Trẻ có tính kiên cường sẽ chịu đựng rất tốt các áp lực từ bên ngoài xã hội tác động vào. Tuy nhiên, bản lĩnh vững vàng không phải là một phẩm chất tâm lý bẩm sinh, nếu con mình từ nhỏ chưa phải là một đứa trẻ mạnh mẽ, kiên cường, các bậc cha mẹ cũng có thể rèn cho chúng biết phải làm thế nào để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.
Trong thực tế, không ít bậc cha mẹ phàn nàn rằng: Con tôi thật là kém cỏi, yếu đuối chỉ mới gặp chút khó khăn là nản chí, buông xuôi hoặc mới đối mặt với một ít thất bại đã tỏ ra bi quan, lo lắng, không muốn phấn đấu vươn lên. Do đó, để rèn cho con tính vững vàng, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, cha mẹ hãy luôn tôn trọng và là điểm tựa tinh thần cho trẻ. Cha mẹ cần đặt mình vào vị thế của con để hiểu được những cảm xúc và suy nghĩ của con. Trước một tình huống mà con bạn khó có thể tự mình vượt qua, nếu cha mẹ hiểu được tâm tính của con, không chê bai, khích bác, mà tỏ ra thấu hiểu thông cảm và định hướng giúp trẻ giải quyết thì chúng sẽ nhanh chóng tự hoàn thiện và tính kiên cường từ đó cũng được hình thành. Chẳng hạn, trẻ đang cố gắng hết sức để sửa lại cái đồ chơi mà mình đã làm hỏng, lúc này trẻ đang ở trong trạng thái lo lắng, buồn bã. Thay vì mắng mỏ hay chê trách, bạn hãy tỏ ra thông cảm và an ủi con rằng: “Mẹ biết rằng con đang rất cố gắng để khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra, dù rất buồn nhưng con thử làm lại một lần nữa xem nhé. Nhớ rằng lần sau chơi thì phải cẩn thận hơn”. Như vậy, khi trẻ nhận được sự đồng cảm của cha mẹ thì chúng sẽ tiếp thu và tự tin hơn vào bản thân.
Hai là, cha mẹ phải biết ghi nhận những cố gắng của con. Dù là ai, nhưng khi sự cố gắng và quyết tâm của mình được ghi nhận, họ sẽ phấn đấu cố gắng làm tốt hơn nữa. Nhất là đối với một đứa trẻ, khi chúng nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc và nhận được lời động viên kịp thời. Điều đó sẽ giúp trẻ giữ gìn và phát huy những thành tích đang có.
Ba là, giúp trẻ hiểu được nguyên nhân khiến chúng thất bại. Mỗi lần gặp thất bại trẻ thường rất buồn chán, nhưng trẻ không có đủ hiểu biết để đánh giá được nguyên nhân nào mà chúng không vượt qua được. Do đó, cha mẹ nên gần gũi, lắng nghe những tâm sự của trẻ, biết được những thất bại hay những khó khăn mà trẻ đang đối mặt, từ đó cùng trẻ tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến thất bại. Bằng kinh nghiệm sống của mình, cha mẹ giúp trẻ nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ để có thể rút kinh nghiệm để lần sau tránh những sai lầm không đáng có. Đặc biệt là giúp cho trẻ nhìn nhận và đánh giá khách quan nguyên nhân thất bại, từ đó trẻ sẽ kiên cường hơn trước những thử thách của cuộc sống.
Bốn là, khuyến khích con tự hoàn thiện mình. Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con được giao lưu với bạn bè, qua đó trẻ có thể so sánh, đối chiếu với những gì bạn có để điều chỉnh bản thân cho phù hợp với các mối quan hệ.
Năm là, hãy cho con trải nghiệm. Trong các phương pháp giáo dục trẻ, nhất là phương pháp rèn tính kiên cường cho trẻ, không thể không kể đến phương pháp cha mẹ phải gương mẫu nêu gương để con noi theo. Bởi thực tế, không thể hình thành tính kiên cường cho con nếu cha mẹ chúng là người hèn nhát, hay buông xuôi, đầu voi đuôi chuột, làm gì cũng kêu ca “bàn lùi”. Do đó, nếu cha mẹ là những người kiên cường, dám đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống thì đó chính là những lời dạy bảo vô cùng giá trị đối với con.n
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học – Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)