Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hào hứng theo dõi vở kịch Rau răm ở lại. Ảnh: Đình Lộc |
Bốn suất diễn vở Rau răm ở lại tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa qua đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả là học sinh của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không phải là điều xa lạ với khán giả yêu mến sân khấu TP. Tuy nhiên, với khán giả trong độ tuổi học sinh là một thử thách khiến những người trong cuộc không khỏi lo âu trước khi đưa vào thử nghiệm. Niềm vui đến với những người dành nhiều tâm huyết cho chương trình này là sự đón nhận hào hứng, nhiệt tình của các em. Hoạt động cũng này nằm trong kế hoạch cho học sinh học ngoại khóa môn văn hàng năm của nhà trường.
Rau răm ở lại là vở diễn được chuyển thể từ truyện ngắn Cải ơi, về đâu? của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Theo thầy Trần Đình Phú, Tổ trưởng Tổ văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: “Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều nơi và quyết định chọn những vở diễn của Sân khấu Hoàng Thái Thanh cho các em học ngoại khóa. Đây là sân khấu có những vở diễn chính kịch nội dung gần gũi với đời sống thường ngày, mang nhiều thông điệp ý nghĩa, được dàn dựng nghiêm túc và diễn viên diễn xuất rất chân thật. Tất cả những điều đó đáp ứng tiêu chí chọn tác phẩm cho các em học ngoại khóa môn văn của nhà trường, nhất là trong điều kiện nghệ thuật giải trí đang có quá nhiều chương trình, vở diễn hài nhạt nhòa, ít ý nghĩa. Cho các em xem kịch ở Hoàng Thái Thanh, ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, chúng tôi cũng muốn để các em hiểu hơn một cách chuyển đổi từ ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ sân khấu. Xem một vở kịch, được “gặp” các nhân vật trong trang sách trên sân khấu, các em sẽ thấy những nhân vật trong tác phẩm văn học gần gũi hơn, các em sẽ tin hơn vào những nhân vật khác trong các tác phẩm văn học và nhờ vậy môn văn sẽ bớt xa lạ, khô khan hơn”.
Được biết, đây là năm thứ ba Tổ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tổ chức cho học sinh xem kịch ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Số lượng học sinh đăng ký mỗi năm càng tăng chứng tỏ sân khấu kịch thu hút các em. Học sinh đã tới chật khán phòng và trải lòng nhiều hơn khi đón nhận những thông điệp ý nghĩa từ những vở kịch.
Muốn cho học sinh hiểu rõ thế nào là một vở kịch nói dài hơi trong một không gian được đầu tư nghiêm túc bài bản cả về âm thanh, ánh sáng, sân khấu, đạo cụ cho đến kịch bản nội dung cũng như ý nghĩa truyền tải không phải là việc dễ dàng. Hình ảnh các em học sinh hào hứng theo dõi các suất diễn là nguồn động viên để các nghệ sĩ và những thầy cô dành nhiều tâm huyết cho hoạt động ngoại khóa này thêm tinh thần để ấp ủ và thực hiện những chương trình tiếp theo.
Thục Quyên
Bình luận (0)