Nhiều người dân khi đi khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông khá bất ngờ khi trong sảnh tiếp đón của bệnh viện xuất hiện một robot biết nói tiếng người, mang hình dáng giống một nữ y tá.
Từ một bệnh viện cũ kỹ, lạc hậu ít người “nhớ mặt biết tên,” chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, Bệnh viện Quân dân y miền Đông trở thành điểm sáng của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người bệnh, tự tin trên hành trình hướng đến y tế thông minh.
Sự chuyển mình mạnh mẽ này mang đậm dấu ấn của những chiến sỹ quân y trong thời bình.
Chuyển mình nhờ công nghệ
Thời gian gần đây, nhiều người dân khi đi khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông khá bất ngờ khi trong sảnh tiếp đón của bệnh viện xuất hiện một robot biết nói tiếng người.
Chỉ cần đứng đối diện cô Tấm robot và hỏi Phòng khám tiêu hóa ở đâu, Tấm sẽ cất tiếng, chỉ đường đến nơi cần đến.
Mang hình dáng giống một nữ y tá với chiếc khăn rằn Nam bộ đặc trưng quấn quanh hông, robot Tấm tạo sự thích thú cho người bệnh khi có khả năng di chuyển tự động, nhận dạng khuôn mặt, ghi nhớ tên người bệnh, hướng dẫn đường đi cho bệnh nhân.
Tấm còn có thể trò chuyện với người bệnh về các vấn đề y khoa, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc người bệnh, cách phòng tránh bệnh tật…
Đại tá Trương Hoàng Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y miền Đông, tự hào chia sẻ robot Tấm là sản phẩm ứng dụng công nghệ thông minh được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ vạn vật kết nối (IoT) với khả năng nhận dạng người, vật cản, xử lý và phân tích ngôn ngữ giao tiếp.
Trên thân robot được thiết kế bảng điện tử, có thể giúp người bệnh tra cứu danh mục viện phí và cho phép đặt lịch hẹn khám bệnh theo các chuyên khoa.
“Điểm đặc biệt của robot Tấm mà các nhân viên y tế khó lòng thực hiện là nhận dạng hành động thiếu ý thức và phát loa nhắc nhở như hút thuốc, xả rác… và được người bệnh hưởng ứng, không cự cãi,” Đại tá Việt nhấn mạnh.
Cách nơi đặt robot Tấm không xa là 4 kiốt đăng ký khám bệnh thông minh giúp người dân nhanh chóng thực hiện các thao tác đăng ký khám bệnh nhanh, gọn mà không cần phải có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Chỉ cần đưa thẻ bảo hiểm y tế hoặc thẻ từ của Bệnh viện cấp quẹt vào mắt hồng ngoại nhận diện thì toàn bộ thông tin của bệnh nhân được ghi nhận.
Sau khi người bệnh chọn nội dung khám bệnh, màn hình sẽ hiển thị ngay phòng khám, số thứ tự…
Dù không cần người vận hành nhưng các kiốt vẫn có thể kiểm tra tính hợp lệ của thẻ bảo hiểm y tế, chụp hình ảnh của người dùng bằng camera trước, kết hợp chặt chẽ với phần mềm quản lý tổng thể của bệnh viện và thậm còn giúp người bệnh góp ý, chấm điểm hài lòng về chất lượng dịch vụ.
Đó chỉ là hai trong mười sáu sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin vào cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông được triển khai từ năm 2016 đến nay.
Ngoài robot Tấm và kiốt đăng ký khám bệnh tự động, Bệnh viện còn triển khai hàng loạt các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin khác như Hệ thống kiểm soát ra vào phòng bệnh, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật, tủ lưu trữ hồ sơ thông minh, hệ thống gọi số thứ tự cầm tay không dây, robot lau nhà vệ sinh, hệ thống quan trắc nhà vệ sinh…
Mục tiêu của Bệnh viện Quân dân y miền Đông là cải tiến toàn bộ quy trình khám chữa bệnh trên nền tảng bệnh viện thông minh, hướng tới hài lòng người bệnh ở mức cao nhất.
Là người thường xuyên đến khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông, bà Lê Thị Mến, 72 tuổi, ngụ phường Long Bình, quận 9, cho biết, "Tôi rất bất ngờ về những đổi thay của bệnh viện trong những năm gần đây. Tôi rất thích thú với các loại máy móc mà Bệnh viện Quân dân y miền Đông trang bị. Từ sảnh đón đến nhà vệ sinh, đâu đâu chúng tôi cũng nhìn thấy các sản phẩm công nghệ tự động, chỉ dẫn và phục vụ rất nhiệt tình."
