Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Rèn chính tả cho học sinh tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Học sinh trong giờ viết chính tả ở Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1. Ảnh: H.TRIỀUBài cuối: Các biện pháp tiến hành

Các bài tập dạy học sinh chính tả là một hình thức đưa học sinh vào hoạt động thực hành và viết chính tả có ý thức. Chỉ có thông qua con đường luyện tập thực hành thì mới hình thành được năng lực viết chính tả cho học sinh một cách có hiệu quả. Để có hiệu quả thì việc luyện tập phải có mục đích, phải có nội dung và hình thức luyện tập phong phú và đa dạng.

Có một số bài tập âm vần có thể là bắt buộc đối với tất cả các đối tượng học sinh nhưng cũng có thể là bài tập lựa chọn cho học sinh theo từng vùng phương ngữ được đặt trong dấu ngoặc đơn. Đây là nội dung dạy học thể hiện rõ nhất quan điểm dạy học chính tả theo phương ngữ.

Khi hướng dẫn học sinh làm bài tập chính tả âm vần, đối với những bài tập bắt buộc tất cả các đối tượng học sinh đều phải làm, nhưng đối với những bài tập lựa chọn, giáo viên không nên quá “cứng nhắc” theo chương trình của Bộ đưa ra mà giáo viên nên căn cứ vào đặc điểm chính tả của học sinh lớp mình phụ trách để lựa chọn những bài tập sao cho phù hợp. Nếu những bài tập nào, giáo viên thấy không phù hợp với tình hình học sinh thì có thể biên soạn lại nội dung bài tập mới thay thế bài tập trong sách giáo khoa.

Ví dụ: Tuần 20 – Bài “Trên đường mòn Hồ Chí Minh” (Tiếng Việt 3)

Phần bài tập âm vần: Điền vào chỗ trống: s/x; uôc/uôt.

Đây là bài tập lựa chọn, giáo viên phải lựa chọn 1 trong 2 cặp âm vần đó để cho học sinh viết hoặc là s/x hoặc là uôc/uôt.

Đối với tiết chính tả có liền 2 bài tập lựa chọn thì giáo viên có thể chọn cho học sinh làm 1 trong 2 bài tập. Nhưng nếu trong bài tập có chỗ không phù hợp thì giáo viên có thể biên soạn lại.

Ví dụ: Tuần 23 – Bài “Nghe nhạc” (Tiếng Việt 3)

Có 2 bài tập lựa chọn, giáo viên có thể chọn cho học sinh làm bài tập 2: Điền vào chỗ trống: l hay n; uc hay ut.

Nhưng nếu học sinh không viết sai l và n thì giáo viên có thể biên soạn lại nội dung bài tập như sau:

Điền vào chỗ trống

a. ch hay tr:

– Buổi …iều; thủy …iều.

– …ong chóng; …ong suốt

b. uc hay ut:

– cây tr. .. ; chim c. ..

– ông b.... ; b.... giảng

Khi thực hiện bài tập để học sinh khỏi thấy giờ học buồn chán và tẻ nhạt. Giáo viên nên thay đổi hình thức luyện tập cho học sinh như: Tổ chức cho học sinh làm bài tập cá nhân; làm bài theo cặp hoặc theo nhóm. Bài làm có thể trình bày vào vở bài tập,vào bảng con, bảng lớp, bảng quay hoặc giấy khổ to.

Có thể, trong cùng một lớp, giáo viên giao cho học sinh này làm bài tập a, học sinh kia làm bài tập b tùy theo lỗi phát âm và lỗi chính tả của từng học sinh. Hoặc có đôi lúc, giáo viên biến bài tập thành một trò chơi để học sinh “Học mà chơi, chơi mà học”.

Ví dụ: giáo viên chuẩn bị một loạt các thẻ từ, trên đó có ghi những từ ngữ chứa cặp âm vần nào đó để học sinh làm luyện tập. Giáo viên yêu cầu học sinh chọn và phân loại những từ nào viết đúng, những từ nào viết sai. Cho học sinh thi đua giữa các nhóm, nhóm nào làm đúng, nhanh thì nhóm đó thắng.

Sau khi học sinh trình bày kết quả bài tập, thì một lần nữa giáo viên khắc sâu lại các quy tắc chính tả và các mẹo chính tả có liên quan đến bài tập.

Cuối giờ học, giáo viên cho học sinh viết lại những lỗi chính tả mà học sinh đã mắc phải đã chữa lỗi vào dưới bài chính tả học sinh đã viết. Khi soạn bài, giáo viên soạn thêm một số bài tập chính tả theo phương ngữ để học sinh luyện tập ở nhà. Giáo viên sẽ chữa các bài tập này vào tiết học sau.

Trên đây là một số kinh nghiệm tôi đã đúc kết được trong quá trình dạy học chính tả. Tùy vào hoàn cảnh giảng dạy cụ thể mà mỗi giáo viên nên tổ chức một giờ dạy theo trình tự hợp lý. Điều quan trọng là phải xuất phát từ đặc điểm ngôn ngữ của học sinh lớp mình phụ trách mà giáo viên lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học cho thích hợp. Hiệu quả của một giờ dạy chính tả không chỉ được đo bằng qui trình dạy học và kết quả chấm bài của học sinh trong một tiết học mà còn được đo bằng kết quả hình thành kỹ năng chính tả cho học sinh theo từng khu vực phương ngữ cụ thể sau quá trình dạy học.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Huỳnh Văn Đông

(Trường Tiểu học Hòa Thuận, thị trấn Chợ Lầu,
huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)