Kiên nhẫn giúp học sinh nỗ lực rất nhiều trong học tập, vì thế việc rèn đức tính này cho các em là hết sức quan trọng
|
Kiên nhẫn là khả năng chịu đựng trước những trở ngại mà không biểu hiện sự khó chịu, giận dữ một cách tiêu cực để hoàn thành công việc. Trẻ có tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ sẽ có sự nỗ lực rất nhiều cho những đam mê của mình, là cơ hội để trưởng thành hơn.
Cả thèm chóng chán
Vừa gặp mặt chúng tôi, chị Đỗ Vy (Q.3) đã than thở về Minh Tuấn (con chị): “Chẳng biết là lười biếng hay là không kiên nhẫn, cứ ngồi vào bàn học một lúc cháu lại ngáp ngắn ngáp dài. Gặp bài tập khó thì ngồi im, không chịu động não suy nghĩ. Lắm khi làm toán chưa xong thì đòi vẽ hay làm bài tập môn khác. Với tính cách này thì liệu nó sẽ làm được gì đây”. Với Minh Tuấn, để tập trung suy nghĩ hoặc bắt tay vào làm một công việc, cậu thường không có tính kiên nhẫn. Đụng vào việc dễ thì không sao nhưng nếu gặp việc khó em thường bỏ ngang giữa chừng. Từ nhỏ đến nay đã hơn 10 tuổi, em vẫn một tính ấy. Mẹ thường mua truyện cho đọc để tăng tính tư duy logic nhưng tất cả các cuốn sách, Tuấn chỉ lật giở vài trang liền bỏ ngang hoặc tìm những chi tiết hay để đọc cho nhanh xong câu chuyện.
Nhà có hai anh em, Trí Hoàng (Q.Thủ Đức) được nhiều người khen là cẩn thận, chịu khó, kiên nhẫn. Ba mẹ giao việc gì em đều làm đến nơi, đến chốn. Nhưng với anh trai – Trí Kiên – thì ngược lại hoàn toàn. Làm việc bày trước, quên sau. Ba mẹ giao cho nhiệm vụ phải dọn dẹp nhà cửa, ủi quần áo, nhưng vì cái tính ẩu nên cậu luôn làm qua loa. Bị mẹ nhắc nhở thì Kiên hay phụng phịu, hờn dỗi, giận lây sang cả Hoàng. Đến độ lên lớp cũng mang theo tính cách ấy. “Kiên bị cô giáo môn kỹ thuật mắng vốn suốt. Sản phẩm làm ra thì nhanh đấy, nhưng sơ sài, thiếu sự cẩn thận. Lắm khi gặp sản phẩm khó thì làm qua quít cho xong hoặc bỏ ngang mà chấp nhận điểm thấp. Thật không biết phải làm sao”, chị Thanh Liên (mẹ Kiên) than thở.
Có thể nói để hoàn thành bất cứ việc gì hay đúng hơn muốn vượt qua khó khăn để đạt được mục đích thì ý chí, năng lực tư duy là những nhân tố góp phần chi phối. Đơn cử như thiếu ý chí, nghị lực trẻ không có mong muốn làm những việc quá sức mình, tệ hơn là mất niềm tin vào bản thân có thể vượt qua khó khăn, theo đuổi đam mê lâu dài. Thiếu năng lực tư duy, trẻ không có khả năng suy nghĩ kỹ càng, không thấy được rằng mọi vấn đề luôn có cách giải quyết… dần dần trẻ trở nên thiếu kiên nhẫn ngay cả khi gặp vấn đề rất dễ dàng với các bạn cùng lứa. Ngoài ra thể chất cũng là yếu tố tác động khiến trẻ thiếu kiên nhẫn.
Ông Nguyễn Thành Nhân (Chuyên viên tư vấn tâm lý, Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương) cho biết: “Tình huống này thường do cha mẹ sai trẻ làm việc quá sức, quá giới hạn với trẻ. Nếu gặp phải khó khăn trẻ sẽ không làm được trong khi người giao nhiệm vụ lại nghĩ đó là vừa sức với trẻ. Ví dụ làm một khối lượng bài tập quá nhiều sẽ khiến trẻ mệt mỏi, khó hoàn thành”.