Khi người lính quân y sáng tạo
Nói về quyết định lựa chọn phát triển công nghệ thông tin, hướng đến bệnh viện thông minh, Đại tá Trương Hoàng Việt cho hay: Là bệnh viện quân y được giao tự chủ tài chính đầu tiên trên cả nước, trước năm 2016, Bệnh viện Quân dân y miền Đông gặp muôn vàn khó khăn.
Cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp, nhân lực mỏng, chất lượng khám chữa bệnh bị hạn chế. Do đó, số lượng bệnh nhân tin tưởng, tìm đến bệnh viện khám chữa bệnh cũng rất ít.
“Chúng tôi rất trăn trở làm sao nâng chất lượng khám bệnh và làm hài lòng người bệnh hơn nhưng vẫn không làm tăng nhân sự, tăng chi phí. Và chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin mới có thể giải quyết được bài toán này,” Đại tá Việt chia sẻ.
Tuy nhiên, thay vì đi mua công nghệ, các ý tưởng sáng tạo có sẵn mang về ứng dụng “chiến lược” mà Ban lãnh đạo Bệnh viện Quân dân y miền Đông hướng đến là phát huy mạnh mẽ tinh thần của những “anh bộ đội cụ Hồ,” tận dụng nguồn lực tại chỗ, tự mình hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo trên nền tảng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin.
Trung tâm Công nghệ thông tin – thuộc Ban Công nghệ thông tin đầu tiên tại một bệnh viện được thành lập với nòng cốt là các sinh viên trẻ với sự sáng tạo mới mẻ và khát khao cống hiến tại các trường đại học trên địa bàn.
Song song đó, Ban giám đốc Bệnh viện thường xuyên, liên tục phát động các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, cải tiến quy trình khám chữa bệnh dựa trên nhu cầu thực tế hoạt động của bệnh viện.
Từ đó, hàng loạt các ý tưởng sáng tạo được nhân viên bệnh viện đề cử và Trung tâm Công nghệ thông tin hiện thực hóa thành những sản phẩm công nghệ hữu ích.
Kỹ sư Võ Hồng Quân, phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin, cho biết các nhân viên của trung tâm vẫn đang miệt mài ngày đêm tìm ra các phương án cải tiến tiện ích của các sản phẩm công nghệ này nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.
Đại tá Trịnh Ngọc Chí, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân dân y miền Đông phấn khởi chia sẻ, nhờ những ứng dụng công nghệ này mà 3 năm trở lại đây bộ mặt của bệnh viện đã thay đổi, chất lượng phục vụ nâng cao rõ rệt.
Quan trọng hơn, người dân bắt đầu tìm đến bệnh viện ngày càng nhiều, chỉ số hài lòng cũng ngày càng cao.
Từ chỉ khoảng 700-800 lượt khám chữa bệnh mỗi ngày hiện nay đã tăng lên 1.500-1.600, cao điểm lên tới 1.800 lượt. Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà công tác quản lý bệnh viện cũng nhờ thế mà nhẹ nhàng hơn.
Đại tá Trịnh Ngọc Chí đưa ra ví dụ, thông qua sản phẩm quan trắc nhà vệ sinh, dù không trực tiếp khảo sát nhưng Ban giám đốc vẫn biết nhà vệ sinh nào đã bẩn, cần phải dọn dẹp ngay, hay với ứng dụng máy đăng ký khám bệnh thông minh có thể dễ dàng biết được khu vực nào đang ùn ứ người bệnh để điều phối nhân sự ở các khu vực ít bệnh nhân đến hỗ trợ.
“Định hướng của chúng tôi là sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành bệnh viện. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo để vừa làm sao tốn ít thời gian, con người nhất nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao và làm hài lòng người bệnh nhất,” Đại tá Trịnh Ngọc Chí cho biết.
Khi đến khảo sát tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã rất ngạc nhiên và thích thú với các sản phẩm phục vụ người bệnh mang hàm lượng công nghệ cao.
Và càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng tất cả các sản phẩm này đều do chính các chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia tự động hóa của bệnh viện tự nghiên cứu và sản xuất, phục vụ người bệnh.
Theo ông Thượng, y tế là một ngành khoa học rất đặc thù, nhưng mô hình “vườn ươm sáng tạo” dành riêng cho ngành, đặc biệt là trong môi trường một bệnh viện gần như chưa có tiền lệ.
“Với các mô hình và sản phẩm được tạo ra xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của chính bệnh viện, mô hình này tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông thật sự xứng đáng được gọi là 'vườn ươm sáng tạo độc đáo trong môi trường bệnh viện,'” ông Tăng Chí Thượng nhận xét./.
Bình luận (0)