Bình thông tin, người có nhu cầu mua VietGAP họ vào cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Bao nhiêu năm rồi chợ này luôn lấy các mặt hàng từ các chợ đầu mối, các quận huyện ngoại thành về bán giá bình dân. Rau xanh tươi, đa dạng nên người mua luôn đông. Mặt khác, hàng bình thường không đóng bao bì với số lượng nhất định, người mua có thể chọn lựa, ít nhiều tùy ý.
Hợp tác xã, đơn vị cung ứng đều gặp khó
Tâm lý chung của người tiêu dùng luôn lo lắng trước vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng khi thị trường đưa ra hàng đạt chuẩn lại khó chấp nhận vì giá thành cao. Điều này khiến việc đưa rau VietGAP vào chợ truyền thống không đơn giản mặc dù trước đó nhiều chợ loại 1 như Bến Thành (Q.1), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Hòa Bình (Q.5)… đã được kết nối với chợ đầu mối, hợp tác xã (HTX) sản xuất đưa rau vào bán.
Tháng 12-2015, Sở Công thương TP.HCM đã chính thức công bố hệ thống 246 điểm bán hàng thực phẩm đạt chuẩn, trong đó có hàng VietGAP, tập trung các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khẳng định TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thành công bước đầu mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, mục tiêu đưa hàng chất lượng từ trang trại đến bàn ăn thông qua chợ truyền thống vẫn còn là sự nỗ lực lớn của các đơn vị chức năng. |
Ông Võ Thành Dương, Phó Chủ nhiệm kinh doanh HTX Phước An (huyện Bình Chánh) tâm tư: “Rất khó thay đổi tâm lý người mua. Thực tế người mua chưa nhìn sâu xa chất lượng hơn là giá cả. Rau VietGAP là mặt hàng được sản xuất theo quy trình, trải qua kiểm soát chặt về an toàn vệ sinh từ lúc trồng, chăm bón cho đến sơ chế, đóng gói vận chuyển. Bán ra thị trường với giá cao hơn thì đó cũng là điều hợp lý”.
Hiện mỗi ngày HTX của ông đưa 5 tấn rau sạch vào siêu thị, trường học, bếp ăn công nhân, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là con số lớn vì vẫn phải cạnh tranh gay gắt với rau bình thường bán ở chợ truyền thống, chợ lề đường.
Đứng ở góc độ nhà phân phối, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho rằng giá cao chưa hẳn là nguyên nhân khiến chợ truyền thống ế rau sạch. Bởi mặt hàng này chưa đa dạng các loại, trong khi đó nhu cầu người mua luôn đa dạng. Chưa kể, tiểu thương bán hàng VietGAP phải có tủ mát để vì rau đóng gói kín hơi nhanh bị héo, xấu thì không ai mua. Nhiều tiểu thương chợ loại 1 rất ủng hộ nhưng vì những lý do này họ đã không mua nữa. Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức từng tham gia cung cấp hàng đạt chuẩn đến các chợ truyền thống thì nay cũng bị gãy, nhường chỗ cho rau thường. Và lượng rau thường mà đơn vị này cung cấp ra thị trường mỗi ngày là 3.000 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Bà Thanh Hà chia sẻ: “Sở Công thương đã có không ít giải pháp song vẫn chưa thể tháo gỡ khó khăn. Để cung ứng rau sạch thành công đòi hỏi cả hệ thống phải có sự kết nối. Rau phải đa dạng, được cung cấp kịp thời. Tiểu thương cần được hỗ trợ phương pháp bảo quản, giữ rau tươi lâu trong quá trình bán…”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Bình luận (0)