- 1 Rèn đức, luyện tài cho học sinh
Trong nhiều tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “đạo đức là gốc” của người cách mạng. Người cho rằng đức chính là một “gốc” tối quan trọng để thành người, là người cách mạng càng cần phải thể hiện rõ các đức này hơn.

Không cần diễn giải quá nhiều, tất cả chúng ta đều biết rằng sẽ không thể có người cách mạng, sẽ không thể có đạo đức người cách mạng nếu bản thân người đó từ trẻ, nhất là khi còn ngồi trên ghế nhà trường, không được giáo dục, rèn luyện có đạo đức cùng các phẩm chất khác để có thể trở thành người cách mạng thực sự.
Theo quan niệm truyền thống, người phải hội đủ cả đức lẫn tài mới gánh vác được việc lớn. Nguyễn Du viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. “Tâm” tức là tấm lòng trong sáng, nhân hậu, khoan dung, trung thực, chân chính…, là những biểu hiện của đạo đức.
Bác Hồ đã dạy: Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Như vậy, cái đức còn quan trọng hơn cái tài. Điều này đúng với mọi người, trong đó có những người bình thường, trong làm việc, sinh hoạt. Với người cách mạng, cái đức lại càng quan trọng hơn. Người ví đạo đức là gốc là nguồn: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Bởi vì muốn làm cách mạng thì trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động, với cả dân tộc mình, phải thể hiện trong các mối quan hệ xã hội hàng ngày với dân, với đồng chí, đồng nghiệp, với mọi người xung quanh.
Người nói, cán bộ, đảng viên muốn cho dân tin, dân yêu, dân phục thì không phải “viết lên trán chữ cộng sản là được quần chúng yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”. Theo Bác, mỗi người có công việc, tài năng, vị trí khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng. Trên thực tế, trong đời sống, ai có đạo đức, có tư cách thì được nể trọng, yêu quý; nhất là những người dù giàu có, giữ địa vị cao trong xã hội nhưng nếu không có đạo đức thì có thể người ta chỉ tỏ ra kính trọng trước mặt. Trong nhà trường, một giáo viên có đạo đức, tức là có tâm, sẽ được học sinh và cả phụ huynh kính trọng, quý mến, sẽ khác rất xa với người thầy mà họ cho là kém tư cách thì cùng lắm chỉ có lời đãi bôi. Hay một học sinh có tư cách tốt sẽ được bạn bè, thầy cô quý mến, yêu thương.
Theo Bác Hồ, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không lùi bước, chán nản; khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ tinh thần khiêm tốn, không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo… Ta cũng hiểu rằng, người có đạo đức sẽ luôn vững vàng trước các thử thách bởi không chỉ họ hiểu được giá trị của bản thân mà còn tin vào ở những điều tốt đẹp, tin vào những người có đạo đức khác. Đó như là một trạng thái “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, nhưng phải nhận thức đức và tài có mối quan hệ mật thiết với nhau. Có đức phải có tài, nếu không sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn có hại cho dân. Mặt khác, phải thấy trong đức có tài; tài càng lớn thì đức phải càng cao.
Trong cuộc sống, người có đức dễ được mọi người yêu mến, nên tạo được uy tín, có sức hấp dẫn với mọi người, khi cần vận động thì dễ dàng được hưởng ứng. Người có tài dễ tạo dựng được tên tuổi của mình nhưng nếu không có đức thì không tạo được sự tín nhiệm, đồng thuận của mọi người. Như vậy, nếu chỉ có đức mà không có tài thì được mọi người gần gũi, tôn trọng; nếu chỉ có tài mà không có đức thì dường như sống chỉ cho riêng mình, biết mình mà không biết người. Người có đức thì “đắc nhân tâm”, người thiếu đức thì “thất nhân tâm”. Trong trong hoạt động lãnh đạo, luôn cần những “hình mẫu” để định hướng người khác noi theo, để vận động, thuyết phục người khác cùng hoạt động vì mục đích như mình. “Hình mẫu” đó được xây dựng không gì tốt hơn là qua một tấm gương đạo đức.
