Đối với môn địa lý, bảng số liệu thống kê chính là cánh cửa thứ hai để học sinh có thêm kiến thức môn học. Tuy nhiên, cánh cửa này không phải lúc nào người học cũng chiếm lĩnh một cách dễ dàng nếu không có giáo viên bộ môn đưa ra các biện pháp rèn luyện kỹ năng thiết thực và hiệu quả.
Học sinh lớp 9/7 Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.4, TP.HCM) trong tiết học môn địa lý. Ảnh: Y.Hoa |
Nhìn vào SGK địa lý lớp 9 sẽ thấy bảng số liệu thống kê xuất hiện với một tần suất không hề nhỏ với mục đích để làm sáng tỏ về một định lượng cho những sự kiện, hiện tượng nào đó nổi bật và có ý nghĩa. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quan trọng nhất mà SGK địa lý bắt buộc phải đề cập đến.
Bảng số liệu thống kê trong SGK được trình bày dưới 2 dạng: Bảng số liệu đơn giản và bảng số liệu phức tạp. Thế nhưng, qua thực tế giảng dạy giáo viên bộ môn nhận thấy không phải bao giờ việc phân tích các bảng số liệu thống kê cũng đều được học sinh thực hiện một cách dễ dàng và trôi chảy. Dù được trình bày dưới dạng nào thì các bảng số liệu cũng đều nói lên ý nghĩa: Thể hiện quy mô các đối tượng địa lý, thể hiện cơ cấu của các đối tượng, thể hiện sự thay đổi chuyển dịch các đối tượng địa lý. Căn cứ vào cụ thể từng bảng số liệu kết hợp với việc xác định chính xác yêu cầu của bài tập để người học có phương pháp phân tích một cách hiệu quả.
Phương pháp phân tích bảng số liệu thống kê bao gồm tính tỷ trọng; tính tốc độ tăng trưởng, tốc độ gia tăng. Ngoài ra còn có một số tính toán thường gặp khác trong xử lý số liệu bảng thống kê trong SGK địa lý lớp 9. Tuy nhiên, cần lưu ý có 3 trường hợp cần xử lý số liệu từ bảng số liệu cho trước. Thứ nhất là trong đề bài yêu cầu tính toán các đối tượng địa lý. Đối với dạng bài tập này học sinh phải viết công thức tính toán trước khi lập bảng mới. Thứ hai là dạng bài tập bắt buộc phải xử lý số liệu trước khi vẽ biểu đồ. Thứ ba là dạng bài tập nhận xét bảng số liệu hoặc nhận xét biểu đồ nhưng có sự mâu thuẫn giữa số liệu tuyệt đối với số liệu tương đối.
Khi nhận xét bảng số liệu, học sinh phải nắm được mục đích làm việc với bảng, xác định nhiệm vụ nhận xét bảng về nội dung gì, cần vận dụng những kiến thức nào để giải thích? Người học đọc tên bảng để xác định nội dung của bảng, đọc đơn vị tính của các số liệu trong bảng từ đó hiểu các tiêu chí nhận xét trong bảng. Các em còn biết phát hiện mối quan hệ giữa các số liệu theo cột dọc và hàng ngang. Chú ý giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất trong bảng. Chú ý những điểm đột biến khi giá trị tăng hay giảm đột ngột. Sau đó nhận xét khái quát trước rồi mới đi sâu vào các yếu tố chi tiết, cụ thể theo trình tự từ cao đến thấp, khái quát đến cụ thể.
Việc nắm vững kỹ năng phân tích các bảng số liệu làm cho học sinh có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về các vấn đề kinh tế – xã hội thông qua phân tích các bảng số liệu, đồng thời nắm được dự báo những vấn đề phát triển của nước nhà. Đây còn là động lực kích thích niềm hứng thú của học sinh, đồng thời giúp các em hiểu rõ hơn tình hình kinh tế – xã hội đất nước để từ đó xác định vai trò, trách nhiệm người chủ đất nước trong tương lai thông qua giáo dục lòng yêu Tổ quốc, dân tộc. Đây cũng là động lực giúp các em say mê, hứng thú trong việc học tập các môn khoa học khác.
Khi nắm được kỹ năng nhận xét bảng số liệu một cách nhất quán sẽ làm cho giáo viên tự tin hơn vào chuyên môn của mình, luôn chủ động tìm tòi các phương pháp phù hợp để mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy. Điều này còn giúp thầy cô giải thích chắc chắn bản chất các vấn đề kinh tế – xã hội, tránh được cách lý giải sai lệch thậm chí thiếu tính thống nhất khi có sai sót khác về số liệu trong các SGK in khác năm. Nếu làm được điều này học sinh sẽ có khả năng phân tích bảng số liệu một cách có hệ thống trong cả 2 nhiệm vụ: làm minh chứng tường minh và sâu sắc hơn các đặc điểm địa lý kinh tế – xã hội được học. Qua đó các em có thể rút ra được một số kiến thức mới về tình hình đất nước.
Về bài học kinh nghiệm, giáo viên cần nắm rõ quy trình, quy tắc phân tích số liệu thống kê, hướng dẫn học sinh tỉ mỉ, cẩn thận. Biết cập nhật thường xuyên kiến thức đời sống xã hội trong nước và thế giới, vận dụng phù hợp để giải thích hợp lý, tránh việc giải thích sai lệch làm cho các em có cảm nhận sai về thực tế. Trong quá trình giảng dạy, để tăng hiệu quả của việc giáo dục kỹ năng, giáo viên nên chủ động trình diễn các bảng số liệu qua bảng phụ hoặc các phương tiện dạy học tích cực khác như máy chiếu projector. Nên nhớ việc tổ chức các hoạt động học tập cần phải phù hợp với nội dung bài học. Các hình thức dạy học cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong một tiết học làm cho hoạt động nhân thức của học sinh đa dạng, các em vừa được học thầy, học bạn, vừa có sự nỗ lực của bản thân.
Đối với học sinh, để giờ học có hiệu quả, phát huy tính tích cực tiếp nhận kiến thức bài học đòi hỏi công tác học tập của các em phải chủ động, chuẩn bị bài học ở nhà trước khi đến lớp, nắm được nội dung chủ yếu của bài học từ đó xâu chuỗi cũng như nhận biết được mối quan hệ giữa các kiến thức của bài học. Các em cần nắm vững các kiến thức xã hội, phải biết dùng lý luận và kiến thức lý thuyết để giải thích các hiện tượng địa lý kinh tế – xã hội…
Đào Văn Tú
(GV Trường THCS Hồng Tân,
huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh)
Bình luận (0)