Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rèn luyện năng lực kiềm chế, làm chủ cảm xúc

Tạp Chí Giáo Dục


Theo tác gi, ngh dy hc rt khó, do đó ngưi thy phi t hc nhm trang b cho mình mt lưng kiến thc nht đnh đ hóa gii các tình hung sư phm (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

1. Năm học 2023-2024 vừa trải qua chưa đầy một tháng mà có nhiều sự việc nổi cộm xảy ra trong ngành giáo dục, được dư luận xã hội quan tâm. Đó là sự việc ở một trường THPT, cô giáo chủ nhiệm lớp đã có hành vi xúc phạm tinh thần, xâm phạm thân thể (kéo lê) một nữ sinh! Đó là vụ một nam giáo viên THPT dạy tiếng Anh mắng chửi học sinh bằng những lời lẽ thô tục… Sau đó thừa nhận mình có lỗi vì do bản thân “nóng tính” quá, không kiềm chế được! Nguyên nhân xảy ra vụ việc cũng không có gì to tát, chỉ là nữ sinh được cô giáo chủ nhiệm giao công việc đi mua bánh sinh nhật cho bạn trong lớp; không mua ở tiệm mà cô đã “hướng dẫn”, lại đi mua ở tiệm khác nên cô giận và… mất bình tĩnh, dẫn đến xảy ra vụ việc lẽ ra không nên có!

Tìm hiểu diễn biến các vụ việc, chúng ta thấy nguyên nhân chính là do giáo viên nóng nảy, không kiềm chế, làm chủ, kiểm soát được cảm xúc bản thân. Theo từ điển “Từ và ngữ Hán Việt – GS Nguyễn Lân – NXB Từ điển bách khoa, 2002”, cảm xúc là “xúc động mạnh trước một cảnh tượng hoặc một sự việc”. Bởi vì có “xúc động mạnh” nên có người không làm chủ được bản thân. Vì vậy, người ta thường nói “giận tím mặt”, giận “sôi gan” để chỉ trạng thái này. Xúc động đó đến quá bất ngờ, đột ngột trong giây lát như ánh chớp và kèm sau đó là “tiếng sét” của sự giận dữ nhằm giải tỏa áp lực cho tâm lý được thăng bằng. Có những xúc động quá mạnh, đến quá nhanh khiến nhiều người phản ứng “tự vệ” theo bản năng; bộc lộ bản chất thật của mình. Tiếp theo mọi việc sẽ tạm kết thúc nhưng hậu quả của cơn giận như người xưa nói “cả giận mất khôn” sẽ rất lớn, gây tổn thương về tâm lý lâu dài cho trẻ.

2. Cách “hóa giải” tình huống như thế nào cho có tình có lý, ổn thỏa giữa các bên? Nghề dạy học hiện nay có rất nhiều áp lực, từ gia đình đến xã hội; với phụ huynh, với học sinh, với đủ loại thành tích… đều góp phần tạo nên những áp lực lên vai người thầy! Nhưng điều quan trọng là chúng ta sẽ có những cách làm để giải tỏa, để chiến thắng bản thân trước những áp lực quanh mình. Một là: Phải hết sức bình tĩnh, “nuốt cơn giận vào trong” để có cách hành xử tốt. Trong trường hợp mua bánh sinh nhật, nếu học sinh sinh sai thì sự việc cũng đã diễn ra, không thể sửa sai ngay lập tức. Cô giáo vẫn cho lớp tổ chức sinh nhật bạn bình thường, cùng hát hò, chúc tụng, ăn bánh sinh nhật một cách vui vẻ như không có điều gì xảy ra. Sau đó vài ba ngày hoặc hơn, cô giáo gặp riêng nữ sinh mua bánh và nhẹ nhàng hỏi thăm đầu đuôi câu chuyện. Nếu em ấy sai thì cuộc gặp sẽ có tác dụng giáo dục sâu sắc, làm em sẽ nhớ mãi bài học này. Biết đâu có điều gì đó ẩn khuất phía sau mà em chưa tiện nói ra với cô? Lúc ấy, cô giáo sẽ phân tích cái sai, chỉ ra hậu quả (nếu có) và nên coi học sinh như em mình, con mình… Đó mới thực sự là “Cô giáo như mẹ hiền”, là người bạn đồng hành, chia sẻ; thực sự là người mô phạm, là người làm công tác giáo dục. Hai là: Với tình huống giáo viên nam chửi mắng học sinh thì giáo viên không nên phản ứng tức thời trước thái độ của học sinh, vì dễ dẫn tới việc giải quyết vấn đề hấp tấp, vội vàng, thiếu cân nhắc. Trái lại, cần điềm đạm, kiên nhẫn lắng nghe ý kiến trình bày từ phía học sinh để giáo viên có thời gian suy nghĩ, xử lý phù hợp môi trường sư phạm. Tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh bây giờ khác rất xa những bài học về tâm lý trên giảng đường đại học! Do đó, thầy cô hãy hòa mình vào tập thể học sinh, làm bạn với các em; biết đồng cảm, chia sẻ tâm tư, tình cảm của các em. Từ đó sẽ có một sợi dây tình cảm vô hình, thắt chặt tình thầy trò; các em sẽ coi người thầy là nơi nương tựa, là nơi tin tưởng để bộc lộ tình cảm của mình. Nếu giữa thầy và trò chưa có tiếng nói chung, chưa có sự “trùng khớp” thì nhiều khi không hiểu nhau. Hãy coi học sinh là con em, là bạn đồng hành thì mọi cảm xúc sẽ trở nên lành mạnh, không “đối đầu” nhau và xảy ra sự việc đáng tiếc. Ba là: Trong mọi tình huống với học sinh thì giáo viên không nên có tư tưởng mình luôn luôn đúng; tư tưởng “cả vú lấp miệng em”, luôn “sẵn sàng ra tay” để “ăn thua đủ” với học sinh và giành phần thắng về mình! Trong môi trường sư phạm, tình yêu thương học sinh được đặt lên trên hết. Vì vậy mới có khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Phần thắng về mình chưa thấy, đã thấy phần thua trong ứng xử sư phạm của người thầy!

