Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Rèn ngoại ngữ khi… ở nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Nghe có vẻ vô lý, nhưng đây chính là lời khuyên của nhiều cựu du học sinh dành cho những người đang và sắp có ý định du học, bởi không phải ai đi du học cũng giỏi ngoại ngữ. Thậm chí dù có chứng chỉ IELTS, TOEFL theo tiêu chuẩn thì khả năng ngoại ngữ cũng bị thui chột nếu không chăm chỉ học hỏi, tạo môi trường ngoại ngữ cho mình.

Du học vẫn không giỏi… ngoại ngữ

Trên thực tế, không phải ai cầm được “tấm vé” đi du học cũng đều là những người giỏi ngoại ngữ. “Rất nhiều trường CĐ cộng đồng, thậm chí là nhiều trường ĐH (phần lớn là trường tư) nghe thì có vẻ tạo cơ hội du học cho tất cả mọi người khi không quá khắt khe về tiêu chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ. Nhưng trên thực tế, họ đã thiết kế các khóa học tiếng Anh dành cho những sinh viên quốc tế chưa đáp ứng đủ yêu cầu theo từng cấp độ. Và nếu không chăm chỉ học tiếng Anh, cánh cửa vào ĐH, CĐ sẽ rất xa vời. Có nhiều bạn mang tiếng sang Mỹ du học nhưng sau một thời gian “đốt” tiền cho các khóa học Pre-University đã phải bỏ cuộc, ra ngoài tìm việc làm “chui” để có tiền sinh hoạt”, Đỗ Thụy Lan Phương (sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Jame Medison, Mỹ) khẳng định.

Du học sinh cần rèn luyện chăm chỉ ngoại ngữ khi học tập ở nước ngoài. Trong ảnh là một tiết học với giáo viên bản ngữ của học sinh TP.HCM

Ngoài những người không đủ tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ mà vẫn đi du học, một bộ phận không nhỏ tưởng như đã thành thạo tiếng Anh bỗng ngày càng… kém và đuối mà nguyên nhân là do họ không tạo không gian rèn luyện ngoại ngữ cho mình. “Du học sinh Việt Nam thường có thói quen chia nhà ở chung với đồng hương, và phần lớn thời gian ở cùng nhau là… nói tiếng Việt, hoặc nói tiếng Anh bằng giọng Việt nên vốn ngoại ngữ chưa “đâu vào đâu” lại càng bị thui chột. Điều này vô tình tước đi phần lớn cơ hội để các bạn làm quen với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, một lý do khác nữa là do người Việt Nam thường có tâm lí sợ nói sai, lên lớp ngại thuyết trình, ngại trình bày ý kiến nên dần dần tự cuốn mình vào “ốc đảo” giữa lớp học. Mà khi tự chui vào “ốc đảo”, các bạn thường dành thời gian để lên internet với các trang mạng xã hội trò chuyện và cập nhật thông tin ở nhà mà quên mất rằng bên kia còn rất nhiều điều thú vị. Ngoài ra còn rất nhiều lí do khác như ngại tốn kém, bận học hành, làm thêm… khiến các du học sinh không tận dụng được môi trường ngoại ngữ xung quanh”, Lê Ngọc Chiến, cựu sinh viên Trường ĐH Umass Dartmouth (Mỹ) chia sẻ.

Đừng nghĩ mình thông thạo ngoại ngữ

Ở môi trường học tập nước ngoài, nếu ngoại ngữ chỉ “đủ xài” thì bạn sẽ không tiếp thu được hết những bài giảng của giáo sư, không thể tham gia các bài thuyết trình và bỏ lỡ nhiều cơ hội trong học tập.

Theo Vũ Quỳnh Anh, sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Brown (Mỹ), rất khó để đưa ra tiêu chuẩn về vấn đề thông thạo ngoại ngữ, nhất là khi nó không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ. “Nhiều bạn cho rằng, chỉ cần mình biết được nhiều từ, nói chuyện trôi chảy với người khác là thành thạo. Nhưng theo tôi, như vậy là chưa đủ. Ngoại ngữ chỉ được gọi là thành thạo khi người khác không còn phải sửa lỗi cho bạn (cả lúc nói lẫn trong văn phạm), khi bạn có thể nghe lỏm được bất cứ câu chuyện nào trong quán cà phê, mở rộng câu chuyện theo lối nói hài hước hay đơn giản chỉ là việc gặp nhân viên tín dụng ngân hàng, gặp bác sĩ không còn khiến bạn sợ hãi như trước. Nếu chưa đạt được những điều cơ bản này, nghĩa là tiếng Anh của bạn chỉ nằm ở mức… đủ xài mà thôi. Môi trường học tập ở nước ngoài, nếu ngoại ngữ chỉ “đủ xài” thì bạn sẽ không tiếp thu được hết những bài giảng của giáo sư, không thể tham gia các bài thuyết trình và bỏ lỡ nhiều cơ hội trong học tập. Vì vậy, càng ở nước ngoài thì càng phải chăm chỉ rèn ngoại ngữ”, Quỳnh Anh cho biết.

Bên cạnh đó, Quỳnh Anh cũng cho rằng, để việc rèn luyện ngoại ngữ được thuận lợi thì việc đầu tiên khi sang môi trường du học là không ở ghép với đồng hương vì sẽ không thử thách được bản thân. Mặt khác, hãy can đảm và ra bên ngoài kết bạn với một người mới (người mà bạn buộc phải dùng tiếng Anh diễn tả thì họ mới hiểu), từ đó bạn sẽ trở nên chăm chỉ hơn khi rèn luyện. Khi làm thêm, du học sinh nên cố gắng lựa chọn công việc nào buộc mình phải giao tiếp và cởi mở khi nói chuyện. Có như vậy, các bạn mới thoát khỏi sự tự ti để học tập tốt hơn.

Bài, ảnh: Linh Vy

 

Bình luận (0)