Tạo động lực cho trẻ
Một đứa trẻ có tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ sẽ có sự nỗ lực rất nhiều cho những đam mê của mình, có động lực và khả năng vượt qua mọi trở ngại gặp phải để chinh phục các mục tiêu. Hay nói cách khác, kiên nhẫn là khả năng chịu đựng trước những trở ngại mà không biểu hiện sự khó chịu, giận dữ một cách tiêu cực, đặc biệt khi đối mặt với sự khó khăn lâu dài để hoàn thành công việc. Về mặt tính cách và lối sống, trẻ dễ kết bạn, dễ hòa đồng và thường biết kiểm soát những cảm xúc cá nhân của mình. Tính cách ấy còn giúp trẻ luôn có những kinh nghiệm ứng xử khéo léo.
Ngược lại, nếu thiếu kiên nhẫn trẻ sẽ không có một đam mê nhất định nào, tâm trạng thường “cả thèm chóng chán” trước những việc người lớn giao. Vì thế hay vội vàng, làm mọi thứ một cách cẩu thả, bộp chộp, dễ dàng bỏ cuộc trước việc khó, thử thách, không có ý định hoặc tránh né giải quyết các vấn đề khó khăn gặp phải trong học tập, trong gia đình, bạn bè.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân: “Với bản tính này, trẻ không tích lũy được những kinh nghiệm mới cho riêng mình. Về lâu dài, các em không có kiến thức để áp dụng cho những vấn đề có trong cuộc sống. Vì vậy khi giải quyết các vấn đề tình cảm gia đình, bạn bè, các em dễ mất kiểm soát hành động của mình, thiếu kiềm chế, dẫn tới hay nóng nảy, bốc đồng hoặc dễ bị lệ thuộc, bị ảnh hưởng của người khác, không còn là mình nữa, từ đó dẫn đến thiếu bản lĩnh, lệ thuộc vào người xung quanh”.
Việc rèn tính kiên nhẫn cho trẻ ngay từ nhỏ là hết sức quan trọng. Ông Nhân cho rằng trước hết cha mẹ phải hiểu trẻ đang mắc phải vấn đề gì, có khó khăn gì cần giải quyết. Dành thời gian chia sẻ với trẻ về những điều đã học trong ngày cũng là một cách để nắm bắt và khuyến khích trẻ học thêm nữa. Tạo động lực cho trẻ thực hiện công việc bằng cách giao việc từ dễ đến khó. Cần chủ động tạo cho trẻ môi trường tiếp xúc với nhiều lĩnh vực có thể để trẻ chọn cho mình những ham thích ban đầu phù hợp, hướng đến xây dựng đam mê tích cực cho trẻ. Vì đam mê là yếu tố cốt lõi giúp trẻ có thể vượt qua mọi khó khăn để thỏa được mục tiêu của mình. Cùng thảo luận, phân tích những nguyên nhân thất bại và rút kinh nghiệm để trẻ làm tốt hơn, cho trẻ thấy mọi khó khăn đều có thể xoay xở, chia nhỏ ra để làm dễ dàng. Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với những câu chuyện, gương điển hình về những người kiên nhẫn và thành đạt cũng là một cách tạo cho trẻ nguồn động viên khích lệ… Ngoài ra, tập TDTT và nâng cao sức khỏe là một trong những cách dễ dàng tạo cho trẻ cảm hứng và đam mê vào những hoạt động thể chất, giúp trẻ tự tin hơn vào chính mình. Hơn nữa, tập luyện sức bền bỉ với một môn thể thao nhất định cũng chính là một trong những cách làm tăng sự kiên nhẫn của trẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Một đứa trẻ có tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ sẽ có sự nỗ lực rất nhiều cho những đam mê của mình, có động lực và khả năng vượt qua mọi trở ngại gặp phải để chinh phục các mục tiêu. |
Bình luận (0)