Những hành vi không thích ứng của học sinh ở trường học như nói leo, ngủ gật, nói chuyện riêng làm mất trật tự, vi phạm nội quy… gây ra những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống và tạo cảm giác khó chịu, áp lực cho giáo viên.
Theo tác giả, để hành vi thích ứng được lặp lại thường xuyên, giáo viên phải thể hiện sự chú ý tích cực đến hành vi này khi xuất hiện (ảnh minh họa). Ảnh: Thành Nam
Thực tế, hầu hết giáo viên đều thấy rằng giờ dạy học trên lớp và thực hiện các nhiệm vụ giáo dục khác thường bị cản trở bởi những hành vi quấy rối của học sinh. Các biện pháp quản lý hành vi hiện tại của giáo viên chủ yếu vẫn là nhắc nhở, phê bình, trách phạt…; những biện pháp này có tác dụng dập tắt ngay tức thời các hành vi không thích ứng của học sinh nhưng không giải quyết triệt để cái gốc của vấn đề nên khó mang lại hiệu quả mong muốn và lâu dài, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các em. Vì vậy, giáo viên cần giúp học sinh tăng cường thực hiện những hành vi thích ứng mong muốn, mang lại hiệu quả cao trong học tập và phát triển kỹ năng trong cuộc sống cũng như giúp giáo viên có cảm giác vui vẻ, thoải mái và hiệu quả trong công tác dạy học, quản lý học sinh. Theo đó, giáo viên phải sử dụng linh hoạt các biện pháp rèn luyện, củng cố hành vi thích ứng.
1. Tạo thói quen tốt bằng việc chú ý tích cực. Bởi chú ý tích cực là cách thể hiện sự vui vẻ, hài lòng của giáo viên đối với học sinh và sự thân thiện, nồng ấm trong mối quan hệ với học sinh khi các em thực hiện những hành vi thích ứng mà thầy cô mong đợi thông qua việc mỉm cười với các em; hướng ánh mắt và nhìn vào học sinh, sử dụng nét mặt vui tươi, hài lòng; sử dụng các cử chỉ ân cần, quan tâm học sinh như xoa đầu, vỗ vai, gật đầu… Khi giáo viên dành cho học sinh sự chú ý tích cực và củng cố vào những hành vi thích ứng như ngồi học nghiêm túc, ngay ngắn, không nói chuyện riêng. Đầu tiên, thầy cô đang giúp học sinh có được động cơ bên ngoài bằng sự chú ý. Nhưng sau đó, học sinh đã có trải nghiệm những cảm xúc, hệ quả tốt khi các em thực hiện những hành vi thích ứng, chính điều đó khiến các em tự giác muốn lựa chọn hành vi tích cực; vì thực hiện những hành vi đúng đắn khiến các em cảm thấy vui và đạt được những gì mong muốn qua các hành vi thích hợp. Vì vậy, việc giáo viên quan tâm, chú ý, nhìn vào học sinh là đã ghi nhận, củng cố những hành vi thích ứng mà thầy cô mong đợi các em làm. Càng chú ý tích cực vào hành vi nào thì hành vi đấy sẽ được lặp lại nhiều hơn.
2. Củng cố bằng lời khen, sự khích lệ. Đôi khi giáo viên nghĩ rằng học sinh không cần nhận được lời khen ngợi, khích lệ nào cho những hành vi mà các em hiển nhiên phải làm, nếu các em không làm thì sẽ có hình phạt tương ứng. Một số quan điểm khác, cho rằng lời khen ngợi, sự khích lệ làm học sinh trở nên mềm yếu và nếu khen có thể làm các em hư. Điều đó có thể đúng với một vài trường hợp của người lớn nhưng với trẻ nhỏ lại hoàn toàn khác. Học sinh rất cần nhận được lời khen ngợi, khuyến khích khi các em thực hiện hành vi thích ứng ở bất cứ độ tuổi nào. Điều này giúp các em biết mình đang hành xử đúng, biết được trong những hành vi mình thực hiện thì hành vi nào được giáo viên mong đợi và muốn thấy nhiều hơn. Khen ngợi, khích lệ cung cấp cho học sinh những thông tin quan trọng về các lựa chọn hành vi mà các em đã thực hiện. Quan trọng hơn, khen ngợi, khuyến khích chính là thầy cô đang ghi nhận, yêu quý các em. Vì vậy, học sinh cảm thấy mình thực sự có giá trị, làm tăng lòng tự trọng ở các em. Và trẻ nhỏ có lòng tự trọng cao sẽ là người có cách cư xử tốt. Khi giáo viên tập trung chú ý tích cực, khen ngợi và khích lệ vào những hành vi thích ứng của học sinh thì các em sẽ học được cách tự quản lý, giám sát hành vi của mình và cảm nhận được thành quả và niềm tự hào với các hành vi thích ứng mình đã thực hiện.