Việc rèn đức, luyện tài luôn cần thiết và cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, luyện tài có thể nói là đạt được thông qua việc học tập (ở trường lớp, ở cha anh, ở bạn bè…), nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm… Còn việc rèn đức thì bên cạnh sự quản lý, kiểm soát, uốn nắn, giáo dục của người trước, người trên, của tổ chức, mỗi người cần tự mình tu dưỡng, thông qua những việc làm cụ thể, những mối quan hệ xã hội, cách suy nghĩ, cách ứng xử (mà Bác Hồ dạy là “đối với mình, với người, với việc”). Như vậy, đối với mỗi người việc tu dưỡng đạo đức cũng là cái gốc của quá trình hình thành phẩm cách, nhân cách.
Tuy nhiên, có lúc, có nơi người ta chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng cái gốc là phẩm chất đạo đức, tư cách của một con người, nhất là giới trẻ. Vẫn còn một số người chạy theo hình thức qua phục sức, ngôn ngữ, dù có trình độ học vấn cao nhưng trình độ văn hóa lại hạn chế. Đối với cá nhân, cái gốc của mình không được xây dựng tốt thì khó mà trở thành một người có ích, khó mà thuyết phục, động viên con em noi theo. Đối với xã hội, khi cái gốc không được vững chắc thì tình trạng phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống sẽ diễn ra ngày nghiêm trọng. Đó là một nguy cơ tiềm tàng mà nếu không sớm khắc phục thì dù đất nước có phát triển nhưng yếu tố bản sắc, yếu tố dân tộc sẽ ngày càng mờ nhạt. Đồng thời, chính điều đó sẽ tác động tiêu cực đến nhiều người khác, nhất là với thế hệ trẻ.
Việc rèn đức, luyện tài đối với mỗi người cần được quan tâm từ nhỏ, trong đó, thời gian còn đi học là rất quan trọng. Môi trường học đường ở các trường phổ thông là một nơi rất tuyệt vời để trẻ có thể rèn luyện đồng thời cả hai mặt này. Bởi về độ tuổi, trẻ đang trong giai đoạn hoàn thiện nhân cách nên việc tiếp thu các yếu tố mới, điều chỉnh các yếu tố chưa phù hợp, loại bỏ các yếu tố không hay trong nhận thức, thói quen, tư cách… là tương đối dễ. Do đó, nếu được giáo dục, uốn nắn kịp thời và phù hợp, có những hình mẫu tốt (nhất là từ thầy cô), có môi trường tích cực thì trẻ có những nền tảng quan trọng để hình thành phẩm cách tốt.
Chẳng hạn, ngay việc rèn cho trẻ tính kỷ luật, lòng trung thực, tinh thần trách nhiệm, thái độ tôn trọng người khác, tình yêu thương con người… qua những việc nhỏ hằng ngày đã có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành những phẩm cách tốt đẹp cho trẻ. Đó là những tiền đề quan trọng để trẻ có thể trở thành những công dân tốt, xa hơn có thể trở thành người cán bộ, công chức có tư cách, đạo đức, có đóng góp.
Đồng thời, ở môi trường mà trẻ được học tập văn hóa, được trau dồi nhiều kỹ năng thì việc tiếp cận và rèn luyện một số kỹ năng cũng rất cần thiết. Chẳng hạn, kỹ năng giao tiếp, khả năng lãnh đạo, óc tổ chức, năng lực đọc hiểu hay những kỹ năng cụ thể ở một số lĩnh vực, môn học cụ thể cũng từ nhà trường mà ra. Đó chính là nền tảng vững chắc để trẻ có thể phát triển thành một người có năng lực, thậm chí là nhân tài, không chỉ khẳng định vị trí của bản thân mà còn tham gia đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Do vậy, yêu cầu rèn đức, luyện tài trong nhà trường gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất quan trọng, cần được các trường học và đội ngũ thầy cô đặc biệt quan tâm.
Trúc Giang
Bình luận (0)