Hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên thực chất hơn sẽ hạn chế tình trạng chọn nhầm nghề. (Ảnh: Chuyên viên tư vấn tuyển sinh đang hướng nghiệp cho học sinh tại TP.HCM)
|
Việc chọn một ngành nghề để “sống” trọn đời với nó bao giờ cũng cần cân nhắc thật kỹ. Ngay cả khi cảm thấy không phù hợp với ngành nghề đã chọn thì chúng ta cũng cần mạnh dạn… chuyển hướng.
Chịu nhiều áp lực từ gia đình, học lực… khiến không ít bạn trẻ đã miễn cưỡng chọn một ngành nghề không hề yêu thích. Tuy nhiên, việc theo đuổi nó về sau này khiến chính các em cảm thấy… căng thẳng.
Cách đây vài năm, em Nguyễn Văn Thành Sang từng theo học ngành thiết kế đồ họa của Trường Trung cấp Nghề Công nghệ Bách khoa và ai cũng nghĩ Sang sẽ vào đời bằng chính lĩnh vực này. Thế nhưng, trong những ngày theo học thiết kế đồ họa, trong Sang bắt đầu “nảy mầm” ý tưởng cho một lĩnh vực mới mẻ khác. Mê làm những clip phim ngắn, ban đầu chỉ để thử sức và thỏa chí sáng tạo, nhưng sau này em càng thấy gắn bó với lĩnh vực này.
Đam mê càng được thôi thúc hơn khi chàng học viên trẻ có dịp đem clip do mình thực hiện đi dự cuộc thi do một trường ĐH tại TP.HCM tổ chức và đoạt giải cao. Không chỉ là niềm vui được khẳng định sức trẻ hay những nỗ lực đã được công nhận, điều quan trọng hơn cả là Sang nhận ra điện ảnh mới chính là lĩnh vực mà em thực sự phù hợp và mong muốn gắn bó. Tốt nghiệp trung cấp, Sang tiếp tục khăn gói đi thi và hiện là sinh viên năm 2 ngành đạo diễn của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Từ lúc được theo đuổi ngành nghề yêu thích đến nay, Sang đã tiếp tục đoạt thêm giải nhất tại liên hoan phim “Tôi là đạo diễn” do kênh truyền hình YEAH1 TV phối hợp hãng truyền thông YUHAD TV tổ chức năm 2012 với phim ngắn Chuyện nợ duyên. Mới nhất, phim ngắn Tìm sẽ thấy của Sang cũng được đánh giá tốt, đạt điểm số khá cao (8,5) và trình chiếu tại buổi báo cáo kết thúc năm học của trường.
Sang chia sẻ: Có thể em phải đi “vòng” hoặc chậm trễ hơn trong việc nhận ra đam mê thực sự của mình; tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta dám mạnh dạn chuyển hướng nếu cảm thấy lựa chọn của mình có vấn đề. Và đặc biệt, việc tự “hướng nghiệp” cho mình bằng cách lăn vào thực tế sẽ giúp bản thân trải nghiệm, nhìn nhận, lựa chọn đúng hướng đi.
Sang còn cho rằng, việc học một ngành mình không thực sự thấy yêu thích vừa gây giảm hứng khởi, vừa thiếu động lực phấn đấu, lúc ra làm việc có thể sẽ chán nản. Trên thực tế, hiện tượng sinh viên tốt nghiệp nhưng sống “thiếu lửa” tại môi trường làm việc là khá phổ biến, thậm chí có em “gác” hẳn tấm bằng, nhảy sang một lĩnh vực nghề nghiệp khác mà bản thân cảm thấy phù hợp hơn. Nhiều em lý giải, vì suốt những năm tháng ở giảng đường, các em đã phải theo đuổi một ngành nghề mà bản thân không thực sự ưng ý. Tuy nhiên, các em vẫn phải chọn do áp lực điểm đầu vào hoặc đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ, đến khi vào thực tiễn làm việc thì không thấy yêu nghề hay ý chí phấn đấu.
Việc chuyển đổi ngành nghề là hướng đi cần được khuyến khích đối với những sinh viên không còn “lửa nghề” với con đường mình đã chọn. Tuy nhiên, một thực tế khác phải thừa nhận là không phải sinh viên nào cũng có đủ điều kiện kinh tế, sức khỏe hay khả năng để đổi hướng đi. Do vậy, công tác hướng nghiệp cho học sinh ngay từ đầu cần thực chất hơn và duy trì liên tục. Và việc hướng nghiệp còn cần được chú ý nhiều hơn nữa ngay cả khi các em đã bước vào ĐH. Nhất là trong điều kiện tại nhiều trường ĐH, CĐ ở nước ta thời gian qua, vấn đề này được thực hiện một cách khá mờ nhạt.
Bài, ảnh: Thục Trân
Chuyển đổi ngành nghề là hướng đi cần được khuyến khích đối với những sinh viên không còn “lửa nghề” với con đường mình đã chọn. |
Bình luận (0)