Túi xách có từ 20 – 30 năm trước và trang phục thì từ thời của mẹ, của bà giờ đây được săn lùng và bán với giá nghìn đô.
Những chiếc túi xách Louis Vuitton, Hermes, Bally… với giá hàng ngàn đôla, những chiếc áo, đầm muốn mua phải bỏ ra hàng triệu đồng… Chuyện chẳng có gì lạ nếu đó không phải là túi xách có từ 20 – 30 năm trước và trang phục thì từ thời của mẹ, của bà.
Một góc vintage shop ở Sài Gòn.
|
Không chỉ đơn thuần là những sản phẩm, đó còn là một phong cách sống quay về với những giá trị xưa cũ đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Hoàng Minh, cô gái mê thời trang vintage (vintage được dùng để gọi trang phục, phụ kiện từ các thập niên trước) giải thích, ở các nước châu Âu, Mỹ, Hong Kong, Singapore…“có khá nhiều cửa hàng đề biển retro/vintage shop – từ quen thuộc trong ngành thời trang – chỉ những gì có chất lượng cao nhưng thuộc về thời đại trước”.
Khoảng một năm gần đây, cùng với giới trẻ quốc tế, giới trẻ TP.HCM và Hà Nội cũng quan tâm đến trào lưu vintage. Họ săn tìm quần áo cũ, hiếm qua mạng eBay và qua những chuyến du lịch, công tác nước ngoài.
Các vật dụng trang trí nội thất, xe gắn máy, sách báo phim ảnh thời xưa và cả những quán ăn, quán càphê mang phong cách vintage được tìm đến nhiều hơn, không ồn ào nhưng âm ỉ, kéo dài. Và từ nhu cầu đó, nhiều địa chỉ mới ra đời, như cửa hàng quần áo Con Quạ Đen, Lam boutique, Pensee, Maron shop…
“Có lần mẹ tôi cho xem một đĩa phim mà thời trẻ bà thích do diễn viên Audrey Hepburn đóng năm 1961, từ đó tôi ưa sưu tầm những bộ phim kinh điển như vậy. Tôi tìm thấy niềm vui từ mọi thứ liên quan đến những vật dụng của các thập niên trước”, Hà Anh, 23 tuổi, chia sẻ.
Chủ shop Con Quạ Đen thì cho rằng: “Một khi đã dùng đồ vintage, bạn sẽ nghiện, ví dụ như kính mát, kính vintage toàn dùng chất liệu tốt, bền, đẹp, gọng được gia công ở Pháp, Ý, Đức, Mỹ chứ không hề có đồ Trung Quốc èo uột như hiện nay và đặc biệt không… đụng hàng”.
Ngọc Hoa một người thích chơi đồ cũ kể lại: “Có lần sang Thái Lan, tôi dành cả ngày để lang thang trong chợ trời ở Bangkok chỉ để tìm mua bằng được những đồ dùng làm vườn và đồ bếp núc với những hoa văn cổ điển của thập niên 70 mà ở Việt Nam không có”.
Không phải cứ bỏ ra nhiều tiền để mua thì mới có món đồ giá trị, “theo tôi, giá trị là vẻ đẹp của nó vẫn tồn tại qua năm tháng”, Hoa nói.
Gia Trang có suy nghĩ khác: “Khi mặc lại những chiếc áo dài hoặc áo sơmi thêu của mẹ thời mẹ còn trẻ, tôi vẫn nhận được nhiều lời khen. Những vật dụng trang trí như bình hoa, bộ ấm… cách đây mấy chục năm mà gia đình tôi còn lưu giữ vẫn phù hợp với hiện tại. Thế nên chẳng có lý do gì để vứt bỏ chúng đi”.
Theo SGTT
Bình luận (0)