Chương trình và sách giáo khoa ngữ văn truyền thống tiếp cận theo hướng nội dung, nên dạy viết thường coi trọng nội dung, chạy theo nội dung.
Một tiết học môn văn của học sinh THCS (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Dạy viết cần chú ý nội dung không sai, nhưng với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chưa đủ. Vì cũng như năng lực đọc, để phát triển năng lực viết cần giúp học sinh (HS) biết cách viết, cách tạo ra nội dung mới là quan trọng; còn viết nội dung gì thì tùy vào mỗi HS, cứ theo cách ấy mà viết ra. Cụ thể, muốn viết phải chuẩn bị; còn chuẩn bị những gì thì sách giáo khoa đã nêu lên và giáo viên cần giúp HS hiểu được yêu cầu ấy. Sau chuẩn bị, phải biết tìm ý và lập dàn ý. Cần phân biệt tìm ý và lập dàn ý. Đành rằng hai hoạt động này liên quan đến nhau, nhưng yêu cầu khác nhau. Theo đó, tìm ý là phát động suy nghĩ, là động não để nêu lên tất cả các ý có được về vấn đề đặt ra (có thể có ý chưa đúng, ý tản mạn, xa vấn đề…). Còn lập dàn ý là lựa chọn những ý đúng, ý phù hợp và sắp xếp các ý ấy theo một bố cục, cấu trúc nhất định. Từ những ý tìm được có thể lập ra các dàn ý khác nhau. Vì thế cần dạy cho HS cách tìm ý và cách lập một dàn ý. Sách giáo khoa làm văn cũ thường cho sẵn một dàn ý, sách giáo khoa mới dạy cách tìm ra ý. Ví dụ, cách tìm ý mà sách ngữ văn (bộ Cánh Diều) rèn cho HS là tự đặt ra và trả lời các câu hỏi. Vì sao đặt ra các câu hỏi lại là dạy cách tìm ý? Vì khi viết về một vấn đề gì đó, tức là người viết muốn người đọc biết và hiểu rõ về vấn đề ấy. Đặt ra các câu hỏi thực chất là nêu lên các khía cạnh của vấn đề mà mình thấy cần làm rõ, hoặc giả định người đọc chưa rõ để trả lời, làm sáng tỏ. Chẳng hạn, muốn kể một câu chuyện thì phải triển khai các câu hỏi như: Kể chuyện gì? Chuyện xảy ra ở đâu? Xảy ra lúc nào? Có những ai tham gia? Diễn biến sự việc ra sao? Kết quả thế nào? Người viết suy nghĩ gì về sự việc ấy?… Nếu làm bài nghị luận, ví dụ bàn về lòng tự trọng thì phải xoay quanh các câu hỏi: Thế nào là tự trọng? Các biểu hiện của lòng tự trọng? Vì sao cần có lòng tự trọng? Tự trọng khác với tự ti và kiêu ngạo ra sao? Lòng tự trọng được biểu hiện trong cuộc sống và trong văn học như thế nào?…
Dạy cho HS biết đặt ra nhiều câu hỏi có ý nghĩa xung quanh một vấn đề tức là dạy cho các em cách suy nghĩ, biết đặt ra những vấn đề cần xem xét, soi chiếu nó dưới nhiều hướng, nhiều chiều; không suy nghĩ phiến diện, sơ sài, đơn giản… Đó cũng chính là dạy cách tìm ra ý cho bài văn, dạy phương pháp viết. Còn nội dung trả lời các câu hỏi ấy như thế nào là tùy vào năng lực, trí tuệ mỗi em. Tương tự như vậy, dạy lập dàn ý là dạy các em biết cách thức lựa chọn và sắp xếp các ý trong bài viết sao cho hợp lý và làm sáng rõ vấn đề. Để rèn luyện kỹ năng lập ý, sách giáo khoa chỉ nêu các yêu cầu: Bài viết phải có ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) và nhiệm vụ của mỗi phần là gì. Từ các yêu cầu và nhiệm vụ này, sách chỉ nêu một số ý và một vài ví dụ cụ thể. Còn lại yêu cầu HS phải suy nghĩ để hoàn thành tiếp dàn ý ấy. Như thế chính là dạy cách lập dàn ý cho HS, còn nội dung cụ thể của dàn ý ấy tùy vào mỗi em. Từ dàn ý, dạy cho HS cách triển khai viết thành bài, tức dạy cách diễn đạt, trình bày. Bước này sách giáo khoa và giáo viên chỉ nêu yêu cầu viết, còn nội dung hoàn toàn để HS tự thực hiện làm ra bài văn, đoạn văn của mình. Các yêu cầu kiểm tra, chỉnh sửa bài viết thường là các yêu cầu chung nên bài viết nào cũng cần thực hiện theo yêu cầu chung ấy. Cũng cần lưu ý đây là rèn luyện cách viết cho HS, bước đầu học viết, nên cần làm đúng yêu cầu của văn chương nhà trường; nhưng không đòi hỏi cao quá. Khi đã viết thành thạo, ra đời, trưởng thành, các em sẽ biết phá cách, linh hoạt và biến hóa hơn trong khi viết.
Như thế, từ cách dạy cũ (thường cho một bài văn mẫu, giáo viên phân tích mẫu ấy, HS nhận biết và viết theo) đến yêu cầu mới có khác nhau. Cần điều chỉnh cách dạy theo hướng rèn cho HS cách làm theo quy trình để tạo ra bài văn. Và quan niệm về vật liệu mẫu được hiểu rộng hơn: Mẫu về cách tìm ý, cách lập dàn ý; mẫu về cách viết; cách kiểm tra, chỉnh sửa… Cho mẫu về nội dung dễ tạo cho HS bắt chước, chép lại. Dạy cách thức giúp HS biết phương pháp tạo ra sản phẩm, biết tự mình nghĩ ra ý, sắp xếp các ý, làm ra bài văn của mình, không chép lại người khác… Đó không chỉ dạy viết mà còn là dạy người.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)