Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rộ “ngân hàng đen” lãi suất cao

Tạp Chí Giáo Dục

Đây chính là những tiệm cầm đồ lãi suất cao. Gần cuối năm các tiệm cầm đồ cũng ăn nên làm ra không kém những mùa bóng đá. Hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn TP.HCM có khoảng hơn 2.000 tiệm cầm đồ có giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, còn rất nhiều tiệm cầm đồ “chui” không giấy phép mọc ra để chụp giật cầm cố với lãi suất cao ngất. Ham cầm cố lãi cao, không thế chấp, nhiều người vừa mất tài sản lại mang nợ.

  
Các tờ rơi được dán nhan nhản trên cột điện và các cửa hàng đều cam kết lãi suất thấp

Cầm đồ “1 vốn 4 lời”

Với phương thức hoạt động mới chỉ cầm cố giấy tờ không giữ phương tiện, những tưởng là thuận lợi thế nhưng khách hàng lại chịu mức lãi suất cao ngất ngưởng. Đến hạn trả nợ, lãi suất vượt mức không thể trả nợ đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ bị siết nợ.

Theo như quảng cáo của các tiệm cầm đồ cho cầm tới 80% giá trị sản phẩm. Điều này đánh trúng tâm lí số đông của người mang đồ đi cầm cố vừa có tiền mà vẫn có phương tiện để sử dụng. Thế nhưng để được như vậy thì người mang tài sản đi cầm cố phải chịu mức lãi suất một tháng từ 9-10%/ 1 triệu đồng. Cầm cà vẹt xe 1 triệu đồng thì phải trả lãi một ngày là 3.000 đồng. Như vậy, sau một tháng phải trả lãi 90.000 đồng.

Đi dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng các tiệm cầm đồ gần đây mọc lên như nấm, tấp nập người ra vào. Bên trong các tiệm cầm đồ đều kín chỗ để hàng. Sau khi hỏi thì được biết đây phần lớn là đồ siết nợ, đang đợi “con nợ” đến thanh toán hoặc chờ ngày thanh lí.

Khi đến cầm chiếc xe tại một cửa hiệu trên đường Phạm Văn Đồng với mức giá 20 triệu đồng với mức lãi suất 1,8 triệu/tháng. Khi được hỏi tại sao lãi suất cao quá vậy thì nhận được câu trả lời “đồ thì chị muốn cầm cao sao lãi suất lại muốn thấp”. Khi yêu cầu chỉ cầm 10 triệu thôi thì lãi suất vẫn không thay đổi. Cùng khi ấy, có một khách tên Hằng vào cầm chiếc xe SH với giá 150 triệu đồng với lãi suất 9% tháng thì quả là một con số khủng. Trong khi đó theo quy định của pháp luật mức lãi suất tối đa trong một tháng không thể vượt quá 1,125%. Đối chiếu theo điều này thì những tiệm cầm đồ với lãi suất “cắt cổ” đang thu lại một khoản lợi bất chính khá cao.

Tình trạng luộc phụ tùng

Tiệm cầm đồ hoạt động nhộn nhịp bất kể thời gian và không biết bao nhiêu tài sản được cầm cố trong những cửa tiệm này. Đã cầm với lãi cắt cổ những người cầm đồ nếu bị yêu cầu phải có tài sản thế chấp thì đang đối mặt với tình trạng “luộc” phụ tùng, phụ kiện, khi cầm đồ thật nhận lấy đồ dỏm. Tình trạng này xảy ra nhiều với các loại xe máy, máy tính… là hay bị luộc phụ tùng.

Không ít khách hàng sau khi chuộc đồ đạc thế chấp ra đã phản ánh tình trạng đã bị thay thế phụ tùng bằng những thứ rẻ hơn thế nhưng vì không bằng không chứng nên đành bất lực, không thể đòi bồi thường được.

Chị Nguyễn Hải Như (quận Tân Bình) cho biết, chị đã cầm chiếc xe lấy 10 triệu đồng. Nhưng họ thấy tôi nghèo nên bắt tôi phải thế chấp. Tôi đành thế chấp chiếc xe máy mới mua của mình. Sau 2 tuần tôi mang tiền tới chuộc xe về nhà, nhiều người bảo xe mới mua sao bình xăng con lại cũ một cách khác lạ so với cấu trúc mới hoàn toàn của chiếc xe. Tôi bán tín bán nghi ra cửa hàng nơi tôi mua (vì tôi còn bảo hành) nhờ kiểm tra thì phát hiện không chỉ bình xăng con mà bugi, bình điện đều đã bị thay không còn là hàng chính hãng nữa. Tất cả đều có “tuổi thọ” cao hơn tuổi thọ chiếc xe của tôi.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Công ty Luật Phước và Partner cho biết, theo quy định nếu người cho vay nặng lãi vượt quá mức quy định của pháp luật, cụ thể là từ trên 10% và có tính thường xuyên, tính chuyên nghiệp là lúc này đã tạo ra nguồn lợi bất chính rất lớn. Đối với một người mang tài sản đi cầm cố thì đây là số tiền nhỏ, thế nhưng một tiệm cầm đồ có nhiều người cầm đồ thì đây là số tiền lớn. Điều này dẫn đến người chủ tiệm cầm đồ có thể bị trách nhiệm hình sự. Trên tình hình thực tại thì những tiệm cầm đồ với mức lãi suất cao như vậy là đang vi phạm pháp luật.

Người cầm đồ tới hẹn không trả được vốn thì phải trả lãi, nếu không lãi mẹ đẻ lãi con thì khó lòng trả và bị siết tài sản không thể tránh khỏi. Chỉ sau thời hạn 4 ngày không trả tiền thì liền có người đến đòi tiền ngay. Không trả tiền thì bị siết nợ, ngược lại khi bị thay thế phụ tùng của tài sản bị cầm cố thì chỉ biết kêu trời bởi các chủ tiệm thường chối bay biến và không có bằng chứng nên không buộc bồi thường được. Cuối cùng, trong trường hợp nào thì người đi cầm cố lúc nào cũng chịu thiệt.

Với hơn 2.000 tiệm cầm đồ trên địa bàn treo bảng cầm cố và khách ra vào nhộn nhịp, lãi suất cao gấp chục lần cho phép của pháp luật. Vậy một câu hỏi đặt ra là có hay không sự buông lỏng quản lí của cơ quan chức năng hay tiếp tay cho những tiệm cầm đồ theo kiểu “ngân hàng đen” này ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp.

Mức lãi suất cao ngất ngưởng, thế nhưng túng tiền nhiều người đã cắn răng chịu mức lãi suất này. Cuối cùng người hưởng lợi vẫn chính là những chủ tiệm cầm đồ. Không chỉ dừng lại ở đấy nhiều tiệm cầm đồ còn mọc lên theo kiểu thời vụ, chụp giật để hốt bạc vào những dịp bóng đá, cuối năm khi rất nhiều người cần tiền. Phải chăng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trái pháp luật này.

Bài, ảnh: Phạm Quyên

Bình luận (0)