Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rau xà lách nhiễm khuẩn Ecoli một phần do… tiểu thương tại chợ

Tạp Chí Giáo Dục

Khảo sát một số chợ trên địa bàn TP.HCM, tình trạng tiểu thương bày bán tạm bợ các loại rau củ dưới nền đất không che chắn, nhiều nơi còn đọng nước là một trong những nguyên nhân khiến rau nhiễm khuẩn Ecoli.

Mới đây, các quan chức y tế Mỹ và Canada cảnh báo, đợt bùng phát nhiễm khuẩn Ecoli vừa qua đã khiến 50 người bị bệnh, có 13 người nhập viện. Trong đó, xà xách romaine là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

99% rau xà lách tại chợ đều không có bao bì, nhãn mác

Tại các chợ sỉ, lẻ trên địa bàn TP.HCM, điều kiện bảo quản của tiểu thương vô tình làm cho các loại rau cải nói chung bị nhiễm khuẩn.

Khảo sát chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM), hai bên khu bán rau và hải sản là hai con rãnh chứa đầy nước tù đọng của những tiểu thương rửa rau, thịt cá. Thế nhưng, rau củ lại được tiểu thương kê hờ trên những cục gạch dưới rãnh nước, thậm chí có những bịch rau để dưới nền đất nhơ nhớp nước.

Ở các điểm kinh doanh rau cuối chợ (đường Phạm Ngũ Lão), người bán đựng rau trong sọt nhựa, sau đó đặt dưới nền đất ngoài vỉa hè, mặc cho khói bụi từ xe cộ bám vào.

Tiểu thương bày rau tạm bợ dưới đất nhơ nhớp nước

Từ đường đi vào nhà lồng chợ Vườn Chuối (đường Điện Biên Phủ, P.4, Q.3, TP.HCM) có hơn 10 sạp bán rau. Nhưng đa số rau củ đều bày trên các tấm bạt cũ sờn, nhiều điểm tù đọng nước tiểu thương chỉ kê hờ rau trên các kệ gỗ nhưng vẫn thấp, chỉ cần xe chạy ngang là nước thải sẽ bắn lên rau.

Thậm chí có những tiểu thương vừa kinh doanh rau, vừa bán thêm thịt cá. Những đôi tay trần này đã vừa làm công việc cắt thịt, cân cá chứa biết bao vi khuẩn rồi sau đó tiếp tục gây nhiễm khuẩn chéo qua rau.

Còn tại chợ Rạch Ông (Q.8, TP.HCM), các cung đường quanh chợ đều trong tình trạng nhơ nhớp nước thải của những tiểu thương bán hải sản, thịt cá đổ ra. Rau củ tại đây cũng chỉ để trên các tấm bạt mỏng trên nền đất ẩm thấp, không hề được che chắn. Thỉnh thoảng, tiểu thương lấy nước trong thùng – nước này trước đó đã dùng rửa các loại rau khác, vẩy lên cho rau tươi. Vô tình, chính nguồn nước lại mang vi khuẩn sang cho rau.

Điểm chung của các sạp bán rau củ tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đều không có bao bì, không được che chắn riêng với các loại rau, thực phẩm khác. Chính vì cách bảo quản quá sơ sài này là nguyên nhiên khiến rau bị nhiễm khuẩn cao.

Điều kiện vệ sinh kém, tỷ lệ nhiễm khuẩn cao

Bà Trần Thúy Liên – Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, thực phẩm nói chung, rau củ quả nói riêng khi về chợ đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì chợ có hẳn một đội lực lượng chức năng kiểm tra. Rau củ về chợ phải đảm bảo có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng.

Rau củ nói chung nếu nhiễm khuẩn Ecoli một phần nguyên nhân là do… tiểu thương tại chợ

Việc rau nếu có bị nhiễm khuẩn có thể do khí hậu, quá trình vận chuyển, bày bán của các tiểu thương tại các chợ lẻ. Phần lớn các chợ lẻ, nhỏ có điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, quá trình vận chuyển, bảo quản, bày bán lại không đúng cách.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trân – Phó trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương cho biết, chợ đang vận động tiểu thương tại đây chuyển sang kinh doanh rau VietGAP. Thực tế đến chợ sẽ bắt gặp không ít gian hàng bán rau VietGAP được đóng gói, có nhãn mác đầy đủ; rau được phân theo từng nhóm riêng, sắp xếp rất đẹp mắt không thua gì siêu thị.

Tuy nhiên, số lượng tiểu thương bán rau an toàn vẫn chưa nhiều. Ban quản lý chỉ có chức năng nhắc nhở, vận động, không thể can thiệp chuyện kinh doanh của tiểu thương. Nếu nhắc nhở nhiều lần mà tiểu thương vẫn không khắc phục thì báo cơ quan chức năng xuống kiểm tra và xử lý theo quy định.

Trong khi đó, BS Lê Văn Nhân – Nguyên phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, nếu trong quá trình trồng, vận chuyển, bài bán không đúng cách, rau xà lách không chỉ nhiễm khuẩn E.coli mà còn nhiễm nhiều vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn, amip, Coliforms.

Các chuyên gia ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đã lấy ngẫu nhiên 104 mẫu rau thuộc 8 loại rau thường được dùng ăn sống nhiều nhất như xà lách, xà lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, rau đắng, rau tần ô (cải cúc), rau má, rau thơm gia vị (húng, tía tô, húng quế…) từ một số chợ để nghiên cứu, làm xét nghiệm.

Kết quả, có những loại rau bị nhiễm ký sinh trùng 100% như xà lách xoong, cải bẹ xanh, rau đắng, rau tần ô, rau má. Số còn lại như xà lách, rau muống, rau gia vị cũng bị nhiễm ký sinh trùng 92,3%.

So với các loại thực phẩm khác, một khi nhiễm khuẩn xà lách dễ gây ngộ độc cho người sử dụng nhất. Bởi xà lách thường được ăn sống và không qua chế biến, khiến vi khuẩn không thể bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao giống như thịt cá. Trong khi xà lách lại là loại rau xanh phổ biến trong các thực đơn hàng ngày của người dân.

Để ngăn vi khuẩn Ecoli, nhiều bà nội trợ đã dùng nước muối để ngâm, rửa rau. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Nhân, các chuyên gia trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có cuộc nghiên cứu bằng cách đem các loại rau nhiễm khuẩn trên rửa 3 lần bằng nước sạch theo cách rửa thông thường rồi làm xét nghiệm lại. Kết quả cho thấy: sau 3 lần rửa sạch và rửa bằng nước rửa chuyên dụng, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn còn ở mức 51,9 – 82,6%.

“Cách tốt vẫn là Ban An toàn Thực phẩm TP.HCM cần phải nhanh chóng siết lại tất cả tiêu chuẩn bằng cách tiến hành rà soát toàn bộ hoạt động cấp phép ở các chợ. Sạp nào không cải thiện điều kiện vệ sinh, đảm bảo nguồn gốc thực phẩm thì xử phạt. Riêng người tiêu dùng cần phải nói không với rau củ không rõ nguồn gốc, chỉ nên lựa chọn rau cải được đóng bao bì, có nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe chính mình” – BS Lê Văn Nhân đề nghị.

Theo Lê Nhân/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)