3. Vai trò của nhà trường rất quan trọng. Theo đó, nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở giáo viên về tình thương yêu học sinh trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”; tạo điều kiện cho giáo viên luôn có một tâm thế thoải mái, một tinh thần dạy học trách nhiệm, nhân văn. Bên cạnh đó là một môi trường sư phạm trong sạch, thân thiện với học sinh; để “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, để mỗi thành viên luôn có ý thức gắn bó với trường, với lớp, với từng học sinh. Công đoàn cơ sở phối hợp với các tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn về cách xử lý các tình huống sư phạm. Đặt ra những tình huống giả định để cho các thành viên đưa ra cách giải quyết, cách hóa giải các tình huống hợp tình, hợp lý, mang tính giáo dục cao… Ngoài ra, nhà trường cũng tạo điều kiện cho giáo viên đọc những cuốn sách về cách xử lý các tình huống sư phạm bằng cách đặt mua, tải trên mạng internet về để thầy cô tham khảo, làm hành trang trong quãng đường dạy học. Những buổi lễ hội cũng rất cần sự gặp gỡ, trao đổi giữa thầy và trò; tạo nên một bầu không khí tin cậy lẫn nhau; sẵn sàng chia sẻ, thấu cảm để hiểu nhau hơn. Song song đó, nhà trường cũng cần liên hệ thường xuyên với ban đại diện cha mẹ học sinh để tìm hiểu những phản ánh của học sinh; vì các em không dám nói ở trường mà chỉ dám nói với phụ huynh. Nếu có phản ánh, cần tìm hiểu kỹ và xử lý ngay từ đầu, không để mâu thuẫn bị dồn nén, dẫn tới bột phát.

Nếu chúng ta chịu khó rèn luyện thì sẽ có được năng lực kiềm chế, kiểm soát được cảm xúc khi gặp những tình huống sư phạm xảy ra. Bản thân tôi lúc mới vào nghề cũng rất nóng nảy nhưng “nghề dạy nghề” nên từ từ đã sửa đổi được và trở nên chững chạc, điềm đạm hơn trong xử lý tình huống. Đơn cử, một lần đi kiểm tra các phòng học xong, đúng giờ nghỉ giải lao. Tôi đang đi dọc hành lang thì đột nhiên có một nam sinh đi ngang, thản nhiên quàng tay qua vai tôi, vừa đi vừa nói chuyện. Tôi phán đoán rất nhanh: Chắc phải có kẻ “đầu têu” nào đó, thách đố em này “mày có dám quàng tay qua vai thầy Đồng không?” và em này “xung phong” thực hiện với “phần thưởng” là một ly trà sữa! Tới căng tin, tôi đưa em đó ngồi vào ghế và trò chuyện như không hề xảy ra sự việc. Xong tôi hỏi có ai thách đố em làm vậy đúng không, thì em thú nhận rằng “có” và mong thầy tha lỗi cho em! Tuổi học sinh là vậy, rất năng động và cũng rất hiếu động, dễ bị người khác thách đố, xúi giục làm mà không nghĩ tới kết quả sau đó.

Nghề dạy học rất khó vì luôn tiếp xúc với học sinh, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, nhiều trạng thái tâm lý, không ai giống ai… Do đó, bản thân người dạy học phải tự học, tự rèn luyện nhằm trang bị cho mình một lượng kiến thức nhất định để hóa giải các tình huống đặt ra. Và điều cốt yếu nhất là phải có lòng bao dung, thương yêu học sinh thực sự, làm cho các em cảm nhận, biết được tình thương đó và sẽ đáp lại bằng tình thương của mình!

Hoài Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)