Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Real Madrid: Chẳng có cuộc khủng hoảng nào hết

Tạp Chí Giáo Dục

Khủng hoảng phong độ”, trong bóng đá là một khái niệm không mấy xa lạ. Nhưng đánh giá thế nào là khủng hoảng phong độ lại chỉ là sự mơ hồ. Đành rằng, khủng hoảng thể hiện qua những kết quả kém cỏi kéo dài, nhưng đôi khi, nó chỉ là vỏ bọc cho một vấn đề khác mà thực chất, chẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng nào cả.

Mỗi một chuyên gia hay một nhà phân tích có quan điểm của riêng mình trong từng vấn đề, còn đối với người viết, Real Madrid đang ở trong tình thế nói trên. Tức là họ không hề khủng hoảng, mặc dù về khía cạnh nhãn quan là có thể thấy được họ… khủng hoảng thế nào.

Những gì diễn ra dưới thời Bernd Schuster được tất cả đồng thanh là khủng hoảng. Một sự thật hiển nhiên khi họ thủng lưới tới 24 bàn chỉ sau 14 trận đấu tại La Liga mùa này, thua 4 trận và bị Barcelona bỏ xa 9 điểm. Tại Champions League, dù vẫn giành vé đi tiếp vào vòng knock-out, nhưng trước khi Juande Ramos đến, toàn là những màn trình diễn nhàn nhạt, trong đó, 2 thất bại trước Juventus là điểm nhấn.

Nhưng cũng với những con người đó, khi Ramos ngồi vào chiếc ghế huấn luyện thay cho Schuster, một bộ mặt hoàn toàn khác đã được thể hiện. Ramos là Thánh hay Chúa Jesus mà có tài biến đổi bộ mặt của Real Madrid nhanh chóng đến vậy?

Khi Ramos ngồi vào chiếc ghế huấn luyện thay cho Schuster, một bộ mặt hoàn toàn khác đã được thể hiện

Ông chẳng tài phép gì. Ông chỉ là Juande Ramos. Và có quá ít thời gian để ông có thể tìm hiểu một cách cặn kẽ tài năng và khả năng của các cầu thủ để làm nên điều kỳ diệu như thế – thắng Zenit St Peterburg 3-0, với màn trình diễn tuyệt vời mà chẳng có lấy một lời chê trách nào.

Không cảm thấy có điều gì, nói một cách bi quan, là uẩn khúc ở đây sao?

Có thể khẳng định, tuy đây là trận ra mắt của Ramos, nhưng lại không phải là trận đấu của ông, mà là trận đấu của các cầu thủ. Họ dành 90 phút của trận đấu này để giải toả và để khẳng định rằng, “họ đã lật đổ đế chế Schuster thành công”.

Tin chắc rằng, trong thời gian Schuster và các cầu thủ làm việc với nhau (nếu không phải là cả 1 năm rưỡi thì cũng bắt đầu từ mùa giải này), họ sống trong sự giả dối về một mối quan hệ tốt đẹp. Nói chính xác hơn, các cầu thủ mới là những người chấp nhận hy sinh phong độ của đội bóng, chấp nhận sống giả dối chỉ để ngấm ngầm đẩy Schuster – người vẫn luôn thẳng tính và thực hiện quyết định của mình, ra khỏi sân Bernabeu, cho dù trong những phát biểu trước báo chí, họ vẫn dành lời khen ngợi và sự tin tưởng vào Schuster.

Ở đây, không khó để nhận ra việc Schuster đã tự tạo nên một hố ngăn cách giữa mình và Raul – người vẫn nổi danh với biệt danh “kẻ cầm đầu nhóm quyền lực đen ở Bernabeu”. Raul hiểu, anh có đủ thời gian để dần loại bỏ Schuster, như đã từng thành công với không ít HLV trước đây từng làm việc ở Nhà trắng.

Hãy nhìn Raul của rạng sáng qua và Raul khi Schuster còn tại vị. Nhìn Real Madrid rạng sáng qua và Real Madrid dưới thời Thiên thần tóc vàng. Sự khác biệt, nếu không nói là 100% thì cũng đạt đến mức trên con số 90.

Raul, ở tuổi 31, thi đấu một cách hăng hái và nhiệt tình như khi còn đôi mươi. Sự nhạy cảm và tinh tế trong các pha dứt điểm ghi bàn giống như lúc còn ở đỉnh cao phong độ, trong khi điều đó tuyệt nhiên không thấy khi Schuster ở đó.

Với Real Madrid, nếu như lúc HLV người Đức chưa bị sa thải, các đợt tấn công của họ đều rất phức tạp, thậm chí, các cầu thủ dường như cố tình chạy… càng xa cầu thủ cầm bóng càng tốt, trong khi nhiệm vụ phòng ngự thì giống như nhưng cầu thủ nghiệp dư.

Rạng sáng qua, khi tấn công, xung quanh cầu thủ cầm bóng luôn có 2 đến 3 đồng đội đứng gần với khoảng cách tối đa là 20m. Di chuyển và chuyền bóng một cách đơn giản như từ xưa đến nay vẫn vậy và họ tạo ra rất nhiều cơ hội. Khi phòng ngự, nhóm 2 đến 3 người luôn tạo được một thế trận bao vây đối phương ở từng khu vực. Một đội bóng khủng hoảng có thể chơi một cách kỷ luật và có tổ chức đến thế? Chưa hết, khi Ramos tiến hành những thay đổi, một số vị trí không phải sở trường cũng đều chơi tốt.

Lần đầu tiên kể từ trận thắng Sporting Gijon 7-1 ngày 24-9, Real Madrid mới có được một trận thắng cách biệt hơn 1 bàn nữa (sau 10 trận ở Liga và 5 ở Champions League). Và cũng là trận thứ năm kể từ đầu mùa họ không để thủng lưới (2 tại Liga, 3 tại Champions League).

HLV có quyền quyết định chiến thuật và nhân sự, nhưng trên thực tế, quyền lực của các cầu thủ mạnh hơn nhiều để buộc HLV phải mất ghế. Juande Ramos có lẽ cũng thấm thía điều đó khi bị Tottenham sa thải vì các cầu thủ không thi đấu hết mình. Thế nên không ngoa nếu nói rằng, việc Schuster mất việc là có sự tác động không nhỏ từ các cầu thủ, với Raul cầm đầu.

Ramos nên học cách hoà hợp với các cầu thủ đi là vừa!

Huy Anh (theo thethaovietnam)

Bình luận (0)