Sơ chế trái cây trước khi xử lý bằng hơi nước nóng để xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty Good Life (TP.HCM) – Ảnh: Trần Mạnh |
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng rau quả mới chính là mặt hàng mà ngành nông nghiệp VN nên tập trung đầu tư phát triển cho xuất khẩu, bởi giá trị thương mại của thị trường này trên toàn cầu lên đến 100 tỉ USD mỗi năm.
Không đủ hàng chất lượng để xuất khẩu
Cả tuần nay ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây nhiệt đới (Châu Thành, Bến Tre) phải đội mưa vào các vườn chôm chôm để nắm bắt tình hình và chỉ đạo công nhân chăm sóc cây cho đúng kỹ thuật. Đây là vườn chôm chôm rộng hơn 15ha đạt tiêu chuẩn Global GAP, chuyên cung cấp hàng xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Anh, Mỹ. Nhờ kỹ thuật xử lý nên nông dân có thể điều khiển cho cây chôm chôm ra trái quanh năm.
Do đang vào cuối mùa chôm chôm ở VN và nhiều quốc gia khác nên giá chôm chôm tại vườn đã tăng khoảng 30% so với trước. Theo ông Hiền, “thị trường trái cây cao cấp đang còn nhiều cơ hội, không chỉ chôm chôm mà nhiều loại khác nữa. Vấn đề là phải làm theo các tiêu chuẩn quốc tế để có sản phẩm chất lượng cao”.
Tương tự, sau khi hạn chế xuất khẩu trong vài tháng đầu mùa mưa, các công ty xuất khẩu thanh long lại bắt đầu tìm nguồn hàng để đưa loại trái cây này sang Mỹ bằng đường biển với số lượng lớn.
Ông Vương Đình Khoát, giám đốc Công ty Hudo (TP.HCM), cho biết từ khoảng cuối tháng 9 đến cuối năm, khi chất lượng thanh long ổn định hơn, lượng xuất khẩu thanh long sẽ tăng nhanh, chưa kể thời gian qua các doanh nghiệp VN đã xuất trái nhãn sang Mỹ sau khi thị trường này cho phép nhập nhãn VN.
Ông Huỳnh Quang Đấu, tổng giám đốc Công ty Antesco (An Giang), cũng cho biết dù có sự biến động về tỉ giá tại các nước xuất khẩu từ đầu năm đến nay, nhưng tốc độ phát triển xuất khẩu các mặt hàng rau củ chế biến của công ty vẫn khá tốt, đạt kế hoạch đề ra là tăng 15-20% so với năm trước. Trong đó, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Thị trường 100 tỉ USD
Theo Hiệp hội Rau quả VN, ngành rau quả xuất khẩu của VN đã có sự tăng trưởng mạnh trong vòng năm năm trở lại đây. Nếu như năm 2010, giá trị xuất khẩu của ngành này mới chỉ đạt 460 triệu USD, chỉ trong chín tháng đầu năm nay con số này đã lên tới gần 1,3 tỉ USD và dự báo cả năm đạt 2 tỉ USD.
TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), cho hay VN hiện đang xuất khẩu khoảng 40 loại trái cây đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với số lượng hơn 1,6 triệu tấn. Trong đó, nhiều nhất là thanh long (hơn 997.000 tấn), dưa hấu (gần 300.000 tấn), nhãn (hơn 100.000 tấn), vải (hơn 70.000 tấn)…
Đặc biệt, từ khi mở cửa vào các thị trường khó tính vào năm 2008 đến nay, xuất khẩu trái cây cao cấp không ngừng tăng qua các năm. Nếu như năm 2014 xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính đạt trên 3.000 tấn, chỉ trong bảy tháng đầu năm 2015 đã đạt được con số này.
Các loại trái cây như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải… liên tục được mở rộng vào các thị trường cao cấp, mới đây nhất là xoài vào Nhật và dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm vú sữa, xoài vào thị trường Mỹ.
Theo ông Đạt, trái cây tươi là mặt hàng cao cấp nhất của nông sản và VN đang còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chẳng hạn, sau thanh long và chôm chôm…, trái nhãn VN cũng đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng tại thị trường này sau khi được phép xuất lô hàng đầu tiên sang Mỹ ngày 8-12-2014.
“Nhưng để phát triển thị trường xuất khẩu bền vững, Nhà nước cần có chiến lược điều hành xuất khẩu hợp lý và hỗ trợ đầu tư cho kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm các đối tác để ký hợp đồng xuất khẩu lâu dài” – ông Đạt nói.
GS Nguyễn Quốc Vọng – Đại học RMIT, Úc – cho rằng xuất khẩu rau quả của VN lẽ ra còn tăng cao hơn nữa nếu như ngành nông nghiệp VN không bị lệch trong định hướng phát triển, đó là tập trung quá nhiều vào cây lúa dù giá trị thị trường của mặt hàng này rất thấp, trong khi thị trường rau quả của thế giới lên đến hàng trăm tỉ USD.
“Nếu có chiến lược đầu tư bài bản nhằm nâng cao công nghệ và chất lượng, ngành rau quả VN sẽ là một trong những ngành xuất khẩu đem lại nhiều tỉ USD cho VN” – GS Vọng nói.
Thêm nhiều thị trường mới Theo GS Nguyễn Quốc Vọng, từ cuối năm 2015 trở đi, VN sẽ chính thức tham gia thị trường chung ASEAN, tiếp đến là thị trường liên minh Âu – Á và có thể là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây đều là những thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của VN, với điều kiện phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và giá thành hợp lý để cạnh tranh. |
TRẦN MẠNH (tranmanh@tuoitre.com.vn)
Bình luận (0)