Giáo viên cần giúp học sinh tăng cường thực hiện những hành vi thích ứng mong muốn, mang lại hiệu quả cao trong học tập và phát triển kỹ năng trong cuộc sống cũng như giúp giáo viên có cảm giác vui vẻ, thoải mái và hiệu quả trong công tác dạy học, quản lý học sinh. |
3. Củng cố sự thích ứng bằng xây dựng nội quy. Thực tế, giáo viên thường mất nhiều thời gian vào việc kiểm soát các hành vi của học sinh trong lớp học như nói leo, ngắt lời, rời khỏi chỗ, nói chuyện riêng… Thường học sinh có những hành vi không thích nghi là bởi hầu hết các em chưa biết những hành vi, cách cư xử nào được giáo viên, nhà trường mong đợi. Vì vậy, việc xây dựng nội quy lớp học là rất cần thiết. Xây dựng nội quy lớp học là tạo dựng một môi trường phù hợp, có tổ chức và tích cực. Không chỉ nhằm mang lại một môi trường học tập hiệu quả mà còn tạo ra một môi trường thoải mái, thú vị cho công tác dạy học. Các quy định thích hợp, đơn giản và tích cực cùng với những kỳ vọng rõ ràng là một phần quan trọng trong việc tăng cường hành vi thích ứng ở học sinh. Khi học sinh hiểu rõ những kỳ vọng về hành vi dành cho mình, các em có xu hướng làm theo chỉ dẫn và việc lặp đi lặp lại các chỉ dẫn nhiều lần và từng bước dưới hình thức trẻ được đưa ra ý kiến dựa trên định hướng của giáo viên. Các em cảm thấy mình được tôn trọng, được hiểu và càng khắc sâu sự kỳ vọng.
4. Những điều giáo viên cần lưu ý: Đầu tiên là tập trung vào những điều tích cực. Để hành vi thích ứng được lặp lại thường xuyên, giáo viên phải thể hiện sự chú ý tích cực đến hành vi này khi xuất hiện. Điều này tạo ra được sự củng cố, ghi nhận rõ ràng, học sinh hiểu được mong đợi của thầy cô là những hành vi nào. Thứ hai, tạo ra những mong đợi rõ ràng, hợp lý và phù hợp với sự phát triển của trẻ. Ở mỗi lứa tuổi có một đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu, sở thích và hứng thú khác nhau. Vì vậy, cách thức củng cố ở mỗi lứa tuổi là khác nhau, thậm chí củng cố ở từng đối tượng học sinh, từng học sinh là khác nhau. Có em có thể ngồi ngay ngắn được 20 phút, thầy cô đã dành cho em sự khen ngợi, nhưng cũng có những em phải ngồi ngay ngắn cộng với tích cực giơ tay phát biểu thì thầy cô mới khen ngợi. Thứ ba, phải nhất quán. Tính nhất quán khi được thực hiện trong quá trình củng cố tính thích ứng cho học sinh sẽ thúc đẩy lòng tự tin, sự tôn trọng và tính công bằng giữa học sinh và giáo viên. Thứ tư, hành vi có thật, cụ thể và tức thời. Việc củng cố phải nhằm vào một hành vi cụ thể và ngay lập tức sau khi hành vi được thực hiện, từ đó có thể thể hiện một phẩm chất tốt cụ thể của học sinh. Chẳng hạn như “Cảm ơn em đã cho bạn mượn áo mưa. Em đã có một hành vi tốt, đã thể hiện tinh thần của một người biết giúp đỡ bạn”. Điều này giúp trẻ cảm nhận được sự chú ý tích cực và ghi nhận của giáo viên, trẻ biết được một cách rõ ràng về hành vi mình được mong đợi và muốn tiếp tục thực hiện tiếp hành vi đó. Thứ năm, thể hiện cảm xúc tích cực, hợp lý. Nếu củng cố mà thiếu đi cảm xúc thì không còn hiệu quả. Bao giờ củng cố cũng gắn liền với cảm xúc tích cực. Việc củng cố để lại cảm xúc tích cực trong lòng học sinh, đây là điều cực kỳ quan trọng để hình thành động cơ bên trong ở các em.
Nguyễn Lê Hoàng
Bình luận (0)