Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rèn luyện kỹ năng cho SV bị… bỏ quên

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm SV thực hiện trò chơi “test” kỹ năng tại buổi tọa đàm ngày 9-12

Trên 80% sinh viên (SV) ra trường thiếu kỹ năng mềm; gần 40% SV không tìm được việc làm phù hợp, chủ yếu do yếu kỹ năng… Đây là số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam.
Cũng theo điều tra mới đây của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, sau khi tốt nghiệp có hơn 13% SV phải đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng mới; gần 40% phải kèm cặp tại nơi làm việc và trên 40% phải có thời gian để thích ứng mới quen việc.
Chất lượng “chưa đâu vào đâu”
Tại buổi tọa đàm “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho SV” do Hội SV TP.HCM tổ chức ngày 9-12, ông Quách Hải Đạt (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM) nhìn nhận: “Các chương trình đào tạo kỹ năng hiện nay khả năng áp dụng vào thực tiễn chưa cao và chưa hút nhiều SV; nội dung đào tạo còn dàn trải, chưa có sự xuyên suốt cần thiết”. Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là do chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu. Chương trình dạy còn nặng lý thuyết, thiếu thực hành… Ông Lý Trường Chiến (Giám đốc phía Nam Báo Khuyến học & Dân trí) cũng cho rằng, SV không đánh giá cao các kỹ năng như: có khả năng lãnh đạo, làm việc độc lập, biết tham gia các hoạt động xã hội… Hầu hết SV đều nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức (kỹ năng cứng) nhất là ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng máy tính. Trong khi đó, mong ước của các bạn trẻ còn thực dụng, không cụ thể; mơ hồ trong hiểu biết và thực hiện ước mơ. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý Hồn Việt) cũng đồng tình: “SV hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc dưới áp lực cao, làm việc nhóm, theo dự án… nên các bạn dễ mệt mỏi, căng thẳng, thiếu tác phong làm việc chuyên nghiệp”…
Thực tế, hiện nay Trung tâm Hỗ trợ SV, Thành đoàn chưa phối hợp linh hoạt với các trường (phòng, khoa, bộ môn, ngành) để định hướng đào tạo kỹ năng mềm dựa trên đặc điểm từng ngành. Thiếu liên kết giữa SV trường này với trường bạn để trau dồi kỹ năng. Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, hơn 80% SV tốt nghiệp các ngành chăn nuôi, thủy sản đều hướng về hoạt động thương mại – kỹ thuật do nhu cầu tuyển dụng rất lớn của các công ty sản xuất thuốc và thức ăn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, các tân cử nhân bước vào đời với vốn kiến thức dồi dào về kỹ thuật chuyên môn nhưng lại ngỡ ngàng với các hoạt động thương mại (liên quan đến kiến thức thị trường và các kỹ năng thương mại như: giao tiếp, bán hàng, thương lượng…). Nguyễn Thị Kim Khuyên (SV Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM) chia sẻ: “Thực tế nhiều bạn coi trọng việc thu nạp kiến thức mà xem nhẹ kỹ năng nên không dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Cũng có bạn muốn tham gia nhưng không thực hiện được do gia đình quản lý quá chặt”.
Rèn kỹ năng… tự phát
Từ nhu cầu thực tế, hàng loạt đơn vị đào tạo kỹ năng mềm đã nở rộ nhưng chưa tạo được nét riêng. Chương trình đào tạo, nội dung, giá thành mỗi nơi cũng khác nhau. Đặc biệt, hiện chưa có bất kỳ sự kiểm định chung nào cho các đơn vị này. Nguyễn Thị Kim Khuyên nêu ý kiến, những SV quan tâm đã bỏ tiền đến các trung tâm trang bị kỹ năng mềm. Nếu các trường đứng ra tập hợp SV, mở hoạt động đào tạo kỹ năng mềm thì sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các bạn. “Có SV tham gia tốt các khóa học kỹ năng nhưng sau khi kết thúc khóa học họ không có môi trường để tiếp tục ứng dụng những kỹ năng đó một cách liên tục, lâu dài nên nhanh chóng rơi vào quên lãng. Việc tạo được “đất” cho SV “dụng võ” một cách dài hạn sẽ nâng cao được kỹ năng ở họ” – Kim Khuyên đề xuất. Phan Nguyễn Hải (SV Khoa CNTT, Trường ĐH KHTN TP.HCM) nêu trường hợp cụ thể là với việc học theo học chế tín chỉ, thời lượng dành cho SV tự nghiên cứu trội hơn rất nhiều so với số tiết học tại lớp. Nhưng không ít SV vẫn loay hoay không biết cách tự nghiên cứu hiệu quả. Theo Hải, để việc học tập theo học chế tín chỉ được “suôn sẻ”, SV rất cần được trang bị những kỹ năng học ĐH. Lê Phước Toàn (Chủ nhiệm CLB Kỹ năng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) đề nghị việc tăng cường hoạt động các CLB đội nhóm chú trọng thực hành và tổ chức thường xuyên các cuộc thi là phương án tốt giúp SV tăng cường kỹ năng. Rất nhiều SV có ý kiến “phàn nàn” rằng, kỹ năng họ trang bị được sau các khóa học sẽ bị “trôi” mất nếu không thường xuyên được hâm nóng, ứng dụng. Về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm khuyên, trong tình trạng thiếu liên kết giữa các trường với doanh nghiệp, SV nên tự chủ động tìm đến các trung tâm hỗ trợ SV, nhà văn hóa để trau dồi kỹ năng cho mình.
M.T
“Cả nước hiện có khoảng 400.000 doanh nghiệp nhưng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu về chuyên môn và kỹ năng còn quá thấp. Chỉ 40/2.000 hồ sơ xin việc đạt yêu cầu nhà tuyển dụng. Khoảng cách giữa chất lượng thực sự của SV so với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp còn quá xa” – Ông Quách Hải Đạt (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM) bức xúc.

 

Bình luận (0)