Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rộ lên tình trạng tự mua thuốc điều trị COVID-19

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua thuốc, tặng nhau các loại thuốc vì tin rằng có thể tự điều trị COVID-19 tại nhà. Bác sĩ cảnh báo không nên làm như vậy, bởi nhiều nguy cơ cho sức khỏe cũng như sẽ khiến một số loại thuốc trở nên khan hiếm.

Danh sách các loại thuốc đang được người dân truyền nhau mua vì nghĩ sẽ tự điều trị được COVID-19. Ảnh: bạn đọc cung cấp

Mua thuốc tặng nhau

Chị P.T.D., 40 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM, được chị gái gửi cho danh sách hàng loạt loại thuốc bao gồm Panadol (10 viên), Paracetamol các loại (60 viên), si-rô ho, vitamin C và kháng sinh dạng viên, dạng bột (mỗi loại mấy chục liều). Chị gái dặn chị D. phải mua để sẵn trong nhà để nếu tự test nhanh hoặc thấy có triệu chứng nghi mắc COVID-19 thì lấy thuốc đó uống. Danh sách viết tay ghi tên các loại thuốc thiết yếu để đối phó với COVID-19 nhanh chóng được chụp lại, gửi đi khắp nơi.

Không riêng chị D., mà chị Đ.T.K.M., ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM, cũng khoe trên trang mạng xã hội rằng mình đã được mẹ gửi cho cả bọc thuốc bao gồm Panadol, Paracetamol, kháng sinh các loại cho người lớn và trẻ em, C sủi đủ dùng cho gia đình cả tháng. Chị M. nhắc nhở bạn bè nên mua thuốc để dành kẻo khi mắc COVID-19 thì có mà uống.

Thấy bạn bè, người thân ai cũng mua thuốc để sẵn trong nhà, chị N.T.V., ngụ tại huyện Nhà Bè, TPHCM, cảm thấy bất an. Chị nhắn tin hỏi mọi người xin tên thuốc rồi gọi điện cho các nhà thuốc quanh khu vực mình sinh sống, mua một lúc cả thùng gồm kháng sinh, vitamin C, giảm đau hạ sốt, thuốc ho.

Chị V. chia sẻ mua nhiều để còn chia gửi cho cha mẹ, các anh chị em. Khi được hỏi sao chị biết kháng sinh đó chữa được COVID-19, chị thành thật: “Tôi có biết đâu, thấy người ta mua sao mình mua giống vậy, không tới lúc hữu sự người ta có còn mình lại thiếu thốn”.

Ngoài các loại thuốc được mách bảo, chị V. còn cẩn thận mua thêm cả men tiêu hóa vì chị nhớ lại khi con mình bị ốm, bác sĩ khám bệnh kê toa kháng sinh hay có men tiêu hóa đi kèm.

Tự dùng thuốc quá liều sẽ gây hại

Sau khi xem tên danh sách các loại thuốc đang được người dân chia sẻ, mách nhau mua để phòng hờ nếu nhiễm COVID-19 sẽ tự điều trị, bác sĩ Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm Bệnh viện Thống Nhất, cảnh báo không nên làm như vậy. Trước tiên, hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với COVID-19. Một số ca nặng sẽ có thuốc, các phương pháp hỗ trợ điều trị, nhưng phải vào bệnh viện chứ không thể mua thuốc đại trà như cách một số người đang làm.

Mọi người tự biết mình nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nhà là bằng cách test nhanh. Tuy nhiên test nhanh có tỷ lệ dương tính giả nên kết quả chưa chính xác. Muốn biết chính xác hơn thì phải dùng phương pháp PCR. Như vậy, khi vừa test nhanh thấy dương tính nhưng chưa được làm các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu hơn mà tự uống thuốc sẽ không tốt. Bất cứ thuốc nào cũng có tác dụng phụ, đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Chẳng hạn, Paracetamol chỉ uống khi bị sốt cao hơn 38,5 độ C, dùng nhiều sẽ hại gan. Vitamin C chỉ dùng khi cơ thể bị thiếu hụt, nhưng đa số người lớn khỏe mạnh bình thường rất ít khi bị thiếu vitamin C. Nếu dùng vitamin C quá liều sẽ gây kích ứng dạ dày, tiêu chảy, sỏi thận.

Kháng sinh thì không có chỉ định đối với ca bệnh do virus, trừ khi bệnh nhân bị bội nhiễm mà biểu hiện là sốt, ho có đàm. Lúc này, bệnh nhân phải được điều trị ở bệnh viện chứ không thể tự tiện dùng kháng sinh ở nhà. Chưa kể sử dụng kháng sinh bừa bãi còn gây đề kháng kháng sinh, hại gan, thận.

Nói tóm lại, người dân có thể mua từ 10 – 20 viên Paracetamol để hạ sốt trong thời gian chờ đợi đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế. Thuốc men chỉ nên chuẩn bị như tủ thuốc gia đình bình thường cho khỏi bị động nhưng tuyệt đối không nên mua, trữ kháng sinh. Vitamin C cũng chỉ cần mua mười viên là đủ. Khi nghi ngờ mình mắc COVID-19, người dân không được tùy tiện điều trị ở nhà mà phải gọi điện cho đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM để được hướng dẫn.

“Nếu chúng ta đổ xô đi mua thuốc, tích trữ thuốc sẽ khiến các mặt hàng thuốc men tăng giá, khan hiếm, gây khó khăn cho công tác điều trị bệnh”, bác sĩ Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh. 

Theo Thanh Huyền/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)