Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rèn luyện phẩm chất người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Hồ Thiệu Hùng phát biểu trong Hội nghị khoa học tại Q.Phú Nhuận. Ảnh: PNQ

Trong hoàn cảnh hay môi trường giáo dục nào, người thầy giáo cũng phải hết lòng thương yêu và có trách nhiệm với HS. Trước năm 1975 ở miền Bắc cùng với phong trào dạy tốt học tốt, tại các trường phổ thông ở đâu cũng có câu khẩu hiệu: “Tất cả vì học sinh thân yêu!”. Cho đến hôm nay lời nhắc nhở ấy vẫn còn nguyên giá trị. 

1. Tôi đã đến một trường tiểu học tại TP.HCM và từng gặp cảnh trong lúc các cháu nghỉ trưa thì cô giáo vẫn tranh thủ ngồi luyện chữ để viết đúng theo mẫu chữ cho đẹp hơn. Kết quả là những nét chữ cô viết dù trên bảng hay trên giấy tất cả đều tăm tắp tưởng như in từ máy vi tính ra. Một bất ngờ khác là khi trò chuyện với BGH nhà trường, hiệu trưởng cho biết có những GV khác viết chữ còn đẹp hơn. Sau khi được nhà trường phát động phong trào rèn chữ từ đội ngũ GV, các cháu ở lớp đầu cấp đã tiến bộ hơn nhiều trong giờ tập viết. Rõ ràng cũng vì có trách nhiệm với công việc mà các cô đã không quản ngại khó khăn và mệt nhọc bất kể thời gian nào. Điều này cho thấy, thầy cô không chỉ học trong trường sư phạm là đã đủ mà khi ra nghề vẫn tiếp tục học không nghỉ không ngừng. Đây là điều rất đáng quý ở phẩm chất của mỗi người thầy.

Trong GD đạo đức, GV phải thật sự quan tâm và theo sát từng em HS. Tại một trường TH khác, một HS bị thầy giáo chủ nhiệm mời phụ huynh lên làm việc về lỗi phun nước vào người bạn. Thế nhưng sau đó em đã phản ứng bằng cách viết bài tập làm văn chỉ có một đoạn ngắn khác hẳn những bài điểm cao trước đây. Mặc dù biết thái độ như thế là không đúng nhưng sau đó cô giáo không nặng lời la mắng mà đã tìm cách kết hợp với cha mẹ động viên em vượt qua những lỗi lầm đó. Có gần gũi, thông cảm với HS, thầy cô mới hiểu được hoàn cảnh, tính nết từng em một. Không nên có thái độ quy kết vội vàng, “chụp mũ” vô cớ  tạo nên những phản ứng ngược từ phía HS. Như vậy, thầy cô sẽ thương yêu và có thêm lòng vị tha hơn đối với các em. Thành kiến, đe nẹt hay trù dập HS là điều không thể chấp nhận đối với bất kỳ GV nào.

Nhiều người vẫn không quên câu chuyện tấm lòng một cô giáo dạy trường tiểu học ở Q.9, TP.HCM bị bệnh ung thư, có hai con nhỏ hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn tìm cách giúp đỡ các học trò nghèo qua những lần đi xin quần áo cũ về cho các em. Khi thấy ghế trong lớp học thấp hơn bàn, cô lại đi gom những miếng nệm cũ kê lên để các em ngồi học cho vừa tầm. Khi thời tiết chuyển mùa cô lấy thêm chăn đắp cho các trò của mình ấm áp hơn trong giấc ngủ trưa. Không có gì cả, các em “trả công” bằng cách đòi chụp hình với cô cho bằng được. Dù còn nhỏ tuổi nhưng các em đều cảm nhận được tình thương của cô giáo dành cho HS. Có biết bao nhiêu câu chuyện khác về tình thầy trò mà chúng ta không thể biết hết được nhưng dù ở góc độ nào cũng thể hiện trái tim nhân hậu, lòng vị tha, cách ứng xử khoa học và sư phạm của người thầy trong mọi hoàn cảnh.

