Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Rẽ trái sang làm nông: Về quê trồng rau sạch

Tạp Chí Giáo Dục

Đang công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai, anh Vũ Đức Sinh (33 tuổi, ngụ xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc, Đồng Nai) xin nghỉ việc về quê trồng rau sạch.
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2009, anh Vũ Đức Sinh về làm việc tại Huyện ủy H.Xuân Lộc, sau đó chuyển lên Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai, công tác đến năm 2014 rồi xin nghỉ việc để về quê trồng rau sạch. Anh Sinh nêu lý do: “Xuất thân từ con nhà nông, từ nhỏ tôi thường xuyên ra ruộng phụ bố mẹ trồng rau nên sớm nảy sinh tình yêu với thiên nhiên, với ruộng đồng. Đến năm 2012, thấy người dân quan tâm đến thực phẩm sạch nhằm bảo vệ sức khỏe làm tôi lại nhớ đến vườn rau sạch trước đây mà mình có thời gian dài gắn bó, thế là nộp đơn xin nghỉ việc”.
Anh Vũ Đức Sinh tại vườn rau sạch ở xã Xuân Phú
 /// Ảnh: Lê Lâm

Anh Vũ Đức Sinh tại vườn rau sạch ở xã Xuân Phú – Ảnh: Lê Lâm

Anh Sinh cho biết, do mê nông nghiệp từ nhỏ nên khi vừa học xong cấp 3, đã tự đi nhiều nơi để học hỏi công nghệ trồng rau sạch trong nhà lưới, nhà kính. Về nhà, anh thuyết phục gia đình đầu tư 8 chỉ vàng mua lưới về trồng thử nghiệm 3.000 m2 rau cải theo mô hình mới. Vào mùa mưa, những hộ khác bị ảnh hưởng nặng nề còn vườn rau gia đình anh có nhà lưới che chắn nên ít chịu ảnh hưởng, vì vậy đạt năng suất cao. Thấy có hiệu quả, anh mở rộng diện tích trồng rau sạch trong nhà lưới lên hơn 1 ha. Những người dân ở gần đó cũng bắt đầu tìm tới học hỏi mô hình và làm theo. Đồng thời, gia đình anh cũng vận động 11 người dân khác thành lập Hợp tác xã rau sạch Trường An để nâng giá trị sản phẩm, cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn.
Ngoài việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tích lũy được để hoàn thiện hơn cách trồng rau trong nhà lưới, nhà kính, anh tiếp tục mở rộng diện tích lên 3 ha với nhiều loại rau xanh như cải ngọt, mồng tơi, rau muống, rau dền… Có sản phẩm tốt, anh Sinh nghĩ đến việc lập ra mô hình từ nông trại đến bàn ăn để tìm kiếm những khách hàng trung thành, cung cấp cho họ những sản phẩm rau sạch đạt chất lượng. “Rau sạch trồng ra, tôi chở đến tận cơ quan nhà nước, trường học ở TP.Biên Hòa để tiếp thị cho các cán bộ, công nhân viên chức. Ngoài ra, khách hàng có nhu cầu cũng sẽ được cung cấp tận nhà. Sau khi đã có lượng khách hàng ổn định, tôi mở thêm một điểm phân phối hàng ngay tại TP.Biên Hòa”, anh Sinh tiết lộ.
Nhớ lại quãng thời gian này, anh cho biết mới đầu gặp không ít khó khăn, do thiếu kinh nghiệm bán hàng và chưa nắm bắt được nhu cầu của khách nên nhiều loại rau không bán được, để lâu bị hư, thua lỗ. Phải một năm sau, công việc kinh doanh mới bắt đầu có lời. Lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Anh Sinh cho biết hiện tại lượng khách hàng thường xuyên mua rau sạch của anh là trên 300 người.
Anh cũng vừa mới lập một trang trại trên TP.Đà Lạt, trồng các loại rau củ quả ôn đới cung cấp cho thị trường Đồng Nai. Theo anh Sinh, để thành công trong mô hình trồng rau sạch và tìm được “đầu ra” thì không nên vội vàng. “Thị trường thực phẩm sạch nói chung và rau sạch nói riêng đầy tiềm năng nhưng đừng nên hấp tấp. Trước hết hãy thử làm một người nông dân, trồng những thứ mình thích để ăn nhằm xem bản thân có thích ứng được không? Nếu cảm thấy có đam mê thì hãy bắt tay vào làm thì thành công dễ đến hơn”, anh Sinh chia sẻ.
Chỉ sau một năm thành lập, hợp tác xã đã được Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận cơ sở đạt điều kiện sản xuất rau sạch. Đến năm 2013 thì được cấp chứng nhận Vietgap.

Lê Lâm (TNO)

 

Bình luận (0)