Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Rèn thái độ trách nhiệm từ những việc nhỏ nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Gần như ai cũng thống nhất được rằng trẻ cần được dạy tinh thần trách nhiệm từ nhỏ. Nhưng người lớn phải dạy cho trẻ những gì thì không phải ai cũng có cách nhìn giống nhau. Dù có thể có nhận thức khác nhau về nội dung dạy, nhưng chúng ta cũng nên khái quát ở một góc chung nhất là dạy trẻ trách nhiệm với mình, với người và với việc.

Qua các biểu hiện với bản thân, với công việc…, gia đình và nhà trường phải luôn quan tâm để uốn nắn tinh thần trách nhiệm cho trẻ. Có như vậy, trẻ mới thực sự sống có trách nhiệm (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Trách nhiệm với chính mình

Trách nhiệm với bản thân là điều tưởng chừng không cần phải giáo dục, định hướng hay uốn nắn nhưng thực ra lại rất quan trọng. Một người không có trách nhiệm với mình thì rất khó đòi hỏi có trách nhiệm với người khác. Trách nhiệm với bản thân trước hết là có ý thức bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín của mình trong cuộc sống. Vậy nên phải dạy trẻ biết quý trọng sinh mạng của mình, cũng như thân thể, sức khỏe… để sống có ích, đem lại niềm vui cho người khác. Một người bi quan, chán nản, hay có ý nghĩ tự hủy (tự tử hoặc bỏ mặc cuộc đời mình trôi đi đâu thì đi) chính là người không có trách nhiệm với bản thân. Do đó, trẻ cần phải được dạy tinh thần vượt khó, không đầu hàng nghịch cảnh để cuộc sống và việc làm của mình có ý nghĩa. Trẻ cũng cần được dạy tinh thần lạc quan, biết nhìn về tương lai với những điều tốt đẹp, nhất là khi gặp điều không may. Trường hợp một số trẻ có ý định hoặc đã tự tử vì bị la rầy, bị điểm kém hoặc thất tình… phần nhiều là do chưa được dạy về trách nhiệm với bản thân. Bên cạnh đó, trẻ phải quý trọng sức khỏe của mình, không tham gia vào những hoạt động thiếu lành mạnh có thể hủy hoại thể chất, tinh thần, như uống rượu, hút thuốc, sử dụng các loại chất gây nghiện, chơi game vô độ… Trẻ cũng cần biết các cách chăm sóc bản thân, từ sức khỏe đến tinh thần, từ tập luyện thể thao đến vui chơi giải trí, từ ăn uống đến các vấn đề về giới tính. Dĩ nhiên, trong yêu cầu này, nhà trường và gia đình phải phối hợp chặt chẽ.

Ngoài ra, trẻ cần phải được giáo dục những đức tính cần thiết như giữ chữ tín, tính trung thực, tinh thần dũng cảm… Đó là những phẩm chất không chỉ góp phần khẳng định bản thân mà còn tạo được niềm tin và sự quý trọng của người khác; là những tiền đề quan trọng để trẻ trưởng thành.

Trách nhiệm với người khác

Những “người khác” gần là cha mẹ, anh chị em, ông bà, họ hàng, thầy cô…, xa là láng giềng, những người xung quanh, xa nữa là cộng đồng xã hội, người trong một nước. Trách nhiệm ở đây trước hết là sự độc lập của bản thân để không thành một gánh nặng cho ai, cả về vật chất lẫn tinh thần, sau nữa là thể hiện vai trò của mình trong việc góp phần tăng cường mối gắn bó, ràng buộc cũng như sự vươn lên, niềm hạnh phúc của những người khác. Một người luôn để người thân lo lắng vì không biết tự chăm sóc bản thân thì hẳn người đó chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm với chính mình và với người thân; một người dửng dưng với những việc bức xúc, sai trái thì cũng không thể coi là người có trách nhiệm với xã hội… Một đứa trẻ không có trách nhiệm với bạn bè, với lớp học thì thật khó trở thành một công dân có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.

Trách nhiệm với công việc

Một người sẽ thể hiện bản thân qua công việc cụ thể. Một đứa trẻ cũng vậy. Xem cách trẻ làm bài phần nào biết được tinh thần trách nhiệm của trẻ, như chữ viết có rõ ràng không hay viết vội, viết tháu; bài viết có mạch lạc, khúc chiết không hay lủng củng, ai muốn đọc sao thì đọc; viết xong có đọc lại không hay dừng bút coi như là xong; đọc lại có cân nhắc sửa chữa không hay chỉ đọc như một cái máy. Nhìn đứa trẻ quét nhà ta cũng có thể đoán được tinh thần trách nhiệm, như quét có kỹ, từ tốn hay vội vã, cốt cho xong; có quét trong hóc, trong kẹt hay chỉ quét ở lối đi… Nói cách khác, trách nhiệm đi liền với sự nghiêm túc, cẩn thận, siêng năng, còn thiếu trách nhiệm gắn với sự qua quýt, cẩu thả, lười biếng.

LTS: Sau bài viết này, tòa soạn khép lại diễn đàn Sống có trách nhiệm. Chúng tôi xin cảm ơn các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo… đã tham gia trao đổi ý kiến trên diễn đàn trong thời gian qua. Mong gặp lại ở những diễn đàn sau.

Qua các công việc cụ thể, giáo viên, cha mẹ nên chú ý uốn nắn ngay để rèn thái độ trách nhiệm cho trẻ, từ những việc nhỏ nhất. Có điều chưa ổn thì sửa ngay, không nên để lâu thành thói quen thì rất khó sửa; sửa một lần chưa được thì sửa nhiều lần, không nên quá trông mong vào sự tự điều chỉnh của trẻ. Các đức tính cần rèn cho trẻ là kiên nhẫn, từ tốn, tiết kiệm, óc tổ chức, tinh thần khoa học, hợp lý. Cho nên, đôi lúc, cho trẻ chép phạt cũng là một cách rèn tinh thần trách nhiệm, vì qua những dòng phải chép đi chép lại, trẻ không chỉ nhớ lâu nội dung đó mà còn rèn trẻ tính kiên nhẫn, tính chịu đựng.

ThS. Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)