Cô Nguyễn Thị Lài (GV Trường THCS Kim Đồng, Q.Gò Vấp) được các em HS của trường tặng hoa chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

2. So với các cấp học khác, những cô giáo mầm non luôn là người tận tụy với các cháu từ miếng ăn, giấc ngủ. Có thể nói thời gian ở trường của các cô nhiều hơn thời gian ở nhà. Thế nhưng có người vẫn chưa thông cảm do không hiểu hết công việc của các cô. Cứ thử so sánh nếu ở nhà chúng ta chỉ chăm một đứa con, người cháu cũng đã quá vất vả làm sao tránh được chuyện sơ suất như trẻ bị té ngã, đứt tay chảy máu… Trong lúc đó các cô phải chăm rất nhiều cháu mà mỗi trẻ tính nết cũng không giống nhau. Một số cô giáo phạm sai lầm là do còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm. Khi bị xúc phạm quá lớn thì không còn cách nào khác là bỏ nghề chứ không phải lý do từ đồng lương hay thu nhập. Đây là điều thật sự đáng buồn.

Mỗi GV phải sống nhiều cuộc đời và phải biết đặt mình trong những hoàn cảnh khác nhau. Đi dạy học, tâm lý chung thầy cô thích dạy những đứa trẻ ngoan nhưng chính những đứa trẻ chưa ngoan lại là đối tượng cần thầy cô hơn cả để có sự sẻ chia, thông cảm. Làm thầy cũng không thể tính toán so đo thiệt hơn, nhiều thầy cô vì hoàn cảnh khó khăn phải làm thêm, dạy thêm nhưng cũng có nhiều người mở lớp dạy miễn phí cho các em bất kể giàu nghèo miễn sao “kéo” các em lên được cho kịp bạn bè. Người thầy đã có nhiều cống hiến cho xã hội thì xã hội cũng phải biết tôn trọng thầy. Đừng vì một lý do nào đó dù đúng hay sai mà tỏ thái độ coi thường, thiếu tôn trọng hình ảnh đẹp về người thầy nhất là trước mắt con em mình. Cha mẹ không tôn trọng thầy cô thì con cái không những không tôn trọng cô thầy mà còn không tôn trọng cả cha mẹ vì họ cũng chính là người thầy gần gũi nhất và dạy dỗ con em mình suốt cả đời.

3. Yêu cầu của GV là phải tiến bộ cho kịp với thời đại thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ vì thế người thầy cũng tìm cách học thêm để “biết 10 dạy 1”. Không bao giờ tự thỏa mãn với những kiến thức mình đang có. Nên nhớ các em không chỉ học người thầy ở kiến thức mà còn học qua cuộc đời, cử chỉ, hành vi, thái độ và cách ửng xử của những “tấm gương sáng” trong cuộc sống. Những điều thầy dạy cho HS không bao giờ có điểm dừng mà luôn hướng các em tới những chân trời mới lạ. Trước đây khi hướng dẫn làm bài tập, tôi thường yêu cầu HS tìm tòi suy nghĩ ngoài cách giải bình thường có thể tìm thêm cách giải khác hay hơn nhanh hơn và trí tuệ hơn. Chính vì thế có lần một cựu HS lớp 9 (hệ 10 năm) là tiến sỹ khoa học giữ chức cao ở Bộ Xây dựng đã tặng tôi cuốn sách với lời đề tặng: “Kính tặng thầy – Người đã cho em ước mơ nghiên cứu khoa học”. Ban đầu tôi lấy làm lạ vì mình chỉ dạy ở trường phổ thông chứ không dạy trường đại học nhưng sau này tôi nhớ lại hồi đó em là một HS giỏi trong lớp, bài toán nào cũng làm xong trước các bạn khác. Thấy thế tôi đưa ra lời khuyên: “Em có thể tìm thêm cách giải khác được không?”. Chỉ một lời nhắc nhở như vậy mà đã ăn sâu vào ký ức của học trò vì em thấy mình có thêm cơ hội phát hiện, tìm tòi để tạo nên “xuất phát điểm” cho định hướng nghiên cứu khoa học sau này. Những phần thưởng tinh thần vô giá mà người thầy nhận được từ các em HS sẽ giúp họ thêm yêu nghề mến trẻ, gắn bó lâu dài với công việc của mình hơn.

TS. Hồ Thiệu Hùng

Bình luận (0)