Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Rèn luyện phản xạ viết bằng… viết nhật ký

Tạp Chí Giáo Dục

Mọi thành công khi làm bài, viết bài, nhất là đối với các bộ môn xã hội như ngữ văn, lịch sử… rất cần yếu tố phản xạ viết. Có nghĩa là khi gặp một đề ra, một vấn đề nêu lên thì lập tức trong đầu đã nghĩ ra hướng giải quyết; không mất nhiều thời gian nghĩ ngợi mới tìm ra. Muốn được như vậy, cần phải có niềm đam mê viết nhật ký, ghi cảm nhận của bản thân. Điều này rất cần thiết cho giáo viên và học sinh. Bởi trong các kỳ thi môn ngữ văn, tôi gặp rất nhiều trường hợp học sinh tỏ ra lúng túng, không biết phải bắt đầu từ đâu và hướng đi của bài làm như thế nào. Nguyên nhân là các em chưa có phản xạ viết hoặc phản xạ viết chưa cao.

Viết nhật ký, ghi cảm xúc không phải là lạc hậu trong thời đại 4.0 như một số người nghĩ! Trái lại, việc này giúp ích rất nhiều cho người biết viết nhật ký, ghi cảm xúc hàng ngày. Thứ nhất, giúp con người sống chậm lại, không chạy theo sự xô bồ của cuộc sống đời thường. Khi viết, chúng ta luôn động não, tức là làm cho não luôn hoạt động. Từ đó trí nhớ luôn minh mẫn, không lâm vào tình trạng “nhớ nhớ, quên quên”, lầm lẫn từ việc này qua việc khác. Thứ hai, đối với học sinh, việc viết nhật ký, ghi cảm xúc tạo cho bản thân thói quen suy nghĩ, thói quen động não trước một vấn đề mà cuộc sống cũng như trong quá trình học tập đặt ra. Mặt khác, nó giúp cho các em rèn luyện tư duy; nâng cao, bồi đắp thêm vốn sống, vốn hiểu biết và có một tâm hồn phong phú. Thứ ba, cũng đối với học sinh, khi gặp đề kiểm tra, đề thi, các em sẽ có cảm hứng và phản xạ viết nhanh hơn, hiệu quả hơn. Làm bài văn rất cần nguồn cảm xúc, cảm hứng và duy trì nguồn cảm xúc, cảm hứng đó để viết, để lòng mình rung động thì mới hay, từ đó mới rung động được trái tim người chấm, người thẩm định. Thứ tư, việc duy trì viết nhật ký, ghi cảm xúc luôn tạo cho bản thân khả năng suy luận vấn đề một cách logic, có chiều sâu và tự tìm ra, rút ra những bài học thiết thực về cuộc sống.

Viết nhật ký, ghi cảm xúc không khó nhưng hầu như ít giáo viên và học sinh làm vì ngại khó, vì ít có đam mê. Cứ viết, cứ ghi cảm nhận rồi sẽ thành thói quen tốt. “Vạn sự khởi đầu nan” và lòng đam mê sẽ giúp chúng ta thành công.

Lê Đc Đng

 

Bình luận (0)