Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rèn luyện kỹ năng đọc tác phẩm văn học

Tạp Chí Giáo Dục

Bất cứ công việc nào cũng cần có kỹ năng; đối với việc học ngữ văn cũng vậy, kỹ năng đọc vô cùng cần thiết và quan trọng trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Nhưng không phải những câu chuyện chúng ta mới đọc lần đầu lúc nào cũng dễ hiểu mà ngược lại, nhiều khi tác giả gửi gắm qua câu chuyện bằng hệ thống nhân vật, bằng những “mã hóa” của ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, tâm lý nhân vật… Nhiệm vụ của người đọc là tìm ra những “chìa khóa” để giải mã, để hiểu ý đồ sáng tạo của tác giả. Khi đọc một truyện ngắn, một bài thơ (tất nhiên có chất lượng) trên các tạp chí văn nghệ uy tín, bản thân tôi cũng phải chiêm nghiệm bằng sự từng trải, bằng kinh nghiệm sống mới hiểu được phần nào. Thí dụ, trong một bài thơ viết về người nhặt rác (phế liệu) để mưu sinh, tác giả viết: “Nhiều khi/ Rác của người này/ Máu của người kia!”. Không dễ hiểu ngay được và tôi đặt trong hoàn cảnh cuộc sống xã hội bây giờ. Hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng, thứ bỏ đi của người khá giả (rác) lại là nguồn sống của người nghèo. Câu thơ gợi cho người đọc điều gì? Xót xa, thương cảm, thấu cảm với nỗi khổ cùng cực của người nhặt rác kiếm sống hàng ngày. Một đề thi là một truyện ngắn (đoạn trích) mà học sinh chỉ tiếp nhận trong khung thời gian hạn hẹp thì làm sao cảm được, làm sao nhận biết được tác giả muốn nói điều gì? Ngay cả giáo viên dạy ngữ văn, chưa chắc đã hiểu hết được nội dung cơ bản. Điều cần thiết lúc này là chúng ta tạo thói quen, tạo phản xạ đọc và hiểu tác phẩm. Dù thể loại gì (thơ, truyện…) cũng không đến nỗi khó hiểu nhưng cũng không thể đưa ra một tác phẩm dễ hiểu quá kiểu: “Xưa thơ anh viết không người hiểu/ “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”/ Nay anh chưa viết người đã hiểu/ Sắp sáng thì nghe có tiếng gà” (Xuân Sách). Các công việc có thể theo trình tự như sau: Một, tìm những tuyển tập truyện ngắn, thơ hay, giáo viên luyện tập cho học sinh đọc, tóm tắt nội dung chính; nét nghệ thuật chính… Hai, phân công nhóm (phải là nhóm thực chất, tránh kiểu chỉ một, hai em đọc rồi ghi tên cả nhóm cho có) lần lượt trình bày cách hiểu, cách tiếp cận tác phẩm của mình. Ba, giáo viên cùng tranh luận, phản biện khi gặp những chi tiết, vấn đề còn tranh cãi, chưa thống nhất. Bốn, khuyến khích, động viên các em tự học, tự đọc, tự ghi chép cách hiểu và cùng giáo viên, bạn bè trao đổi, bàn luận. Năm, giáo viên phải làm gương siêng đọc, chủ động trò chuyện về sách, về truyện, thơ cùng học sinh; qua đó gieo vào lòng các em sự ham học, ham đọc sách.

LAM SƠN

 

Bình luận (0)